Multimedia Đọc Báo in

Quả ngọt trên đất cằn

08:35, 06/01/2022

Nhờ mạnh dạn chuyển đổi diện tích cây trồng không hiệu quả sang trồng nhãn, nhiều nông dân ở thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana đã thu được lợi nhuận cao.

Gia đình ông Nguyễn Xuân Hậu có 2,5 ha vườn đồi, chủ yếu là đất đá và sỏi nên khâu làm đất khó khăn, trồng cây hoa màu và cà phê cho năng suất thấp. Là Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Buôn Trấp, ông Hậu có nhiều cơ hội tiếp cận và tham gia học hỏi các mô hình có hiệu quả kinh tế cao.

Sau lần tham quan mô hình nhãn hương chi của Hợp tác xã Trường Xuân (huyện Ea Kar), nhận thấy đây là cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu ở các vùng đất đồi, đá sỏi, ông Hậu đã học hỏi kỹ thuật chăm sóc và mạnh dạn tiên phong áp dụng ngay tại mảnh đất của gia đình.

Hiện nay mô hình của gia đình ông Hậu có trên 1.000 cây nhãn hương chi, trong đó có 80 cây 3 năm tuổi, 350 cây 2 năm tuổi đã cho thu hoạch với khoảng 1 tạ quả/cây, thu về tổng lợi nhuận trên 400 triệu đồng.

Mô hình nhãn hương chi của gia đình ông Nguyễn Xuân Hậu.

Ông Hậu cho biết: “Ngoài việc chọn giống có nguồn gốc đảm bảo, người trồng cần chú ý đến kỹ thuật chăm sóc, đặc biệt sau khi nhãn trồng được một tháng là giai đoạn cây bắt đầu phát đọt. Lúc này, cần thường xuyên quan sát để diệt côn trùng ăn lá làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây. Sau 2 năm, nhãn sẽ ra hoa. Từ lúc ra hoa đến khi thu hoạch là hơn 7 tháng. Bằng kỹ thuật chăm sóc, người trồng có thể điều chỉnh nhãn ra trái vụ để bán được giá hơn”.

Không chỉ tập trung phát triển kinh tế gia đình, với vai trò là Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn, ông Hậu đã phổ biến mô hình trồng nhãn hương chi đến hội viên nông dân, tổ chức cho bà con tham quan thực tế mô hình tại chính gia đình mình và tại Hợp tác xã Trường Xuân, đồng thời phối hợp tổ chức các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật. Hiện nay, trên địa bàn thị trấn có 40 nông hộ đã chuyển đổi diện tích đất trồng hoa màu năng suất thấp sang trồng nhãn hương chi với tổng số trên 51.000 cây, trong đó hơn một nửa đã cho thu hoạch, giúp hội viên nông dân phát triển kinh tế, tăng thu nhập.

Là nông hộ thu được hiệu quả từ mô hình này, bà Bùi Thị Tiềm (thôn Quỳnh Tân 3) hiện đang có hơn 300 gốc nhãn đã cho thu hoạch. “Nhãn là cây trồng mới tại địa phương, tuy nhiên qua thực tế sản xuất tôi nhận thấy loại cây này khá phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây. Nhãn cho quả to, vỏ mỏng, hạt nhỏ, cùi dày, vị ngọt thanh. Vụ thu hoạch có thương lái đến tận vườn đặt cọc nên gia đình khá yên tâm về đầu ra. Với giá bán tại vườn 30 - 35 nghìn đồng/kg, ước sau khi trừ chi phí, gia đình lãi gần 200 triệu đồng, thu nhập cao hơn rất nhiều so với trồng hoa màu như trước kia”, bà Tiềm cho hay.

Ông Nguyễn Xuân Hậu chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi cây trồng.

Sau hơn 3 năm thực hiện có thể thấy việc triển khai các mô hình trồng nhãn trên vùng đất xấu là hướng chuyển đổi cây trồng bước đầu khá phù hợp. Hội Nông dân thị trấn Buôn Trấp đang hướng dẫn nông hộ áp dụng cách chăm sóc cho thu quả rải vụ để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, để sản xuất mang tính bền vững, hạn chế được rủi ro trước khi lựa chọn cây trồng, trước mắt Hội đang cân nhắc kỹ lưỡng, đồng thời đẩy mạnh liên doanh, liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Về lâu dài, Hội đang tham mưu thành lập tổ hợp tác trồng nhãn, hướng đến hình thành các mô hình trồng cây ăn quả tập trung, đồng thời đặt mục tiêu xây dựng thương hiệu nhãn trở thành sản phẩm đặc sản của địa phương.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.