Multimedia Đọc Báo in

Liên kết phục hồi và phát triển du lịch

17:29, 06/03/2022

Trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, các doanh nghiệp (DN) làm du lịch trên địa bàn tỉnh đã chủ động liên kết với nhau và nỗ lực tiếp thị để tìm kiếm, thu hút du khách trở lại Đắk Lắk trong trạng thái bình thường mới.

Liên kết, xúc tiến sản phẩm du lịch đặc thù

Bà Lê Thị Chung - Giám đốc Trung tâm Thông tin, xúc tiến du lịch Đắk Lắk cho biết: Từ đầu tháng 10/2021 đến nay, có hai đợt tổ chức cho các đơn vị làm du lịch trên địa bàn tìm hiểu, trao đổi và hợp tác với nhiều đối tác ở khu vực phía Bắc cũng như miền Trung - Nam Bộ nhằm tìm giải pháp cụ thể, thiết thực để thúc đẩy mức tăng trưởng cho ngành kinh tế quan trọng này.

Gần đây, vào trung tuần tháng 2/2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông và Bình Định đã phối hợp với Công ty Du lịch VND Travel Quy Nhơn tổ chức khảo sát, kết nối và tọa đàm chuyên đề “Famtrip Caravan Tây Nguyên huyền thoại” tại TP. Buôn Ma Thuột nhằm khôi phục lại một số tour/tuyến như: “Con đường xanh Tây Nguyên”, “Đường Trường Sơn huyền thoại”, “Caravan tour xuyên Hành lang kinh tế Đông - Tây”… nhằm định hình sản phẩm du lịch đặc thù trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên, đồng thời gia tăng biên độ phát triển trong thời gian tới.

Các doanh nghiệp ký kết hợp tác, phát triển du lịch khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Khu du lịch văn hóa - sinh thái cộng đồng Kô Tam (TP. Buôn Ma Thuột) ghi nhận: Những dịp tiếp thị và xúc tiến như vậy, các DN tự xây dựng nội dung, chương trình cho mình dựa trên sản phẩm đặc thù, có lợi thế cạnh tranh cao. Chẳng hạn, các đơn vị làm du lịch ở các huyện Buôn Đôn, Lắk, Krông Ana thì ưu tiên giới thiệu về sản phẩm du lịch thân thiện với voi, thám hiểm rừng già và chinh phục các đỉnh núi, ngọn thác hùng vĩ và tuyệt đẹp.

Còn những đơn vị làm du lịch ở TP. Buôn Ma Thuột thì tích cực quảng bá, cam kết với đối tác một số sản phẩm mới mẻ, giàu bản sắc hơn với các tour trải nghiệm văn hóa cà phê, điền dã tại các buôn làng truyền thống của người dân tộc thiểu số để được sống và sinh hoạt trong không gian văn hóa - lịch sử của cư dân tại chỗ.

Ông Võ Văn Tâm - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk cũng cho rằng, công tác xúc tiến của các đơn vị đã trở nên chuyên nghiệp và bài bản hơn. Ngoài hình ảnh minh họa cho các tour/ tuyến được in nổi bật, sang trọng gửi đến khách hàng, còn có cả những đĩa CD, clip được đầu tư, dàn dựng công phu, có chiều sâu nhằm thu hút du khách.

Điều đó được thể hiện rõ và mang lại hiệu ứng tích cực trong đợt khảo sát, kết nối du lịch giữa 6 tỉnh, thành phố vào trung tuần tháng 2/2022 vừa qua. Tại đây, hầu hết các DN đều đưa ra chiến lược kinh doanh, thông tin sản phẩm rõ ràng nhằm xây dựng niềm tin với đối tác, kích cầu du khách ở các vùng miền trên cả nước đến với Đắk Lắk và ngược lại. 

Đối với Đắk Lắk, hầu hết các đơn vị làm du lịch ở đây cho rằng, qua những dịp như thế mới thấy sự hợp tác, chia sẻ với nhau trên các phương diện: lượng khách, cơ sở lưu trú, xây dựng sản phẩm cạnh tranh, lợi nhuận mang lại… là điều hết sức cần thiết và bổ ích. Ví như ở Đắk Lắk hiện nay có hơn 20 công ty lữ hành, chuyên đưa - đón, giới thiệu và phân phối lượng khách cho các khu, điểm du lịch trên địa bàn, nên sự kết nối với nhau trong những hoạt động trên là rất quan trọng, bởi qua đó giúp du khách chọn điểm đến một cách dễ dàng, thuận lợi hơn trong quỹ thời gian nhất định của mình.

Ông Nguyễn Trụ - Công ty Du lịch Thanh Hà lấy ví dụ: Muốn du lịch với voi, thưởng ngoạn danh thắng, ăn ngủ và sinh hoạt trong các gia đình người M’nông, Êđê, Lào trong thời gian 1 đêm 2 ngày thì đến khu du lịch Hồ Lắk, Buôn Đôn; muốn trải nghiệm với văn hóa cà phê, cồng chiêng, du lịch mạo hiểm, hay các dịch vụ giải trí, mua sắm khác thì tìm đến Đam San, Banmeco, Kô Tam (TP. Buôn Ma Thuột) hay Công ty TNHH Đầu tư Du lịch Đặng Lê (Krông Ana).

Tránh tình trạng đơn lẻ, chồng chéo

Có thể nói, từ nắm bắt đầy đủ thông tin (thời gian lưu trú, nhu cầu khám phá, trải nghiệm cũng như khả năng tài chính của du khách), các đơn vị làm du lịch trên địa bàn tỉnh có sự điều phối, phân bố hợp lý nhằm hướng đến mục tiêu chia sẻ lợi ích cho nhau và tạo ra bức tranh du lịch đa sắc màu, hấp dẫn mà không chồng chéo và trùng lặp.

Đoàn Famtrip các tỉnh Bình Định và khu vực Tây Nguyên tham quan Nhà đày Buôn Ma Thuột vào trung tuần tháng 2/2022.
 
“Trung tâm Thông tin, xúc tiến du lịch Đắk Lắk đã đầu tư thực hiện khoảng 10 chuyên đề truyền thông có chiều sâu và chất lượng nhằm thu hút du khách. Tiêu biểu như: Đắk Lắk - Hành trình đến với thiên nhiên; Đắk Lắk bừng sáng sức xuân; Đắk Lắk sẵn sàng cho sự trở lại; Đắk Lắk 360 độ và Khát vọng Đam San… Những chương trình này được phát trên chuyên mục Đời sống - Du lịch của các kênh Đài Truyền hình VTV1, VTV2, HTC, góp phần cùng sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp làm du lịch phục hồi, phát triển ngành kinh tế quan trọng này" .
 
Bà Lê Thị Chung, Giám đốc Trung tâm Thông tin, xúc tiến du lịch Đắk Lắk

Tuy nhiên, cho đến nay việc phân khúc thị trường du lịch ở đây vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục. Đó là cung cách làm du lịch của các doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này còn khá đơn lẻ và thụ động. 

Đại diện của Công ty Du lịch VND Travel Quy Nhơn phản ánh: Có nhiều lúc, nhiều nơi vì xung đột lợi ích, thiếu sự liên kết đã tạo nên tình trạng “tranh mua, tranh bán” tiêu cực, trong đó đáng phàn nàn nhất là việc hạ giá thành sản phẩm du lịch tại các tour/tuyến để thu hút du khách.

Mặt khác, cũng từ hệ lụy trên khiến sản phẩm du lịch ở đây trùng lặp cả về tính chất lẫn thời điểm diễn ra, nhất là loại hình du lịch văn hóa, lễ hội của các cộng đồng dân tộc tại chỗ. Từ đó không tạo thành chuỗi sự kiện, dẫn tới sự cạnh tranh, phân chia thị trường khách du lịch thiếu lành mạnh giữa các địa phương và từ đó khó có thể xây dựng các chương trình, sản phẩm du lịch kết nối, xuyên suốt cho toàn vùng.

Đã đến lúc Đắk Lắk phải được xem như một trong những trung tâm, đóng vai trò dẫn dắt, kiến tạo sản phẩm lẫn hoạt động kinh doanh ngành “công nghiệp không khói" này theo đường hướng trên.

Trong đó, hơn ai hết các DN làm du lịch cùng với cơ quan, đơn vị liên quan phải lấy việc điều phối, phân khúc thị trường hợp lý nhằm hướng đến mục tiêu chia sẻ lợi ích cho nhau, tạo nên điểm đến du lịch chất lượng, an toàn và đa sắc màu để không những thu hút du khách đến đây, mà cho cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên vốn có nhiều sản phẩm du lịch đặc thù và lợi thế cạnh tranh cao.

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.