Multimedia Đọc Báo in

Y Nhi Ksor - người họa sĩ của đại ngàn

13:43, 24/04/2021

Sinh ra ở buôn Sek (xã Dliê Yang, huyện Ea H’leo), tuổi thơ được đắm mình trong đời sống văn hóa cộng đồng đã nuôi dưỡng tâm hồn của họa sĩ tài hoa người Êđê Y Nhi Ksor, tạo nguồn cảm hứng để ông sáng tác nên những tác phẩm mang đậm hơi thở đại ngàn, được công chúng đón nhận nhiệt tình.

Chúng tôi có dịp gặp họa sĩ Y Nhi Ksor (sinh năm 1960) vào một buổi sáng tháng tư. Bên ly cà phê đen nhỏ giọt, ông chậm rãi kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về cuộc đời mình. Sinh ra trong thời chiến tranh loạn lạc, mãi đến sau ngày đất nước được giải phóng (năm 1975) ông mới có cơ hội sống cuộc sống yên bình ở buôn làng. Ông cảm nhận được buôn làng mình thật đẹp, với vùng đất đỏ bazan có rừng cây xanh ngắt bao quanh, bến nước mát, những nếp nhà dài nghi ngút khói, dòng sông hiền hòa uốn lượn như dòng sữa ngọt nuôi dưỡng người dân nơi đây. Ký ức của ông gắn chặt với những hoạt động dung dị đời thường: là hình ảnh người cha đan gùi, rèn dao rựa dưới gầm nhà dài, mọi người quây quần bên bếp lửa nghe kể sử thi, điệu xoang bên ánh lửa bập bùng… Những hình ảnh ấy sau này trở thành nguồn cảm hứng và là chất liệu tuyệt vời để ông làm nên nhiều tác phẩm nghệ thuật.

Họa sĩ Y Nhi Ksor (thứ hai từ trái sang) kể lại câu chuyện cuộc đời mình.
Họa sĩ Y Nhi Ksor (thứ hai từ trái sang) kể lại câu chuyện cuộc đời mình.

Ngày còn nhỏ, với trí tưởng tượng phong phú, Y Nhi Ksor đã ngẫu hứng vẽ trên những mảng đất đỏ mịn màng dưới chân đồi nhiều hình ảnh thân thuộc như chim chóc, núi rừng, cây cỏ và cả những khuôn mặt thân quen, gần gũi. Tốt nghiệp cấp 3, để thỏa khát vọng đam mê nghệ thuật, tri ân vùng đất đã nuôi dưỡng tâm hồn, ông quyết định thi vào ngành hội họa Trường Đại học Nghệ thuật - Đại học Huế. Nhấp ngụm cà phê đắng, ông tiếp tục câu chuyện trong sự day dứt. “Lớn lên, cứ mỗi lần trở về nhà, tôi lại cảm thấy buồn miên man khi buôn làng mình ngày một khác đi: mái nhà dài thưa thớt, cồng chiêng dần vắng bóng, màu xanh của cây rừng cứ thế ít đi, dòng suối dần khô cạn… Ngày làm bài tốt nghiệp đại học, tôi phải đạp xe rong ruổi khắp các huyện trong tỉnh để tìm tư liệu, rồi dừng chân ở buôn Đung (xã Ea Khal, huyện Ea H’leo), nơi đang diễn ra lễ hội, ngủ lại một đêm để vẽ nên bức “Hội xoang Aráp”. Bức tranh đã đạt điểm cao nhất trong số các bài tốt nghiệp ngày ấy. Từ đó, tôi nảy ra ý tưởng vẽ thật nhiều về dân tộc mình, để giữ lại cái hồn văn hóa dân tộc” – ông nói.

“Tôi luôn đề ra nguyên tắc làm việc phải có trách nhiệm, không cẩu thả vì bất cứ lý do gì. Bởi thế, để mỗi tác phẩm ra đời, bản thân đều dồn hết tâm trí, công sức vào đó. Hiện tại, tôi đang phục hồi lại bức “Hội xoang Aráp” (bị mất tích) và vẽ bức “Công binh Trường Sa”.  Trong tương lai, tôi và họa sĩ Trương Văn Linh (giảng viên Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Đắk Lắk, thế hệ học trò đầu tiên của ông) đang ấp ủ ý tưởng tổ chức một cuộc triễn lãm tranh về Tây Nguyên trên hai chất liệu sơn dầu và sơn mài”.
Họa sĩ Y Nhi Ksor

Năm 1988, sau khi ra trường, họa sĩ Y Nhi Ksor về công tác tại Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Đắk Lắk. Với sức trẻ, niềm đam mê và sự nhiệt huyết, ban ngày ông hăng say giảng dạy, ban đêm ông đóng cửa để vẽ. Ông vẽ bằng tình yêu văn hóa dân tộc, sự hồn hậu của một tâm hồn từng trải. Lấy cảm hứng từ sinh hoạt hằng ngày, hoạt động văn hóa cộng đồng, ông chọn chất liệu sơn dầu với các gam màu tươi sáng, đường nét khỏe khoắn, khoáng đạt để thể hiện và lần lượt cho ra đời các tác phẩm mang đậm hơi thở của đại ngàn Tây Nguyên. Từ khung cảnh người dân lên rẫy gieo hạt qua tác phẩm “Mùa gieo hạt”; đến niềm vui của họ khi vụ mùa bội thu ở tác phẩm “Được mùa”; là niềm khát khao đón chờ lễ hội, sự phấn khởi, vui mừng của dân làng qua các tác phẩm: “Hội làng”, “Đi dự hội”, “Múa hội”; hay tình yêu của những chàng trai, cô gái Êđê, nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc bản địa ở tác phẩm “Lễ trao vòng”…

Tranh của ông được giới hội họa đương đại chú ý và đánh giá cao, nhiều bức đoạt giải tại các cuộc thi, triễn lãm. Trong đó, bức “Đi dự hội” được Y Nhi Ksor dày công thức đêm một tháng trời để hoàn thành đã đoạt giải A tại Triển lãm mỹ thuật khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên (năm 2000). Bức tranh được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mua lại và Nhà xuất bản Giáo dục tuyển chọn in vào sách thực hành Mỹ thuật cho học sinh lớp 9 hiện nay. Ngoài những giải thưởng đạt được, họa sĩ Y Nhi Ksor còn được nhiều nhà sưu tầm trong và ngoài nước tìm đến mua tranh. Theo lời ông thì hiện ở Đắk Lắk chỉ còn duy nhất bức “Sự nổi giận của nữ thần mặt trời”. Đó là bức tranh chứa bao suy tư, trăn trở được ông dồn nén, ấp ủ từ rất lâu. Với sự phá cách ở đường nét, màu sắc và hình ảnh giàu biểu tượng, bức tranh mang tính cảnh báo, nhắc nhở con người phải biết nhớ đến cội nguồn, gìn giữ  truyền thống văn hóa, bảo vệ thiên nhiên, môi trường sống

Không chỉ thành công với mảng đề tài về Tây Nguyên, họa sĩ Y Nhi Ksor còn có cơ hội khẳng định bản thân với bạn bè quốc tế khi ông vinh dự là một trong tám họa sĩ được Hội Mỹ thuật Việt Nam mời tham gia sáng tác tranh để triển lãm tại Phần Lan nhân kỷ niệm 40 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam - Phần Lan. Trong số ba tác phẩm ông gửi đi thì bức tranh khiến họa sĩ Y Nhi Ksor tâm đắc nhất là “Giành lại Sam pô”. Ông phải dành ba tháng trời đọc, nghiền ngẫm sử thi Kalevala của Phần Lan để phác họa ý tưởng sáng tác. Tác phẩm đã được công chúng nước bạn đón nhận và đánh giá cao tại cuộc triển lãm.

Sau nhiều năm miệt mài với công tác giảng dạy mỹ thuật, hiện tại ông đã nghỉ hưu và đang bắt tay vào tiếp tục thực hiện những dự định, kế hoạch tương lai từng ấp ủ. Tuy vậy, nhiều học trò yêu vẽ khắp các tỉnh thành trên cả nước mến mộ tài năng của ông vẫn tìm đến nhà để xin học. Đối với ông, niềm hạnh phúc bình dị là có không ít thế hệ học trò đã đỗ đạt, thành danh khắp trong và ngoài nước.

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.