Multimedia Đọc Báo in

Thăm đền thờ Thánh Gióng trên núi Vệ Linh

09:50, 31/03/2018

Những ngày đầu xuân Mậu Tuất, chúng tôi hành hương về núi Vệ Linh (Sóc Sơn, Hà Nội) chiêm bái đền thờ Thánh Gióng. Bước chân vào không gian quần thể di tích đền Sóc, mỗi người như cảm nhận được sự bất tử linh thiêng của Đức Thánh Gióng và những bài học nhân sinh gợi lên từ trong truyền thuyết…

Thánh Gióng tức Phù Đổng Thiên Vương, một trong “tứ bất tử” của dân tộc Việt Nam, người đã có công đánh đuổi giặc Ân, bảo vệ bờ cõi được nhân dân ngàn đời tôn kính và lập đền thờ. Trong số những di tích lịch sử thờ Thánh Gióng có Đền Sóc (Sóc Sơn, Hà Nội), ngôi đền tọa lạc trên núi Vệ Linh, nơi Đức Thánh Gióng sau khi chiến thắng giặc Ân đã bay về trời. Đây là một trong hai quần thể di tích lịch sử văn hóa thờ Thánh Gióng, một di tích nữa là đền thờ Phù Đổng Thiên Vương ở quê nhà của Tháng Gióng (làng Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội ngày nay). Đền được xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia vào năm 1962. Lễ hội đền Sóc được tổ chức từ ngày mùng 6 đến mùng 8 tháng giêng hằng năm.

Quần thể di tích lịch sử đền Sóc tọa lạc dưới chân núi Vệ Linh, một địa thế vững chãi, sơn thủy hữu tình. Phía trên là dải núi trùng điệp với đỉnh núi cao và rừng thông, trúc quanh năm xanh tốt, phía trước là con suối chảy uốn lượn, với làn nước trong xanh. Đặc biệt, nơi tọa lạc đền Sóc ở địa thế tuyệt đẹp với hai vách núi tỏa ra như hai cánh cung bao bọc lấy ngôi đền. Không gian đền Sóc có sự hòa hợp một cách tự nhiên giữa màu sắc cổ kính của đền, chùa như gợi lên những dấu mốc thời gian còn lưu trên bia đá, mái ngói, cột đền và không gian xanh mát của cây rừng như thông, trúc, tre đằng ngà, đa, si, âm thanh líu lo của chim chóc. Tất cả tạo nên một không gian khoáng đạt, thanh tịnh khiến cho con người đến nơi đây như được lắng sâu trong huyền tích thuở xưa về Tháng Gióng, như xua tan bao ưu phiền và cảm nhận được những giá trị nhân văn mà cha ông để lại từ trong truyền thuyết.

Du khách thập phương về chiêm bái, tri ân công đức Phù Đổng Thiên Vương.
Du khách thập phương về chiêm bái, tri ân công đức Phù Đổng Thiên Vương.

Bước chân vào cổng đền, du khách được chiêm bái ngôi đền Trình hay còn gọi là đền Hạ. Đây là một ngôi đền cổ thờ sơn thần thổ địa của núi Sóc. Đền thờ một tượng sơn thần bằng đồng nặng bảy tấn đang ngồi, hai tay đặt ở đầu gối, có nét mặt uy nghi, oai vệ. Tương truyền, vị thần nơi đây đã hiển linh, giúp vua kế sách đánh giặc, cho phép Thánh Gióng chọn nơi đây là địa điểm bay về trời. Tiếp đến là đền Mẫu, ngôi đền xưa kia là một miếu nhỏ, nay đã được xây dựng khang trang. Theo sử sách, ngôi đền này thờ Mẹ của Đức Thánh Gióng. Trước cổng đền có dòng chữ “Phù Đổng danh truyền Thiên Thượng Mẫu”. Phía trong đền có tượng Mẫu với nét mặt hiền từ, khoan dung, tỏa rạng vẻ đẹp thanh thoát, bình dị của người mẹ Việt Nam.

Phía trên là chùa Đại Bi, ngôi chùa nhỏ nhưng có hoa văn và kiến trúc tinh xảo. Ngôi chùa này là nơi vị thiền sư nổi tiếng đời Đinh – Lê là Khuông Việt đã tu tại đây. Trên cùng là đền Thượng, nơi thờ Đức Thánh Gióng. Ngôi đền được dựng theo lối kiến trúc cổ, hoa văn tinh xảo, mái vòm cong vút, ẩn mình dưới những bóng cổ thụ xanh tốt, tựa lưng vào núi Vệ Linh, hướng mặt ra dòng suối trong xanh. Du khách được chiêm ngưỡng những hình ảnh, lễ vật rất gần gũi được dân gian kể trong truyền thuyết như ngựa sắt, cơm nắm, cà muối, hoa tre… là những vật, món ăn gắn với Đức Thánh Gióng.

Đặc biệt, trong hậu cung thờ tượng Thánh Gióng bằng gỗ trầm hương cao lớn, gương mặt của ngài phương phi, phúc hậu và ngời lên sức mạnh của người anh hùng. Cùng ban thờ là sáu vị công thần, những người đã có công lao giúp sức Thánh Gióng đánh đuổi giặc Ân. Phía trên đỉnh cao nhất của núi Vệ Linh là tượng Đức Thánh Gióng cưỡi ngựa trong tư thế bay về trời, tượng được dựng năm 2010.

Chiêm bái đền Sóc, mỗi người sẽ cảm nhận được sự thân thuộc, gần gũi từ những hình ảnh được gợi lên từ trong truyền thuyết. Đặc biệt là những rặng tre ngà được trồng xung quanh ngôi đền và hai bên lối đi, gắn với hình ảnh Thánh Gióng trong khi đánh giặc đã nhổ những cụm tre đánh giặc thua tan tác.  Đến nơi đây, du khách còn được nghe những truyền thuyết, những huyền thoại về hình ảnh Thánh Gióng, người con làng Phù Đổng được sinh ra từ một người mẹ lam lũ, nghèo khổ, lớn lên bằng cơm muối của dân làng rồi trở thành người anh hùng đánh giặc cứu nước.

Nguyễn Thế Lượng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.