Multimedia Đọc Báo in

Hàng Tết đã lên kệ

08:33, 06/01/2022

Thời điểm hiện tại, hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đã được bày bán nhiều trên các kệ hàng với bao bì, nhãn mác bắt mắt. Sức mua trên thị trường đang nhích lên từng ngày.

Hàng hóa dồi dào, mẫu mã phong phú

Trong những ngày này, thị trường hàng hóa phục vụ Tết bắt đầu nhộn nhịp. Tại Chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột, bánh, kẹo, mứt đã được bày bán đa dạng trên các quầy, sạp của tiểu thương. Chị Nguyễn Thị Thúy, chủ sạp bánh kẹo tại chợ cho hay, hai tuần trở lại đây, lượng hàng chị nhập về tăng mạnh, bày bán nhằm đón sức mua dịp Tết. So với thời điểm trước thì hiện nay, chợ đã có thêm nhiều khách đến tham khảo giá cả, chọn mua hàng hóa. Hàng trong nước sản xuất với giá cả bình dân được chị ưu tiên nhập về bán nhiều hơn, bao bì có khá nhiều mẫu mã hấp dẫn.

Người tiêu dùng TP. Buôn Ma Thuột chọn mua hàng hóa Tết 2022.

Tại các siêu thị trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, không khí mua sắm Tết cũng đang ngày càng sôi động. Có mặt sớm trên các kệ hàng là những giỏ quà Tết được thiết kế bắt mắt. Khu vực bày bán bánh, kẹo, mứt, bia, nước giải khát được trang trí rực rỡ thu hút nhiều khách hàng đến tìm hiểu, mua sắm...

Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột đã vào mùa kinh doanh cao điểm Tết. Hàng thực phẩm, các loại đặc sản Tết được bày bán rất phong phú, đa dạng về chủng loại, mẫu mã, kèm theo nhiều khuyến mại để kịp thời đáp ứng nhu cầu của khách. Theo đại diện siêu thị, đơn vị đang tổ chức giảm giá, khuyến mãi 8 tuần liên tục trước Tết Nguyên đán, với mức giảm lên đến 50% để kích cầu tiêu dùng trong bối cảnh đại dịch. Cơ cấu hàng hóa dịp Tết này cũng được siêu thị chọn lọc, phân khúc cho phù hợp theo hướng thiết thực, tiết kiệm nhất cho người tiêu dùng.

Còn tại Siêu thị Go Buôn Ma Thuột, ông Bùi Văn Quân, Giám đốc siêu thị nhận định, sức mua dịp Tết năm nay chỉ tăng nhẹ từ 5 - 10%. Do đó, lượng hàng được siêu thị chuẩn bị tăng 14% so với mọi năm. Nguồn hàng được bổ sung liên tục trên kệ, tập trung ở nhóm hàng tươi sống, bánh kẹo, thực phẩm và đồ dùng thiết yếu.

Do tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, cùng với việc chủ động nguồn hàng bán tại chỗ, các siêu thị cũng đẩy mạnh kênh bán hàng online, giao hàng tận nhà phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Ông Nguyễn Ngọc Hiệp, quản lý tại MM Mega Market Buôn Ma Thuột chia sẻ, sức mua đang tốt lên, tăng khoảng 20% so với ngày thường và khả năng sẽ tăng mạnh vào những ngày tới. Xu hướng hiện nay là khách hàng hạn chế ra đường hơn, do đó siêu thị tổ chức nhiều kênh bán hàng, đặc biệt phát triển mạnh kênh bán hàng online, giao hàng tận nơi cho khách hàng. Trong bối cảnh dịch bệnh, các đơn hàng online tăng trưởng khoảng 300% so với thời gian trước. 

Giá tăng nhẹ

Theo khảo sát, các mặt hàng thực phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu trong dịp Tết đang rục rịch tăng giá. Chị Nguyễn Thị Trúc Phương, quản lý cửa hàng Ngọc Khánh 2 (phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, dịp Tết này chị không dám nhập nhiều hàng về bán vì lo ngại sức mua yếu. Trong khi đó, giá hàng hóa năm nay có tăng hơn so với mọi năm, với mức tăng khác nhau.

Theo tìm hiểu, một số loại nhu yếu phẩm như: đường, bột ngọt, mì tôm... tăng gần 10% so với trước; các loại bánh, kẹo, mứt tăng 5%; riêng sản phẩm bia, nước giải khát hiện vẫn giữ nguyên giá cũ, chưa thấy biến động nhưng dự đoán cũng sẽ tăng vào những ngày cận Tết. Đại diện một số siêu thị khẳng định siêu thị vẫn cố gắng duy trì mức giá bằng năm trước, song nếu thị trường có biến động liên quan đến vận chuyển hoặc sản xuất của nhà cung ứng thì lúc đó sẽ có điều chỉnh.

Cán bộ Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk kiểm tra việc chấp hành các quy định trong kinh doanh tại Siêu thị MM Mega Market Buôn Ma Thuột.

Theo ông Lưu Văn Khôi, Giám đốc Sở Công thương, Sở khuyến khích các đơn vị kinh doanh chủ động lượng hàng hóa, bổ sung liên tục và có kế hoạch luân chuyển, phân phối hàng phù hợp với sức mua trên thị trường dịp Tết. Đồng thời, đa dạng hình thức bán hàng để thích ứng với công tác phòng, chống dịch COVID-19. Kinh doanh hàng hóa mùa cao điểm mua sắm Tết nên các chợ, siêu thị, hộ kinh doanh được quán triệt thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch, có phương án bảo đảm an toàn cho nhân viên và người dân đến mua sắm hàng hóa.

Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk cũng đang tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, kiểm soát chặt chẽ trên các tuyến đường, cửa ngõ ra vào thành phố, tại các hộ kinh doanh cố định để tránh những hành vi gian lận, đưa hàng hóa kém chất lượng trà trộn vào bán dịp cao điểm các tháng cuối năm và Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Cục cũng chú trọng kiểm tra việc kinh doanh ở lĩnh vực thương mại điện tử để bảo vệ người tiêu dùng mua sắm Tết.

Để bình ổn thị trường cuối năm, đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, hiện đã có 10 doanh nghiệp lớn ở Đắk Lắk cam kết dự trữ hàng hóa thiết yếu với tổng trị giá hơn 271 tỷ đồng. Các mặt hàng bình ổn chủ yếu gồm gạo, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, dầu ăn, bột ngọt và các loại thực phẩm chế biến, rau củ quả, nhiên liệu, bánh, kẹo, mứt. Thời gian thực hiện bình ổn kéo dài hơn hai tháng, từ ngày 15/12/2021 đến 28/2/2022.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.