Multimedia Đọc Báo in

Krông Pắc trên hành trình đạt chuẩn huyện nông thôn mới

08:12, 15/12/2021

Sau hơn 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn ở huyện Krông Pắc đang thay đổi từng ngày. Tuy nhiên, trên hành trình vươn tới mục tiêu đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2025,  Krông Pắc vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Nhiều nội dung chưa đạt

Trong 9 tiêu chí huyện nông thôn mới, đến nay Krông Pắc mới đạt và cơ bản đạt 5 tiêu chí. Cụ thể, huyện đã đạt 4 tiêu chí gồm: thủy lợi, điện, an ninh trật tự xã hội, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới. Riêng tiêu chí số 5 về y tế - văn hóa - giáo dục mới đạt 2/3 tiêu chí là Trung tâm Y tế huyện đạt chuẩn, 66,7% trường THPT đạt chuẩn; nội dung về văn hóa chưa đạt. Còn 4 tiêu chí quan trọng mang tính quyết định của nông thôn mới vẫn chưa đạt là: quy hoạch, giao thông, sản xuất, môi trường.

Hiện tại Krông Pắc vẫn chưa có quy hoạch vùng huyện; mới có 82,63% đường huyện đạt chuẩn (yêu cầu của tiêu chí huyện nông thôn mới là 100%); Trung tâm Văn hóa thể thao huyện chưa đạt chuẩn; chưa hình thành được vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung; chưa có mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của huyện; huyện chưa có hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn; mới có 72,29% cơ sở sản xuất, chế biến, dịch vụ thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường (yêu cầu là 100%).

Đồng bào dân tộc thiểu số xã Ea Knuếc học nghề dệt thổ cẩm.

Theo phân tích của cơ quan chức năng, huyện Krông Pắc có nhiều khó khăn, hạn chế trong hành trình xây dựng nông thôn mới cấp huyện tại địa phương. Đơn cử như 3/15 xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới là Ea Hiu, Vụ Bổn, Ea Yiêng đều là xã khó khăn của huyện, xuất phát điểm thấp nên tiêu chí thu nhập chưa đạt. Xã Ea Yiêng cũng mới đạt được 10 tiêu chí, còn 9 tiêu chí quan trọng vẫn chưa đạt là: giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, nhà ở dân cư, thu nhập, hộ nghèo, văn hóa, môi trường và an toàn thực phẩm.

Cần sự chủ động, tích cực từ cơ sở

 

Khoảng 730 tỷ đồng là tổng nguồn vốn dự kiến đầu tư để huyện Krông Pắc đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2025.

Để huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Krông Pắc đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/HU, ngày 9/4/2021 về tiếp tục phấn đấu xây dựng huyện Krông Pắc đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Để đưa nghị quyết vào cuộc sống, UBND huyện Krông Pắc đã có kế hoạch cụ thể thực hiện theo lộ trình.

Theo đó, huyện tiếp tục thực hiện cứng hóa 32 km đường trục xã, 22 km đường trục thôn, buôn, 32 km đường ngõ xóm, 42 km đường trục chính nội đồng; phấn đấu 15/15 xã đạt tiêu chí giao thông, thủy lợi, nhà ở dân cư vào năm 2024; xây dựng 1 đập tràn, 1 trạm bơm, trên 13 km  kênh mương nội đồng, 3 khu vui chơi giải trí cho trẻ em và người cao tuổi; lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ xây dựng nhà ở, xóa 373 nhà tạm…

Xây dựng nông thôn mới là một tiến trình dài với mục đích tốt đẹp là nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn. Huyện Krông Pắc đã từng đề ra mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020 nhưng chưa thực hiện được.

Ngoài lý do khách quan là bộ tiêu chí huyện đạt chuẩn nông thôn mới thay đổi với những yêu cầu cao hơn; tác động của thiên tai, dịch bệnh… thì còn do những nguyên nhân chủ quan như một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến xây dựng nông thôn mới; còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của cấp trên, chưa chủ động tạo nguồn lực để thực hiện chương trình.

Đặc biệt là sự tham gia của người dân chưa đồng đều giữa các xã, nhiều hộ dân tại các xã khó khăn chưa có ý thức vươn lên trong cuộc sống. Thực tế hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, một số xã đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện chương trình như xã Hòa Đông, Ea Kly, Tân Tiến…

Người dân xã Hòa Đông tham gia xây dựng tuyến đường kiểu mẫu của địa phương.

Ông Nguyễn Đình Vượng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hòa Đông chia sẻ, xây dựng nông thôn mới là một lộ trình dài, ở đó người dân là chủ thể được hưởng lợi đầu tiên khi cơ sở hạ tầng, đời sống nông thôn thay đổi theo chiều hướng tích cực. Song song với tuyên truyền, xã chú trọng việc nêu gương của người đứng đầu trong hành trình xây dựng nông thôn mới.

Theo đó, lãnh đạo địa phương là người thực hiện các nội dung cụ thể của chương trình như trực tiếp hiến đất, góp tiền để làm đường; tăng gia sản xuất trên vườn cây của gia đình; xây dựng khu vườn mẫu…

Từ đó, người dân địa phương có thực tế để tham quan, tìm hiểu và lựa chọn hướng đi phù hợp, tự nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho gia đình. Khi cuộc sống của người dân khấm khá lên, bà con tích cực hơn trong các hoạt động tập thể, cộng đồng, giúp xã đạt và giữ được các tiêu chí trong chương trình nông thôn mới.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc