Multimedia Đọc Báo in

Cựu chiến binh huyện Lắk giúp nhau phát triển kinh tế

11:41, 15/12/2021

Trong những năm qua, phong trào thi đua “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” đã trở thành động lực khơi dậy tinh thần vượt khó vươn lên của cán bộ, hội viên Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Lắk trong phát triển kinh tế.

Hội CCB huyện Lắk có 12 hội cơ sở, với tổng số 1.852 hội viên. Xác định giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững là nội dung trọng tâm, các cấp hội đã tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên thực hiện tốt phong trào thi đua “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”; cán bộ, hội viên luôn nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, giúp nhau phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.

Chỉ tính từ năm 2016 đến nay, bằng nhiều nguồn vốn và các chương trình khác nhau, các cấp hội đã xóa được 132 nhà dột nát, nhà tạm cho gia đình CCB với trị giá khoảng 12,8 tỷ đồng; đã giải quyết việc làm cho 270 CCB và con em CCB, gia đình chính sách; ủy thác vay vốn ưu đãi với số dư nợ đạt hơn 63 tỷ đồng; vận động xây dựng Quỹ nội bộ hội CCB được 1,4 tỷ đồng nhằm tiếp sức cho những đồng đội có hoàn cảnh khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống…

Cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Côn làm chủ mô hình sản xuất và dịch vụ nông ngư nghiệp.

Với sự đồng hành của tổ chức hội, đã xuất hiện nhiều tấm gương CCB xây dựng các mô hình kinh tế tổng hợp, kinh doanh dịch vụ, các trang trại, gia trại... hoạt động hiệu quả, cho thu nhập cao. Điển hình như gia đình CCB Trần Sáu (ở buôn Krai, xã Bông Krang). Sau khi xuất ngũ, năm 1998, ông Sáu từ huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên - Huế) vào lập nghiệp tại buôn Krai.

Với 7 sào đất khai hoang, ban đầu vợ chồng ông trồng các loại cây ngắn ngày để ổn định cuộc sống. Khi đã tích lũy được một ít vốn, ông vay mượn thêm rồi xây dựng chuồng trại để nuôi heo giống; chuyển hướng trồng các loại cây công nghiệp như cà phê, hồ tiêu kết hợp trồng cau, trồng cỏ để nuôi bò lai…

Hiện tại, mô hình gia trại của gia đình ông gồm cà phê, hồ tiêu, 300 cây cau đã cho thu hoạch và đàn bò, heo… mỗi năm cho thu nhập hơn 150 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Trần Sáu còn tích cực tham gia hoạt động tại địa phương khi được tín nhiệm bầu làm Trưởng buôn kiêm Chi hội trưởng Chi hội CCB buôn Krai.

 

Giai đoạn 2016 - 2021: số hộ CCB nghèo trên địa bàn huyện Lắk giảm từ 294 hộ (chiếm 16,3%) xuống còn 185 hộ (9,9%); tỷ lệ hộ CCB khá và giàu tăng từ 33,4% lên 50%.

CCB Y Krông Buôn Krông (buôn Pai Pi, xã Đắk Nuê) bắt tay vào làm kinh tế sau khi nghỉ hưu năm 2010 nên ban đầu gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, chưa có kinh nghiệm. Ông kiên trì, chịu khó học hỏi kỹ thuật từ sách, báo, tham gia các lớp tập huấn; vay thêm vốn và áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng cà phê, lúa nước, chăn nuôi trâu sinh sản. Đến nay, ông đã xây dựng thành công mô hình phát triển kinh tế gia đình với 7 sào lúa nước, 3 ha đất đồi trồng cà phê cùng đàn trâu, mỗi năm cho thu nhập trên 200 triệu đồng. Nhờ cần cù, chịu khó, gia đình ông không chỉ thoát nghèo mà còn xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm nhiều máy móc hiện đại phục vụ sản xuất.

Khen thưởng các cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua giúp nhau làm kinh tế.

Hội CCB huyện Lắk có nhiều hội viên không chỉ sản xuất, kinh doanh giỏi mà còn tích cực hỗ trợ hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Tiêu biểu như gia đình CCB Nguyễn Văn Huynh (buôn Tung 1, xã Buôn Triết) với mô hình trồng lúa nước, nuôi vịt đẻ mỗi năm cho thu nhập khoảng 1 tỷ đồng và tạo việc làm cho 6 lao động tại địa phương; Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông ngư nghiệp Thái Hải do CCB Nguyễn Ngọc Côn ở xã Buôn Triết làm chủ đã và đang tạo việc làm cho hàng trăm lao động, thường xuyên ủng hộ kinh phí để xây dựng các công trình dân sinh tại địa phương. Hay như mô hình kinh doanh xăng dầu của CCB Mai Văn Minh (thôn Ngã Ba, xã Đắk Liêng) mỗi năm cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 4 lao động…

Chủ tịch Hội CCB huyện Lắk Trần Văn Chiu cho hay, trong thời gian tới các cấp hội trên địa bàn huyện sẽ tiếp tục triển khai nhiều mô hình, cách làm hiệu quả, phù hợp với điều kiện của từng địa phương nhằm đưa phong trào ngày càng đạt hiệu quả, với mục tiêu đến hết năm 2026, số hộ CCB khá, giàu đạt trên 55%, số hộ CCB nghèo còn 6,4%; hầu hết CCB trong độ tuổi lao động, còn sức khỏe đều được tư vấn, hướng dẫn, dạy nghề và có việc làm…

Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nỗ lực ngăn chặn “tín dụng đen” xâm nhập học đường
Mặc dù các lực lượng chức năng của tỉnh Đắk Lắk liên tục có các biện pháp trấn áp, truy quét, nhưng các ổ nhóm "tín dụng đen" vẫn có dấu hiệu hoạt động trái pháp luật. Hiện nay, học sinh là nạn nhân mà các đối tượng này hướng đến.