Multimedia Đọc Báo in

Chủ động dự trữ hàng Tết 2022

07:14, 18/11/2021

Thời điểm này, các doanh nghiệp (DN) kinh doanh hàng hóa trên địa bàn tỉnh đã có kế hoạch chủ động hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Dịp Tết năm nay, do dịch bệnh COVID-19 diễn ra phức tạp nên sức mua trên thị trường khó đoán hơn mọi năm.

Nhiều DN lớn, cơ sở kinh doanh cho biết, dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường nên căn cứ vào tình hình thực tế ở địa phương, các DN xây dựng phương án dự trữ hàng hóa phù hợp.

Ông Trịnh Xuân Tài, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê 721 (huyện Ea Kar) cho biết, đơn vị đang chủ động các phương án dự trữ hàng hóa cho dịp Tết sắp đến. Theo kế hoạch, công ty dự kiến sẽ dự trữ 200 tấn gạo các loại phục vụ thị trường trong tỉnh dịp Tết năm nay. Công ty cũng mong muốn tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi để chủ động nguồn hàng, triển khai các kênh phân phối gạo ở các địa phương trong tỉnh.

Siêu thị E.B Buôn Ma Thuột bảo đảm lượng hàng hóa dồi dào, phong phú để cung ứng ra thị trường.

Để chuẩn bị cho dịp Tết 2022, Siêu thị MM Mega Buôn Ma Thuột lên kế hoạch dự trữ hàng hóa tăng từ 70 - 100% so với những tháng bình thường và tăng 20 - 30% so với dịp Tết 2021. Năm nay, thu nhập người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên trong kế hoạch chủ động hàng hóa tết, siêu thị ưu tiên tập trung bảo đảm nguồn cung cho những mặt hàng thiết yếu như rau củ quả, thịt, cá, hàng thực phẩm, bánh kẹo, đồ uống… và một số hàng phi thực phẩm, đồ dùng gia dụng như xoong nồi, ly chén, đồ dùng lưu trữ thực phẩm… Siêu thị cũng cam kết bán ra với mức giá tốt nhất cho người tiêu dùng, nhất là nhóm hàng nhu yếu phẩm và hàng đặc trưng ngày tết.

Với Siêu thị E.B Buôn Ma Thuột (góc đường Nguyễn Thị Định và đường Vành đai phía Tây, phường Thành Nhất), nguồn hàng được lên kế hoạch dự trữ chu đáo, với số lượng lớn, sẵn sàng phục vụ nhu cầu sắm tết của người dân. Theo đó, siêu thị dành hơn 19 tỷ đồng để dự trữ hàng tết bằng nguồn kinh phí tự chủ của đơn vị. Trong đó, dành trọng tâm dự trữ đối với nhóm các mặt hàng thiết yếu như dầu ăn (100.000 lít), rau củ (200 tấn), thịt heo (15 tấn), thủy hải sản (25 tấn)...

Trong bối cảnh dịch bệnh đang còn diễn biến khó lường, nhiều DN xác định nhu cầu hàng hóa phục vụ dịp Tết năm nay gắn với công tác phòng, chống dịch. Vì vậy, song song với nhóm thực phẩm thiết yếu thì mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch cũng được các siêu thị tăng cường dự trữ như: nước sát khuẩn, khẩu trang y tế, khẩu trang kháng khuẩn...

Ông Trần Trọng Lưu, Trưởng Phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) cho biết, để bảo đảm công tác phòng, chống dịch, Sở đề nghị các DN phân phối, bán lẻ bố trí thêm nhân lực, phân luồng khách đến mua hàng, chú trọng giữ khoảng cách trong mua sắm. Đặc biệt, mở rộng các phương thức kinh doanh và hình thức thanh toán, giao hàng tận nhà để tạo thuận tiện cho khách hàng, hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh COVID-19 trong mùa cao điểm mua sắm sắp tới.

Nhận định hoạt động mua sắm cuối năm sẽ thu hút đông khách, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch nên các siêu thị, trung tâm thương mại có kế hoạch chuẩn bị chu đáo về nhân lực, phương thức kinh doanh với phương châm ưu tiên đặt an toàn, sức khỏe của nhân viên và khách hàng lên trên hết. Hầu hết nhân viên tại các siêu thị đều đã được tiêm từ 1 - 2 mũi vắc xin phòng COVID-19. Các đơn vị kinh doanh cho biết, sẽ chú trọng thực hiện đo thân nhiệt, mang khẩu trang trong suốt quá trình mua, bán hàng hóa; tổ chức xịt khử khuẩn thường xuyên các vật dụng, bề mặt hay tiếp xúc với khách hàng; lắp đặt kính chống giọt bắn tại quầy thu ngân... nhằm bảo vệ và giúp khách hàng yên tâm khi mua sắm.

Trong xưởng xay xát, đóng gói gạo của Công ty TNHH MTV Cà phê 721.

Theo đại diện Siêu thị MM Mega Buôn Ma Thuột, sau đợi dịch vừa qua, phương thức mua hàng của người dân trên địa bàn cũng có nhiều thay đổi từ trực tiếp sang gián tiếp. Siêu thị đang nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách hàng linh hoạt trong cả hai phương thức trực tuyến và trực tiếp. MM Mega Buôn Ma Thuột triển khai bán hàng trên 3 kênh mua sắm trực tuyến là website, trang Zalo và gọi đến số điện thoại hotline của siêu thị. Vào các tuần cao điểm cận tết, siêu thị cũng có kế hoạch bổ sung thêm lao động thời vụ cho các ngành hàng, thu ngân, đóng gói giỏ quà tết, nhân viên giao nhận hàng... để bảo đảm phục vụ nhu cầu mua sắm tăng cao của người dân.

Sở Công thương cũng đã chủ động làm việc với các DN, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn để nắm tình hình, kế hoạch, phương án dự trữ hàng hóa, bảo đảm nguồn cung, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng trong dịp Tết Nguyên đán sắp đến. Sở cũng kêu gọi các DN tham gia bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh trong thời gian từ tháng 12-2021 đến 3-2022 để hỗ trợ người dân mua sắm tết. Trong đó, khuyến khích các DN, hộ sản xuất, kinh doanh tham gia bình ổn bằng nguồn vốn tự chủ của đơn vị, nguồn vốn vay ưu đãi sản xuất kinh doanh từ các ngân hàng thương mại...

 

Trâm Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.