Multimedia Đọc Báo in

Sẽ kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân chậm trễ trong công tác giải ngân vốn xây dựng cơ bản

13:55, 31/03/2022

Sáng 31/3, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp trực tuyến chuyên đề về xây dựng cơ bản để nắm bắt tình hình thực hiện giải ngân vốn xây dựng cơ bản năm 2021 và quý I năm 2022; một số nhiệm vụ giải pháp đẩy tiến độ giải ngân vốn xây dựng cơ bản trong thời gian tới. Đồng chí Võ Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Tổng số vốn đã phân bổ chi tiết cho các dự án trong kế hoạch năm 2021 trên địa bàn tỉnh sau điều chỉnh là trên 3.212 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/1/2022 đã giải ngân được trên 2.526 tỷ đồng, đạt 78,7% kế hoạch. Trong đó nguồn vốn ngân sách Trung ương đã giải ngân là 1.109 tỷ đồng, đạt 78,3% kế hoạch, số vốn còn lại chưa giải ngân là 308,404 tỷ đồng; Nguồn vốn ngân sách địa phương đã giải ngân là trên 1.417 tỷ đồng, đạt 79% kế hoạch, số vốn còn lại chưa giải ngân là gần 377,3 tỷ đồng.

Năm 2022 tổng số vốn đã phân bổ chi tiết cho các dự án trong kế hoạch năm là trên 2.052 tỷ đồng. Đến ngày 18/3/2022 đã giải ngân được 77,7 tỷ đồng, đạt 3,8%. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương đã giải ngân 0,6 tỷ đồng, đạt 0,1%, nguồn vốn ngân sách địa phương đã giải ngân 77 tỷ đồng, đạt 6,4% kế hoạch.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh phát biểu tại cuộc họp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh phát biểu tại cuộc họp.

Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các sở, ngành và địa phương đã thảo luận, phân tích các nguyên nhân dẫn đến chậm giải ngân vốn xây dựng cơ bản trong năm 2021 và 3 tháng đầu năm 2022. Trong đó, một số nguyên nhân chủ yếu được đưa ra như: quá trình triển khai các công trình, dự án bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, giá cả nguyên vật liệu tăng, thời tiết không thuận lợi. Trong những tháng đầu năm, các dự án khởi công mới đang tập trung thực hiện triển khai công tác đầu thầu, lựa chọn nhà thầu xây lắp. Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), lập, thẩm định, phê duyệt dự án còn chậm, dẫn đến chậm công tác đấu thầu, thi công. Một số địa phương việc thu tiền sử dụng đất chậm nên dẫn đến việc thiếu vốn để thực hiện giải ngân cho một số dự án…

Các địa phương tham dự cuộc họp bằng hình thức trực tuyến.
Các địa phương tham dự cuộc họp bằng hình thức trực tuyến.

Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Võ Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ khó khăn với các chủ đầu tư, địa phương trong việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2021 và 3 tháng đầu năm 2022 do nhiều nguyên nhân khách quan về tình hình dịch bệnh, bất lợi về thời tiết.

Đồng chí cũng thẳng thắn đề nghị đối với các chủ đầu tư được bố trí vốn kế hoạch năm 2021 nhưng không giải ngân hết vốn còn lại phải làm rõ nguyên nhân, kiểm điểm xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan để có báo cáo cụ thể cho UBND tỉnh có hướng xử lý.

Thời gian tới, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, đơn vị có chức năng thẩm định, tham mưu phê duyệt các hồ sơ liên quan đến triển khai thực hiện công trình, dự án đầu tư công cần phải tập trung nhân lực để thẩm định hồ sơ theo đúng quy định, đảm bảo chất lượng và thời gian. Cập nhật, điều chỉnh, công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số xây dựng không để tình trạng đầu cơ, đẩy giá. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra để phát hiện và xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho từng dự án, công trình.

Đối với các huyện, thị xã, thành phố đồng chí Võ Văn Cảnh yêu cầu tăng cường các biện pháp để đẩy nhanh GPMB, xử lý việc bồi thường khi thu hồi đất theo đúng các chính sách và chế độ quy định. Những dự án đã giao kế hoạch vốn đầu tư công nhưng chậm tiến độ do vướng mắc trong bồi thường GPMB, chủ đầu tư phải tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung tháo gỡ. Đồng thời khẩn trương hoàn thiện các thủ tục lập, trình thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, gửi quyết định phê duyệt dự án về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tham mưu giao kế hoạch vốn triển khai thực hiện trong năm 2022 theo quy định.

Hoàng Minh


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.