Multimedia Đọc Báo in

Về thăm Châu Phú

18:15, 10/06/2017

Huyện Châu Phú (tỉnh An Giang) nằm dọc theo Quốc lộ 91 và sông Hậu, sau lưng là dãy Thất Sơn hùng vĩ như bức bình phong khổng lồ che chắn cho đồng bằng.

Châu Phú mang đậm dấu ấn miệt vườn, có nhiều di tích lịch sử văn hóa; ngoài ra, du khách đến đây còn có thể trải nghiệm không khí đặc biệt vào mùa nước nổi miền Tây Nam Bộ…

 Đi theo Quốc lộ 91, điểm đầu tiên bạn bắt gặp khi đến với Châu Phú là cù lao Năng Gù - tức xã Bình Thủy. Cù lao miệt vườn có không khí trong lành, người dân chân chất, thân thiện giúp người ta có cảm giác thơ thới, bình yên. Đến đây, bạn có thể trải nghiệm làm ruộng cùng nông dân Năng Gù, đến thăm những vườn táo, ổi, xoài… sum sê trái.

Cù lao Năng Gù là một trong số những nơi được khai phá sớm ở An Giang (năm 1783). Nơi đây còn lưu giữ rất nhiều ngôi nhà cổ có từ đầu thế kỷ 19. Đa số các ngôi nhà cổ có kiến trúc giống nhau, ba gian hai chái, nóc bánh ít, cột tròn làm từ gỗ quý… Nhà thấp nhưng thoáng mát, cách thiết kế và trang trí mang phong cách truyền thống xen lẫn kiến trúc phương Tây. Trong những ngôi nhà này vẫn còn lưu giữ nhiều cổ vật bằng đồng, sành sứ, hoành phi, liễn đối, tủ thờ cẩn ốc xà cừ… có giá trị cao.

Bửu Hương tự, nơi thờ Quản cơ Trần Văn Thành.
Bửu Hương tự, nơi thờ Quản cơ Trần Văn Thành.

Đến cù lao Năng Gù, du khách đừng quên đến tham quan đình thần Bình Thủy - một di tích kiến trúc nghệ thuật độc đáo ở An Giang, được xây dựng năm 1783 và trùng tu nhiều lần sau đó. Nếu đến vào dịp tháng 5 âm lịch, du khách có cơ hội tham dự lễ hội Kỳ Yên (diễn ra ngày 9 và 10 tháng 5 âm lịch), xem hội thi đua thuyền truyền thống vô cùng hấp dẫn.

Thị trấn Cái Dầu của huyện Châp Phú mang đầy đủ nét đặc trưng của một “phố chợ miền sông”, có bề dày lịch sử, đậm nét văn hóa. Từ xa xưa, Cái Dầu đã là địa điểm buôn bán, trao đổi sầm uất của khu vực. Chợ Cái Dầu ngày nay khang trang, dưới sông lẫn trên bờ đều buôn bán tấp nập. Về đêm, thị trấn mang bộ mặt trẻ trung, duyên dáng, không khí không quá ồn ào, vừa đủ để ta lắng lòng trước khung cảnh khá lãng mạn, sâu lắng. Phía trên trung tâm thị trấn không xa là công viên Trần Văn Thành nằm đối diện khu hành chính huyện với điểm nhấn là tượng đài Quản cơ Trần Văn Thành. Tượng cao  15 mét, nằm giữa một không gian rộng lớn, tạc Quản cơ Trần Văn Thành đứng oai vệ trên xuồng đang lướt trên sóng nước, mặt ngẩng cao hướng về Láng Linh, tay cầm kiếm như chuẩn bị xông vào trận. Quản cơ Trần Văn Thành chính là chỉ huy của cuộc khởi nghĩa Láng Linh - Bảy Thưa, phong trào chống Pháp với quy mô lớn của nghĩa binh Gia Nghị. Nghĩa quân đã đánh thắng nhiều trận, gây cho Pháp tổn thất lớn. Sau nhiều lần xâm nhập bất thành do không quen vùng sình lầy, đầu năm 1873 Pháp tổ chức càn quét lớn, binh Gia Nghị bị đánh bại, Quản cơ Trần Văn Thành cùng một số ít tàn quân rút sâu vào vùng núi, sau đó thì không ai còn thấy tung tích. Hằng năm, vào ngày 21 tháng 2 âm lịch - kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa bị đàn áp, huyện Châu Phú đều tổ chức Lễ hội Văn hóa truyền thống, thu hút hàng vạn người tham dự.

Tiếp tục theo Quốc lộ 91 đến cầu Vịnh Tre rồi rẽ trái khoảng 10 km, bạn sẽ đến Bửu Hương tự, tức Đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành, di tích lịch sử cấp Quốc gia. Đền có kiến trúc đơn giản, bố cục hài hòa, đăng đối, mang phong cách truyền thống. Nóc đền lợp ngói âm dương, cột vuông sơn vàng, cửa dạng vòm tròn tinh tế. Nội thất là một không gian đậm chất dân tộc, vừa mang dáng vẻ đền miếu, vừa có nét như một ngôi nhà cổ của vùng đất Nam Bộ, gần gũi, uy nghi.

Đình thần Bình Thủy.
Đình thần Bình Thủy.

Đến Châu Phú khoảng từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch, bạn còn có thể trải nghiệm không khí đặc biệt mùa nước nổi miền Tây. Vào thời điểm đỉnh lũ, đồng Láng Linh chìm giữa bốn bề sông nước mênh mông, xa xa là những rặng núi mờ ảo. Mùa nước nổi về mang phù sa bồi đắp ruộng đồng và nguồn lợi thủy sản to lớn cho miền Tây. Sáng sớm là lúc những người đánh bắt cá gỡ những mẻ lưới thu hoạch sau một đêm dài thao thức.  Trong mẻ lưới có cơ man là cá: cá rô, cá mè vinh, cá lóc, cá sặc…, nhưng đặc biệt nhất vẫn là cá linh. Cá linh mềm, ngọt, béo nên đã trở thành đặc sản của mùa nước nổi An Giang. Du khách sẽ được thưởng thức rất nhiều món làm từ cá linh, như: canh chua cá linh, cá linh kho, cá linh chiên bột, lẩu mắm cá linh, nước mắm cá linh…

Vào mùa nước nổi, bông điên điển nở vàng rực trải dài cả một vùng đồng nước cũng trở thành một món ăn được ưa thích. Bông điên điển giòn, ngọt, thường dùng để nấu chung với canh chua, làm rau chấm cá kho, làm gỏi… Ngoài ra, du khách còn có dịp thưởng thức nhiều món đặc sản mùa nước nổi như: rắn nước, cua đồng, ếch đồng, chuột đồng, bông súng, rau muống… Du lịch mùa nước nổi ở Láng Linh, khách có thể mướn ghe xuồng để trải nghiệm cánh đồng bạt ngàn chìm trong biển nước, đánh bắt cá, hái bông điên điển, giao lưu đờn ca tài tử, chế biến và thưởng thức các món ăn đồng quê. Đó sẽ là những trải nghiệm hấp dẫn đến khó quên…

Thiện Phúc


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.