Multimedia Đọc Báo in

Bảo vệ người tiêu dùng: Vẫn còn nhiều bất cập

07:57, 01/06/2022

Sau hơn 10 năm thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản liên quan, hoạt động bảo vệ người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn nhiều bất cập do cơ chế, biện pháp bảo vệ chưa đủ mạnh, các quy định hiện hành đã không còn phù hợp với sự phát triển của nhiều hình thức kinh doanh mới.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011. Theo đánh giá của Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh, sau hơn 10 năm thực thi trên địa bàn tỉnh, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn đã tạo hành lang pháp lý, bảo vệ hữu ích cho người tiêu dùng; nhận thức về quyền, trách nhiệm của người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đã có chuyển biến tích cực. Nhiều vụ việc giải quyết thành công đã đòi lại quyền lợi chính đáng cho người mua.

Giai đoạn 2011 - 2021, Hội đã tiếp nhận, xử lý 275 vụ khiếu nại về chất lượng hàng hóa và dịch vụ của người tiêu dùng. Tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ qua các vụ khiếu nại là hơn 14 tỷ đồng, người tiêu dùng được hỗ trợ và bồi thường qua các vụ khiếu nại trị giá hơn 2 tỷ đồng.

Thói quen lưu giữ hóa đơn chứng từ khi mua sắm sẽ bảo vệ người tiêu dùng khi cần thiết.

Tuy nhiên, hiện bối cảnh trong nước và quốc tế đang có nhiều thay đổi, quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cùng với đó dịch COVID-19 đã làm xuất hiện nhiều hình thức kinh doanh, tiêu dùng mới. Việc mua hàng qua phương thức thương mại điện tử trở nên thông dụng; trường hợp người tiêu dùng bị lừa đảo, mất tiền khi mua hàng qua mạng Internet cũng gia tăng.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Tiên (thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar) chia sẻ, chị từng gặp phải tình trạng mua hàng online, nhất là với sản phẩm quần áo được rao bán với giá hấp dẫn, nhưng đến khi nhận hàng, chị thật sự thất vọng vì chất liệu vải, màu sắc hoàn toàn không như quảng cáo. Chị đã nhắn tin, liên lạc lại với bên người bán nhưng rồi cũng không giải quyết được vấn đề. Sau nhiều lần trao đổi, bên bán hàng không nghe điện thoại nữa. Vì mua hàng qua mạng Internet, chuyển tiền trước và không có hóa đơn mua bán nên chị cũng không biết “kêu” ai.

 

Theo bà Nguyễn Thị Phương Lan, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh, công tác quản lý nhà nước cần tăng cường và Luật Bảo vệ người tiêu dùng hiện hành cần phải rà soát, sửa đổi phù hợp, tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất, đồng bộ để phù hợp với tình hình hiện nay.

Đây chỉ là một ví dụ điển hình về việc người tiêu dùng trên địa bàn mua hàng online khi nhận được hàng không đúng với chất lượng như mô tả và cam kết của người bán. Tuy nhiên, theo Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh, việc xử lý các khiếu nại, thắc mắc của người tiêu dùng trong giao dịch mua bán trực tuyến đôi khi cũng gặp không ít khó khăn do nhiều trường hợp không xác định được địa chỉ người bán hàng trên mạng.

Có thể thấy, sau hơn 10 năm thi hành, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản liên quan đã xuất hiện những bất cập. Các quy định pháp luật hiện hành chỉ phù hợp với những giao dịch, kinh doanh truyền thống mà chưa theo kịp với sự phát triển của hình thức kinh doanh trực tuyến. Do đó, việc thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 đã phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập.

Cụ thể, một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn về các nội dung liên quan đến phạm vi điều chỉnh, đối tượng, giao dịch giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng; các quy định liên quan đến hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung quy định chưa thực sự chặt chẽ; một số quy định còn thiếu tính linh hoạt, không cho phép tính toán đến hoàn cảnh, lĩnh vực kinh doanh đặc thù của từng loại thị trường...

Cán bộ Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh tại một siêu thị trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

Thêm một bất cập nữa là pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định: Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quyền khởi kiện vụ án bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì lợi ích công cộng, nhưng lại phải chịu chi phí phát sinh trong quá trình khởi kiện. Đây cũng là nguyên nhân làm hạn chế kết quả hoạt động bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng ở địa phương.

Ngoài ra, việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong tỉnh ở lĩnh vực hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa thực hiện triệt để; chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp; một số lĩnh vực còn chồng chéo chức năng quản lý, một số lĩnh vực còn bỏ ngỏ gây không ít khó khăn cho việc quản lý chất lượng sản phẩm. Tại một số địa bàn trong tỉnh, các cấp chính quyền ở cơ sở chưa thực sự quan tâm tạo điều kiện cho tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở địa phương hoạt động...

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc