Multimedia Đọc Báo in

Cuộc hội ngộ sắc màu âm nhạc

09:03, 01/09/2017

Liên hoan Nghệ thuật quần chúng (NTQC) tỉnh lần thứ XV vừa diễn ra cho thấy phong trào NTQC đang phát triển rộng khắp, có sức thu hút mạnh mẽ đối với mọi tầng lớp nhân dân.

Về dự liên hoan có 15 đoàn tham gia với gần 500 cán bộ, diễn viên đến từ 13 huyện, thị xã, thành phố, gồm nhiều lứa tuổi, đối tượng như: cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên, học sinh, sinh viên, lực lượng vũ trang và cả những người nông dân đến từ các thôn, buôn, tổ dân phố. Trong đó, một số đoàn có cán bộ, diễn viên, cổ động viên tham gia lên đến hàng trăm người như: Krông Pắc, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Đáng nói hơn, liên hoan lần này có sự tham gia của các Câu lạc bộ: Tiếng hát mãi xanh (TP. Buôn Ma Thuột), Dân ca quan họ (huyện Krông Năng).

Chỉ trong 2 ngày, khán giả đã được thưởng thức 74 tiết mục, với đủ thể loại: hát múa, múa, đơn ca, song ca, tốp ca, hòa tấu nhạc cụ, hoạt cảnh... Hầu hết các tiết mục đều có sự chuẩn bị, đầu tư dàn dựng công phu cả về nội dung, chất lượng nghệ thuật và hình thức thể hiện; đa sắc màu, từ truyền thống đến hiện đại.

Chủ đề của liên hoan khá rộng là điều kiện thuận lợi để các đoàn có nhiều lựa chọn những nội dung, hình thức thể hiện phù hợp với thế mạnh của địa phương, ngành nghề mình. Đơn cử như Đoàn NTQC Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh với 5 tiết mục đặc sắc khắc họa rõ nét hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” đã khiến khán giả ngạc nhiên, thán phục. Sự chuyên nghiệp của đoàn thể hiện rõ ràng nhất trong tiết mục “Sáng mãi niềm tin”. Chỉ với đạo cụ duy nhất là tấm ván, nhưng các anh đã khắc họa rõ nét cuộc sống hằng ngày của bộ đội, từ lúc báo thức, thực hiện các chế độ trong ngày, trong tuần, cho đến những giây phút thư giãn… Hay như Đoàn NTQC thị xã Buôn Hồ, bằng sự thông minh, sáng tạo, đoàn đã mang đến liên hoan một bức tranh của làng quê Việt Nam với những vật dụng rất gần gũi, quen thuộc: thúng, mủng, dần, sàng, gạo, lúa, ngô, rơm rạ…

Tiết mục hoạt cảnh múa
Tiết mục hoạt cảnh múa "Cúc ơi!" của Đoàn NTQC huyện Krông Ana đoạt giải A tại liên hoan.

Đại tá Trần Ngọc Sương, Trưởng Đoàn NTQC, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh tâm tình: Đoàn chúng tôi có khá đông chiến sĩ chưa một lần đứng trên sân khấu, nhưng khi được huy động tham gia, mọi người đã rất chăm chỉ, miệt mài luyện tập. Cảm ơn khán giả đã đồng hành và cổ vũ nhiệt tình để đoàn hoàn thành xuất sắc phần thi của mình.

Theo sát chương trình, NSƯT Vũ Lân, Trưởng Ban giám khảo đánh giá: Liên hoan năm nay có khá nhiều nét mới, đáng kể nhất là sự xuất hiện phong cách dân gian gần như nguyên gốc. Chúng ta được bắt gặp một song ca quan họ, 2 diễn viên đã lớn tuổi, nhưng hát rất chuẩn của Câu lạc bộ Tiếng hát mãi xanh. Hay như sự xuất hiện khá mới mẻ của nhóm nhạc cụ dân tộc của Đoàn NTQC huyện Buôn Đôn với điệu múa Lăm Vông rất duyên dáng….

Để phong trào NTQC của tỉnh nhà phát triển và có sức lan tỏa hơn nữa, ông Đặng Gia Duẩn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Trưởng Ban tổ chức cho rằng, thời gian tới, các Phòng Văn hóa thông tin, các Trung tâm Văn hóa tiếp tục là nòng cốt để duy trì và phát triển phong trào NTQC ở các địa phương, đơn vị; cần quan tâm hơn nữa công tác bồi dưỡng các hạt nhân nòng cốt của phong trào NTQC…

Thành công của liên hoan là tâm huyết và sự cố gắng không mệt mỏi của những người làm công tác văn hóa với mong muốn góp phần ngày càng làm phong phú thêm đời sống tinh thần, nâng cao chất lượng và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của quần chúng nhân dân. Tin rằng, gần 500 cán bộ, diễn viên trở về từ liên hoan sẽ là lực lượng nòng cốt của phong trào NTQC tỉnh nhà. Bằng lòng say mê và tinh thần trách nhiệm, họ sẽ tiếp tục phát triển phong trào NTQC ở địa phương, đơn vị.

Quỳnh Anh – Ánh Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.