Multimedia Đọc Báo in

Lễ thổi tai cho trẻ nhỏ - nghi lễ quan trọng của người M'nông

17:44, 10/10/2014
Theo phong tục của đồng bào M’nông, sau lễ xỏ tai cho con mình, đứa trẻ được cha mẹ nuôi nấng, chăm sóc chu đáo, cho đến khi đứa trẻ tròn 7 hoặc 10 mùa rẫy (nghĩa là từ 7-10 tuổi) thì cha mẹ đứa trẻ lại tiến hành làm lễ thổi tai (khôm tor) cho con mình.
 
Lễ thổi tai có thể được làm riêng cho một đứa con, hoặc cùng một lúc cho các con ở độ tuổi đó trong một gia đình. Lễ thường được tiến hành lúc nửa đêm vào dịp rằm tháng Tám âm lịch (nghĩa là trùng với dịp Trung thu của người Kinh).

Vào ngày rằm tháng Tám, cha mẹ những đứa trẻ chuẩn bị một ché rượu nhỏ, một con gà trống choai (luộc chín), một tô đồng đựng tiết gà pha rượu, một tô đựng bột bồ kết và hai củ ngải. Đợi lúc nửa đêm, cha mẹ những đứa trẻ mang theo các lễ vật trên và dẫn các con ra ngã ba một dòng suối gần buôn làng. Đến nơi họ chọn một chỗ bằng phẳng bên bờ suối để đặt lễ cúng. Sau khi lễ vật đã được bày xong, người cha cầu khấn thần núi, thần sông, thần suối, thần cây đa, thần đá suối xin phép được làm lễ thổi tai cho các con mình. Khấn xong, người cha cầm tô tiết gà pha rượu đổ xuống ngã ba dòng suối để mời các vị thần linh cùng hưởng.

Chờ cho tiết gà pha rượu tan vào dòng nước, cha mẹ của những đứa trẻ dẫn các con xuống ngã ba dòng suối lấy bột bồ kết tắm cho các con. Những đứa trẻ vừa mới tắm, gội đầu sạch sẽ được cha mẹ thay cho áo, váy, khố mới. Áo, váy, khố cũ phải được giặt sạch sẽ ngay tại dòng suối này. Tắm xong, họ dẫn các con lên bờ. Sau đó người cha dùng dao cắt củ ngải thành những lát mỏng rồi đặt vào lỗ tai của các con mình (mỗi lỗ tai một lát ngải). Vừa đặt lát ngải vào tai các con, người cha vừa khấn thần linh hãy giúp cho những đứa con của mình có đôi tai thật thính, nghe được tiếng chim hót, vượn kêu cách xa bảy ngọn núi, bảy con sông và phân biệt được điều hay, lẽ phải; lớn lên thông minh, sáng dạ, học thuộc các câu vần (nao mpring), học thuộc luật tục (phat kduoi), học kể gia phả (roh yau), học thuộc nhiều sử thi (ót n’drong) của ông bà để lại. Con trai phải giỏi nghề đan lát. Con gái phải giỏi nghề xe chỉ, dệt vải, bếp núc… Cầu khấn xong, người cha cầm ống trúc thổi vào tai các con. Theo phong tục, mỗi lỗ tai chỉ thổi một lần. Nếu thổi một lần mà lát ngải trong tai văng ra ngoài, thì đứa trẻ đó sẽ thông minh sáng dạ, sau này lớn lên sẽ trở thành người tài giỏi. Còn nếu thổi một lần mà lát ngải vẫn dính trong tai đứa trẻ thì sau này đứa trẻ lớn lên không được thông minh bằng người.

Nghi lễ cắm nêu cúng lúa của người M’nông (ảnh minh họa).
Nghi lễ cắm nêu cúng lúa của người M’nông (ảnh minh họa).

Sau khi làm lễ thổi tai xong, cha mẹ dẫn các con về nhà và tiến hành truyền nghề cho các con ngay. Con gái thì học kéo chỉ, dệt vải, nấu nướng. Con trai thì học đan gùi, rổ rá. Cha mẹ của những đứa trẻ còn kể gia phả, đọc các câu luật tục, kể sử thi cho các con nghe. Những đứa trẻ say mê luật tục, gia phả, sử thi, truyện cổ… có thể thức luôn đến sáng để học cho thuộc. Ngoài ra, cha mẹ còn dặn dò các con một số điều kiêng cữ sau khi làm lễ thổi tai như: không được liếm tay hoặc các ngón tay, không được liếm đũa bếp, không được ăn cơm bốc ngay đầu nồi; phải kính trọng ông bà, cha mẹ, anh chị, các em, cô dì chú bác và những người lớn tuổi; biết nghe lời người lớn; siêng năng, cần cù chịu khó, học hỏi những điều hay lẽ phải để sau này lớn lên hơn chị, hơn anh, hơn những người tài giỏi trong cộng đồng…

Lễ thổi tai cho trẻ nhỏ là một nghi lễ vô cùng quan trọng, thuộc hệ thống nghi lễ vòng đời người của dân tộc M’nông. Đây là một nghi lễ nhằm giáo dục những kiến thức cơ bản cho con cái của mình, để sau này các con bước vào đời tự tin, vững vàng, biết làm chủ gia đình, dòng họ, biết xây dựng buôn làng bình yên, giàu đẹp.

Trương Bi


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.