Multimedia Đọc Báo in

Du lịch homestay ở vùng cao Tây Bắc

13:40, 18/06/2017

Nhằm đáp ứng nhu cầu dừng chân, nghỉ ngơi của du khách và giới thiệu, quảng bá các sản phẩm du lịch bản địa, nhiều địa phương ở vùng Tây Bắc đã dựa vào những tiềm năng sẵn có để phát triển dịch vụ homestay.

Đây là kiểu dịch vụ du lịch được thực hiện ngay tại chỗ, tại địa điểm du lịch, tại nơi du khách dừng chân nhằm tạo một không gian thân thiện, gần gũi để du khách nghỉ ngơi trong hành trình khám phá và chiêm ngưỡng vẻ đẹp địa phương. Dịch vụ homestay sẽ đáp ứng các nhu cầu về nghỉ ngơi, ăn uống, giới thiệu các điểm du lịch, tư vấn và trang bị những thiết bị cần thiết để du khách tiếp tục cuộc hành trình. Khác với những khách sạn, nhà nghỉ đồ sộ, dịch vụ homestay mang tính chất làng bản, cộng đồng và được du khách rất thích thú.

Hiện nay, có khá nhiều điểm du lịch làng bản phát triển dịch vụ homestay ở vùng Tây Bắc như: Sa Pa, Bắc Hà, Bảo Yên (Lào Cai); Mù Cang Chải, Mường Lò, Nghĩa Lộ, Tú Lệ (Yên Bái); Bản Lác - Mai Châu (Hòa Bình); Tà Xùa (Bắc Yên - Sơn La), Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ (Hà Giang)…

Dịch vụ homestay ở vùng cao thường gắn với bản làng. Có những bản làng nằm trọn dưới thung lũng như ở Bản Lác (Mai Châu - Hòa Bình) nhưng cũng có những bản làng nằm chon von, chênh vênh trên núi cao ở Mèo Vạc (Hà Giang), Sa Pa (Lào Cai), Mù Cang Chải (Yên Bái). Vì thế, khi phát triển dịch vụ homestay, các địa phương rất chú ý đến đặc thù từng vùng để phát triển sao cho phù hợp. Tại Bản Lác (Hòa Bình), đặc thù địa hình là thung lũng với những ngôi nhà sàn hữu tình, du khách đến đây rất thích rong ruổi đạp xe hoặc đi bộ quanh bản làng để ngắm cảnh rồi nghỉ qua đêm để trải nghiệm sống nơi đây. Bởi vậy, người dân ở Bản Lác đã sử dụng chính những ngôi nhà sàn truyền thống của mình để làm dịch vụ, phục vụ việc ăn nghỉ tại chỗ cho khách du lịch.

Người dân bản địa là lực lượng quan trọng tham gia dịch vụ homestay ở vùng cao.
Người dân bản địa là lực lượng quan trọng tham gia dịch vụ homestay ở vùng cao.

Hầu hết các địa phương đã tạo ra nơi nghỉ dưỡng homestay rất bản sắc với những khu nhà sàn, nhà trình tường đặc trưng và độc đáo. Điểm du lịch Tà Xùa - đỉnh núi cao 2.650 m so với mực nước biển vốn được ví như chốn bồng lai tiên cảnh với những biển mây bồng bềnh, thơ mộng nên du khách từ mọi miền thường đến đây để “săn mây”. Để đáp ứng nhu cầu của du khách, người dân địa phương đã dựng lên những căn nhà gỗ đơn sơ, ấm áp. Tại đây, sau một ngày khám phá mây núi, du khách có thể ngả lưng trên những tấm đệm bông lau và chìm vào giấc ngủ ngon lành, xua đi bao ưu phiền, mệt nhọc.

Đối với du lịch vùng cao, dịch vụ homestay luôn gắn với những tiềm năng du lịch theo mùa, với những mùa hoa như hoa tam giác mạch, hoa mận, hoa cải, hoa ban, gắn với ruộng bậc thang mùa nước đổ, mùa gặt và lễ hội vùng cao. Người vùng cao tham gia dịch vụ này sẽ quảng bá những sản phẩm du lịch bản địa như cọn nước, nhà sàn, ẩm thực, ca múa… Tại các bản làng Tày ở Bảo Yên (Lào Cai), người Tày phát triển du lịch cộng đồng, phục vụ việc ăn nghỉ cho khách ngay tại nhà sàn trong bản. Những món ăn đậm đà dư vị như vịt lam, cá suối, măng rừng, thịt lợn cắp nách, thịt trâu gác bếp, rượu ngô… luôn để lại ấn tượng đặc biệt trong lòng du khách.

Homestay ở vùng cao phát triển mạnh không chỉ dựa vào tiềm năng mà còn bởi một đội ngũ hướng dẫn viên trẻ, năng động và đam mê du lịch. Hầu hết những hướng dẫn viên tại những điểm homestay đều có những hiểu biết về địa hình, địa điểm du lịch, biết ngoại ngữ và có kỹ năng ứng xử với du khách. Họ đã phối hợp rất hiệu quả với người dân bản địa để làm dịch vụ homestay.

Với du khách, du lịch homestay luôn hấp dẫn và thi vị. Dạo chơi trên con đường nhỏ xinh dẫn vào các bản, bạn như hòa mình vào không gian thanh bình ở vùng cao, không ồn ã, xô bồ. Bạn còn có những trải nghiệm thú vị với những hoạt động sinh hoạt thường ngày của người dân vùng cao.

Có thể nói, du lịch homestay đã góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch ở  các bản làng và tạo cơ hội việc làm cho người dân bản địa ở vùng cao Tây Bắc.

Nguyễn Thế Lượng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.