Multimedia Đọc Báo in

Bảo tồn, phát huy vốn văn hóa truyền thống của cộng đồng người dân tộc thiểu số: Tôn trọng và lắng nghe tham vấn cộng đồng (Kỳ 1)

07:00, 11/10/2020

Mục tiêu của việc bảo tồn, phát huy vốn văn hóa truyền thống dân tộc nói chung là nhằm biến các giá trị văn hóa đó trở thành thực thể sống động, làm động lực phát triển cho mỗi cộng đồng, dân tộc. Trong quá trình thực hiện công tác này, việc tôn trọng và lắng nghe tham vấn từ cộng đồng là vấn đề không thể bỏ qua.

Kỳ 1: Tôn trọng sự khác biệt

Thời gian qua, chính quyền các cấp cùng nhiều cơ quan, ban, ngành chức năng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều chương trình (đề án) hỗ trợ, giúp đồng bào các dân tộc ít người ở đây bảo tồn, phát huy vốn văn hóa truyền thống của mình bằng nhiều nội dung, giải pháp kịp thời nhằm giúp họ nâng cao ý thức gìn giữ bản sắc, lòng tự hào dân tộc, lấy đó làm điểm tựa để phát triển và hội nhập.     

Tuy nhiên, nhìn những gì đang diễn ra trên thực tế thì mục tiêu trên chưa thật sự đem lại kết quả như mong muốn. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, cũng như các nhà quản lý, hoạch định chính sách ở đây cho rằng, cần phải nhìn nhận lại “gốc rễ” của vấn đề trên để hướng công tác này đi vào trọng tâm, thực chất và có chiều sâu hơn. “Gốc rễ” ấy phải bắt đầu từ ý thức, thái độ tôn trọng sự khác biệt về văn hóa của mỗi cộng đồng, dân tộc. Và điều cơ bản này phải thấm nhuần trong mọi chủ trương, chính sách được ban hành, cùng với quá trình tổ chức, thực hiện của các cơ quan chức năng, cộng đồng từ cơ sở cho đến cấp cao hơn.

Lễ mừng cơm mới của người Sê Đăng (buôn Kon H'ring, xã Ea Đing, huyện Cư M'gar). Ảnh: Hữu Hùng
Lễ mừng cơm mới của người Sê Đăng (buôn Kon H'ring, xã Ea Đing, huyện Cư M'gar). Ảnh: Hữu Hùng

Theo Phó GS.TS Tuyết Nhung Buôn Krông (Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Tây Nguyên), thuật ngữ “văn hóa” được hiểu bao gồm: những giá trị tâm linh, tín ngưỡng, quan điểm, ngôn ngữ, kiến trúc, tri thức dân gian và nghệ thuật...  thể hiện tính nhân văn, ý nghĩa sinh tồn và phát triển của mỗi cộng đồng, dân tộc. Vì vậy, sự trân trọng khác biệt về văn hóa trong chỉnh thể thống nhất là điều cần thiết; những định kiến, quan niệm có tính chất áp đặt, hoặc chỉ đạo một chiều (từ trên xuống) đối với truyền thống văn hóa là không hợp lý và thiếu sức thuyết phục. Bởi lẽ nó đang được so sánh với một nền văn hóa khác, hay được nhìn nhận từ một hệ giá trị bên ngoài một cách khiên cưỡng. 

              Truyền dạy  cho thế hệ trẻ góp phần  bảo tồn  văn hóa  cồng chiêng.  Ảnh:  Hữu Hùng
Truyền dạy cho thế hệ trẻ góp phần bảo tồn văn hóa cồng chiêng. Ảnh: Hữu Hùng

Bà Tuyết Nhung phân tích thêm, khi một thực hành văn hóa nào đó không còn phù hợp với bối cảnh kinh tế, xã hội và môi trường mới thì chính chủ nhân của nền văn hóa đó sẽ tự thay đổi theo, giúp họ thích ứng với bối cảnh hiện tại, chứ không phải do sự can thiệp, chi phối từ bên ngoài vào. Có như vậy, việc thực hành văn hóa mới có ý nghĩa và luôn giữ được vai trò, ý nghĩa của nó trong đời sống của cộng đồng. Điều này đã được chứng thực tại nhiều buôn làng của người Êđê, M’nông, Jarai, Sê đăng và nhiều dân tộc khác trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung khi Viện nghiên cứu Xã hội - Kinh tế và Môi trường (iSee) có cuộc khảo sát, điều tra độc lập nhằm làm rõ vấn đề bảo tồn và phát huy vốn văn hóa của các tộc người tại chỗ, gắn với thực hành sinh kế cách đây vài năm tại huyện Ea Kar và thị xã Buôn Hồ.

 

“Có biểu đạt văn hóa mới tạo nên bản sắc riêng cũng như sức sống của một nền văn hóa; từ đó tạo nên bối cảnh cho sự hợp tác để cùng nhau suy nghĩ và hành động. Biểu đạt văn hóa bao giờ cũng có tính giáo dục, kích thích niềm say mê và sáng tạo, đồng thời tăng khả năng lưu giữ và tái hiện lịch sử của một cộng đồng, dân tộc nhất định”.

 

(Phó GS.TS Tuyết Nhung Buôn Krông - Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Tây Nguyên)

 

Tại đây, người trong cuộc được nói lên nguyện vọng, mơ ước của mình thông qua những cuộc tiếp xúc, trao đổi với chuyên gia nghiên cứu và những người có mối quan tâm đến việc bảo tồn, phát huy vốn văn hóa truyền thống của họ. Nhà dài, bến nước, âm nhạc cồng chiêng gắn với lễ hội dân gian, nghi thức, nghi lễ về vòng đời và chu kỳ nông nghiệp…là những yếu tố không thể thiếu đối với không gian sống, đồng thời là không gian văn hóa - lịch sử của cộng đồng người Êđê ở đây. Phó GS.TS Tuyết Nhung Buôn Krông và TS. Lương Thanh Sơn (nguyên Giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk) là những người được iSee mời tham gia vào việc điều tra, khảo sát trên cho biết: Thậm chí đến cả luật tục của cộng đồng đặt ra xưa nay - điều gì cần giữ lại và phát huy, cái gì phải loại bỏ cũng được chính họ sàng lọc và lựa chọn, chứ không phải do “thế lực” nào từ bên ngoài tác động và dẫn dắt.

Nói như anh Y Săn Mlô - Phó buôn Ea Sa (xã Ea Sar - huyện Ea Kar): Những việc ấy không ai làm thay chúng tôi được, mọi người cũng nên tôn trọng quyền lựa chọn đó của cộng đồng. Có những lễ, tục như “chia của cho người chết”, “nối dây”, “bỏ mả”, “tạ ơn”… mà đến nay người bên ngoài cho là hủ tục và lạc hậu, nhưng với mọi thành viên trong buôn này lại không nghĩ thế, cần phải bảo tồn nó bởi đó là sợi dây gắn kết cộng đồng lại với nhau - và hơn thế, đây cũng là cách thể hiện quyền được biểu đạt văn hóa của mỗi cộng đồng, dân tộc trước đời sống xã hội được luật pháp cho phép. Từ những suy tư này, chính quyền địa phương và cơ quan làm văn hóa lấy đó làm cơ sở để hoạch định chủ trương, chính sách phù hợp cho việc bảo tồn, phát huy vốn văn hóa truyền thống của các cộng đồng dân tộc thiểu số hiện nay.

(Còn nữa)

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.