Multimedia Đọc Báo in

Đưa tiếng chiêng vang xa hơn

12:42, 13/01/2018

Thành lập năm 2014, Câu lạc bộ (CLB) Cồng chiêng của Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Dur Kmăl (huyện Krông Ana) đã góp phần giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Với một xã đông người Êđê sinh sống như Dur Kmăl, cồng chiêng đóng vai trò quan trọng trong đời sống. Từ đám cưới cho đến đám tang, hay chào đón khách quý... người Êđê đều thể hiện tâm tư tình cảm và nỗi niềm của mình qua tiếng chiêng. Tuy nhiên, hiện nay văn hóa cồng chiêng đang dần bị mai một, số lượng các bộ cồng chiêng còn lại rất ít, người chơi được cồng chiêng cũng không còn nhiều. Trước thực trạng đó, với mong muốn bảo tồn và phát huy nhạc cụ truyền thống, những CCB ở các buôn trong xã tập hợp nhau thành lập CLB Cồng chiêng với 12 thành viên, đều là người Êđê biết đánh cồng chiêng, có niềm đam mê mãnh liệt với văn hóa dân tộc. Ông Đhu Hmok, Chủ nhiệm CLB cho biết: “Hiện nay, trong buôn còn ít bộ cồng chiêng lắm, nhà tôi còn 1 bộ chiêng, trống đầy đủ nên các thành viên thường xuyên đến đây để sử dụng. Từ đó, chúng tôi lập thành CLB sinh hoạt, tập luyện và ôn lại những kỷ niệm cũ”.

Thành viên CLB cồng chiêng luyện tập đánh chiêng.
Thành viên CLB cồng chiêng luyện tập đánh chiêng.

Với niềm đam mê và sự nhiệt huyết của các thành viên, CLB thường xuyên biểu diễn ở các dịp lễ của buôn, xã như: cúng mừng lúa mới, chương trình văn nghệ ... Trong đội, còn có thành viên biết chơi kèn bầu, sáo, kết hợp với cồng chiêng tạo nên một bản nhạc độc đáo, mới lạ nhưng vẫn chứa đựng những giá trị truyền thống. Có thành viên tuy tuổi đã cao, đôi tay đã run, nhưng nhịp chiêng vẫn chắc khỏe,  nhịp nhàng. Mỗi bài chiêng vang lên chứa đựng sự tự hào, đong đầy sự yêu thương và trách nhiệm. Trách nhiệm truyền dạy lại cho con cháu về truyền thống văn hóa dân tộc.

Tuy nhiên, hiện không có mấy bạn trẻ mặn mà đam mê với loại nhạc cụ truyền thống này. Một phần vì học đánh chiêng rất khó, nếu chăm chỉ tập luyện thì để có thể đánh chiêng được thành thạo cũng phải mất từ 2 - 3 năm. Một số thanh niên học được một thời gian thì lấy vợ và phải chuyển đến sống bên gia đình vợ theo phong tục người Êđê nên không có điều kiện học tiếp. Dù vậy, các thành viên trong CLB luôn cố gắng truyền dạy văn hóa cồng chiêng cho lớp trẻ. Khi chưa tập hợp được nhiều bạn trẻ cùng học thì mỗi người lại tự dạy một người trong gia đình, trong buôn. “Đến khi đánh được, chơi được, tự tiếng chiêng sẽ đưa chúng lại với nhau”, ông Y Jie Buôn Krông, thành viên CLB tâm sự.

Hiện CLB đang có kế hoạch phối hợp với Đoàn Thanh niên xã tổ chức các lớp truyền dạy đánh cồng chiêng và một vài nhạc cụ dân tộc khác cho các thanh niên có nhu cầu, tâm huyết trong buôn, xã.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nỗ lực ngăn chặn “tín dụng đen” xâm nhập học đường
Mặc dù các lực lượng chức năng của tỉnh Đắk Lắk liên tục có các biện pháp trấn áp, truy quét, nhưng các ổ nhóm "tín dụng đen" vẫn có dấu hiệu hoạt động trái pháp luật. Hiện nay, học sinh là nạn nhân mà các đối tượng này hướng đến.