Multimedia Đọc Báo in

Lễ cúng thu hoạch một nửa diện tích của người M'nông Gar

09:00, 21/12/2019

Khi cây lúa chắc hạt, “ngậm” đủ sự tinh túy của đất trời và chuyển mình thành màu vàng óng là khoảng thời gian rộn ràng và vui nhất đối với những gia đình người M’nông Gar tại buôn Jiê Yúk (xã Đắk Phơi, huyện Lắk). Đây cũng là thời gian bà con thu hoạch lúa rẫy và làm lễ cúng thu hoạch một nửa diện tích theo truyền thống.

Những thứ cần chuẩn bị cho lễ cúng gồm: một con gà, một cái xà gạc, một con dao nhỏ, một cái rọ nứa (nuốt ba), tất cả được đặt trong chiếc gùi. Trước khi diễn ra lễ cúng, gia chủ sẽ lấy một sợi dây leo sei r’tăk cột vào cán xà gạc, bẻ một nhánh lá N’ha K’kung rồi thổi cùng và đọc lời khấn nhằm xua đuổi những điều không may mắn: “Hỡi các thần chim Mlang, chim Tlang, đừng gáy những điều không hay, đừng hót những điều không lành. Hãy phù hộ cho gia đình chúng tôi đi tuốt lúa được thuận lợi và mang lúa về an toàn tới kho...’’.

Tiếp theo, người cúng sẽ đến chỗ cây nêu trồng lúc làm lễ cúng mừng lúa trổ bông cách đó vài tháng cắm cái rọ nứa xuống đất, lấy rơm quấn xung quanh rọ, rồi đặt cơm ở trên rọ, đặt bầu đựng cháo, cơm, canh, bầu nước, trái đậu... xung quanh chỗ cái rọ nứa.

Sau đó gia chủ đào củ “Mơ bé’’(củ ngãi - trồng lúc làm lễ cúng mừng lúa trổ bông, một loại cây không thể thiếu trong lễ cúng lúa), lấy một miếng củ “Mơ bé’’ cắm lên cái rọ, một miếng củ “Mơ bé’’ xâu vào sợi rơm rồi cột tại vành gùi đựng, nhổ bốn cọng lông gà cắm xung quanh cái rọ nứa.

Sau đó, gia chủ lấy con dao cắt tiết gà bôi lên cái rọ và đọc lời khấn: ‘‘Hôm nay, một ché rượu cần, một con gà, một nồi cơm niêu tôi xin dâng lên các vị thần lúa. Sau này, các vị thần lúa không được trú ngụ trong rừng sâu, không được chạy sang nhà hàng xóm. Sau này, lúa ăn bớt lại có thêm lúa, kho lúa có bớt lại thì có thêm lúa mới. Hỡi các vị thần lúa Mơ Bố, thần lúa Jơ Rang, thần lúa Kei, thần lúa mẹ, thần lúa con không được sợ hãi, không được trú ngụ trong rừng sâu, không được chạy sang nhà hàng xóm. Hỡi vị thần bắp từ núi Rơ La hãy về đây. Hỡi hồn thần lúa từ núi Rơ Hứt hãy về đây’’.

Nghi thức làm lễ cúng tại kho lúa của người M'nông Gar.
Nghi thức làm lễ cúng tại kho lúa của người M'nông Gar.

Khi mọi người đã ăn sáng xong và đi tuốt lúa, gia chủ lấy củ “Mơ bé’’ bôi lên tất cả gùi nhỏ buộc trước hông của mọi người dùng để bỏ lúa vào. Việc làm này có ý nghĩa xua đi những điều xui xẻo, không hay và giúp cho việc thu hoạch lúa trở nên thuận lợi hơn. Sau đó, tất cả mọi thành viên đều tất bật tuốt lúa.

Theo truyền thống của người M’nông Gar, trong thời gian tuốt lúa, mọi người không được ăn tất cả các sản vật trồng trên rẫy, cũng không được bắt muông thú, chim chóc về làm thịt. Trong lễ cúng thu hoạch một nửa diện tích, tất cả thành viên đi tuốt lúa không được phép tắm ở các con suối dọc đường, chỉ được tắm nước giếng ở nhà. Chủ nhà làm lễ cúng sẽ không được tắm trong ngày hôm đó mà chỉ được tắm vào ngày hôm sau. Theo quan niệm của người M’nông Gar, ngày làm lễ cúng, hồn lúa sẽ luôn đi theo mọi người, nhất là người làm lễ cúng; nếu như không kiêng kỵ thì thần lúa sẽ nổi giận làm té ngã, đổ lúa xuống đất hoặc xuống nước, xe cộ vận chuyển lúa bị hư hỏng…

Sau khi vận chuyển lúa về nhà, các gia đình có thêm một lễ cúng tại kho lúa. Phần lễ cúng này cũng có sự khác biệt, nếu cúng bằng con gà còn sống, người M’nông Gar sẽ cúng trong bồ lúa và nếu con gà đã làm thịt, sẽ cầm một miếng thịt gà, tiến hành làm lễ cúng bên hông của bồ lúa và khấn: ‘‘Hỡi các vị thần lúa, hãy ở yên như con rắn, như con trăn cuộn tròn mình, hãy ở yên như con gà mái ấp trứng. Hãy ở yên như xà gạc, như cái nạo cỏ từ đồi Mơ Bưr. Hãy ở yên như con heo, con gà ở núi Nam Ka. Có được gạo, có hạt lúa rồi, mời thần núi Rơ La hãy về đây. Sau này, các vị thần lúa không được trú ngụ trong rừng sâu, không được chạy sang nhà hàng xóm’’.

Ông Bap Djuôn buôn Jiê Yúk (xã Đắk Phơi, huyện Lắk) tuốt lúa.
Ông Bap Djuôn buôn Jiê Yúk (xã Đắk Phơi, huyện Lắk) tuốt lúa.

Sau khi phần lễ kết thúc, đến phần ăn uống, người M’nông Gar cũng tổ chức như lễ cúng “mừng lúa trổ bông”, chủ và khách cùng uống một ché rượu cần, cùng ăn chung thịt gà giã măng chua nhưng không đánh cồng chiêng và múa hát. Người M’nông Gar quan niệm: âm thanh của tiếng cồng chiêng, tiếng sáo, tiếng hát ayray sẽ thu hút hồn lúa của các gia đình khác đến, sẽ bị các gia đình khác trách móc, gây sự bất hòa giữa cộng đồng trong buôn làng. Không tiếng hát, không nhạc cụ nhưng niềm vui vẫn rộn ràng từ nhà này sang nhà khác, với sự hân hoan lúa đã về kho an toàn, mang lại một mùa no ấm cho gia đình, người dân trong buôn làng.

Y Nin Byă


Ý kiến bạn đọc