Multimedia Đọc Báo in

Lao động hồi hương nỗ lực tìm việc làm tại quê nhà

08:28, 07/03/2022

Sau những tháng ngày tha hương lao động nơi đất khách quê người, làn sóng COVID-19 khiến nhiều lao động đã phải “chạy dịch” về quê. Không ít lao động hồi hương đã chọn ở lại quê nhà lập nghiệp, nỗ lực tìm việc làm mới để ổn định cuộc sống.

Từng có việc làm với mức lương ổn định tại một khách sạn 5 sao ở TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), đến khi ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến mức thu nhập bị ảnh hưởng, công việc bấp bênh, giữa năm 2020, anh Nguyễn Minh Mẫn (xã Yang Reh, huyện Krông Bông) quyết định trở về nhà, tìm hướng đi mới cho bản thân.

Trong thời gian ở nhà phụ ba mẹ làm ruộng, anh Mẫn nhận thấy nhu cầu mua phân chuồng của người dân khá cao, trong khi địa phương có số lượng gia súc nhiều nên đã rủ thêm anh rể đi thu gom phân chuồng. Hằng ngày, họ rong ruổi khắp các buôn làng tại huyện Krông Bông và Lắk, đi từng nhà dân thu gom phân chuồng bán. Anh Mẫn tâm sự: "Mấy năm trước mình quen làm việc trong phòng có máy lạnh, nay về làm việc tay chân lúc đầu khá mệt, nhưng đổi lại được ở cùng gia đình, trung bình mỗi tháng cũng kiếm được trên 5 triệu đồng. Ở nông thôn, đó là mức thu nhập khá ổn".

Anh Nguyễn Minh Mẫn quyết định ở lại quê nhà và sinh sống bằng nghề thu mua phân chuồng.

Trở về quê trong đợt dịch COVID-19 hồi tháng 10/2021, ban đầu chị Nguyễn Thị Mai (xã Ea Tar, huyện Cư M’gar) phải loay hoay với gánh nặng mưu sinh. Cuối năm 2021, địa phương bước vào vụ mùa thu hoạch cà phê, vợ chồng chị đi hái cà phê thuê để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Sau đó, được biết xưởng sơ chế trái cây gần nhà đang cần lao động với mức lương khởi điểm 4,5 triệu đồng/tháng, vợ chồng chị đã đăng ký làm, đến nay có mức thu nhập tạm ổn, hơn nữa lại ở gần nhà, đỡ tốn chi phí thuê nhà trọ. Còn anh Nguyễn Hoàng Quý (xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) sau khi trở về từ Bình Dương vào cuối năm ngoái đã đăng ký làm nhân viên cho một công ty giao hàng trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Sau một thời gian dài chờ đợi, anh cũng được nhận vào làm với mức lương 7 - 8 triệu đồng. Công việc tuy khá mệt nhọc nhưng đổi lại anh được ở gần vợ con, bố mẹ.

Nhiều lao động về "tránh dịch" vào cuối năm 2021 tìm việc làm mới bằng hái thuê cà phê.

Bên cạnh những lao động may mắn tìm được công việc ổn định, hiện nay, tỷ lệ lao động hồi hương chưa có việc làm vẫn còn khá lớn. Không phải ai cũng tìm được việc làm và thu nhập theo mong muốn. Nhiều lao động tìm được việc làm tại quê nhà nhưng không phù hợp năng lực, hơn nữa mức thu nhập ở các thành phố lớn khá hấp dẫn, bởi thế trong họ vẫn giằng co câu hỏi "đi hay ở".  Bài toán việc làm vẫn còn khá nan giải, hầu hết những lao động trẻ có chung nguyện vọng, nếu quê nhà có nhiều công ty, khu công nghiệp đảm bảo công ăn việc làm với mức lương ổn định thì họ sẽ ở lại gắn bó lâu dài.

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.