Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng mã vùng trồng sầu riêng: Hướng đến nền nông nghiệp trách nhiệm

08:17, 14/11/2022

Xây dựng mã vùng trồng là một trong những khâu then chốt quyết định đến việc xuất khẩu chính ngạch sầu riêng của Đắk Lắk. Tuy nhiên, đây một câu chuyện khá mới mẻ cho người sản xuất và quản lý nên rất cần sự chung tay của các “mắt xích” trong chuỗi giá trị ngành hàng sầu riêng.

Duy trì và mở rộng mã số vùng trồng

Đắk Lắk có diện tích sầu riêng lớn thứ hai cả nước, với 15.250 ha, sản lượng đạt 156.392 tấn. Sau khi Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chính thức được ký thì Đắk Lắk đã được phê duyệt 23 mã số vùng trồng, với diện tích khoảng 1.500 ha và 4 mã cơ sở đóng gói.

Ngày 17/9/2022, Đắk Lắk đã xuất khẩu chuyến hàng sầu riêng chính ngạch đầu tiên theo Nghị định thư sang thị trường Trung Quốc. Đây là một trong những lợi thế rất lớn để sầu riêng của Đắk Lắk trở thành sản phẩm chủ lực xuất khẩu sang thị trường này. Tuy nhiên, đây cũng chính là thách thức đối với các ngành, các cấp, doanh nghiệp và nông dân, bởi vì muốn xuất khẩu trái sầu riêng, các bước chuẩn bị phải làm rất kỹ càng từ tất cả các khâu.

Sầu riêng xuất khẩu chính ngạch được kiểm tra kỹ lưỡng tại cơ sở đóng gói của Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ Dũng Thái Sơn .

Ông Nguyễn Hữu Chiến, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Lập Đông (huyện Krông Búk) cho biết, yêu cầu của nước nhập khẩu vô cùng khắt khe, đòi hỏi mỗi nông dân phải tuân thủ tuyệt đối. Do đó, các thành viên HTX coi mã vùng trồng được cấp như tài sản quý, hướng dẫn, chia sẻ, hỗ trợ nhau trong việc thiết lập, giám sát mã vùng trồng tại địa phương. Điều này để tránh trường hợp phía nước bạn kiểm tra không bảo đảm yêu cầu, trả hàng ngược lại thì mất mát không chỉ của nông dân mà còn là uy tín, thương hiệu sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk nói riêng và của Việt Nam nói chung.

Theo bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, thương hiệu sầu riêng Dona, sầu riêng Ri6 - một cái tên sầu riêng của Việt Nam đã được thị trường Trung Quốc chấp nhận bằng hình thức chính ngạch là một tín hiệu rất đáng mừng. Tuy nhiên, hiện nay sản lượng sầu riêng có mã số vùng trồng đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu sang thị trường này cũng còn ít. Khi công ty đầu tư nhà máy tại Đắk Lắk với công suất 70.000 tấn/năm thì mỗi ngày cần đến 300 – 400 tấn sầu riêng (trong thời điểm chính vụ) để cung ứng tối đa cho công suất của nhà máy. Do đó, doanh nghiệp mong muốn Đắk Lắk có sự quan tâm đặc biệt cho sự phát triển mã số vùng trồng, đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc liên kết, xây dựng mã số vùng trồng đối với các huyện để thành lập các vùng nguyên liệu sầu riêng bền vững; tuyên truyền cho các HTX, nông dân nâng cao nhận thức để giữ vững thương hiệu sầu riêng Việt Nam.

Hiện nay diện tích sầu riêng của Đắk Lắk chưa được cấp mã vùng trồng còn rất lớn, do đó Đắk Lắk đang tiếp tục xây dựng thêm các vùng nguyên liệu đạt chuẩn để được phía đối tác cấp mã vùng trồng thêm hàng nghìn héc ta nữa thì mới đáp ứng được yêu cầu về sản lượng xuất khẩu. Và quan trọng hơn là cơ quan chuyên môn, địa phương, nông dân phải duy trì được các mã vùng trồng đã được phê duyệt để bảo đảm giữ được uy tín cho ngành hàng sầu riêng của Việt Nam thì mới có thể xuất khẩu lâu bền và hiệu quả.

Công khai, minh bạch mã số vùng trồng

Trong những năm gần đây, hương vị sầu riêng Việt Nam không chỉ chinh phục thị hiếu của khách hàng trong nước mà còn vươn ra nhiều thị trường trên thế giới, như: Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông, Hoa Kỳ, châu Âu... Đến nay Việt Nam đã xuất khẩu sầu riêng đi hơn 20 thị trường, chất lượng sầu riêng của Việt Nam được người tiêu dùng đánh giá cao và giá cả phù hợp nên có khả năng cạnh tranh với một số nước như Thái Lan, Malaysia...

Thu hoạch sầu riêng tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Lập Đông (huyện Krông Búk).
 

Để bảo vệ những thành quả đã đạt được và phát huy lợi thế sản xuất, xuất khẩu sầu riêng, cơ quan chức năng, chính quyền các cấp phải tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp xuất khẩu với phương châm “đi cùng nhau” để cùng tạo dựng và giữ gìn hình ảnh một nền nông nghiệp chất lượng, an toàn, minh bạch, trách nhiệm đối với người tiêu dùng…”.

 
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà

Để khai thác được các thị trường xuất khẩu tiềm năng, công tác quản lý mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói của Đắk Lắk đang dần hoàn thiện một cách chặt chẽ. Các vùng trồng, cơ sở đóng gói tuân thủ đầy đủ, nghiêm ngặt các quy định, chuẩn mực từ thị trường đối tác.

Đặc biệt, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch “Triển khai công tác thiết lập, quản lý, giám sát, phát triển mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu nhằm thúc đẩy phát triển bền vững ngành hàng sầu riêng của tỉnh theo quy mô sản xuất hàng hoá đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu”.

Trong đó, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở ngành, địa phương, HTX chung tay cùng hướng về nền sản xuất mặt hàng sầu riêng đạt chuẩn nông sản sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Đồng thời, tỉnh giao Sở NN-PTNT là cơ quan đầu mối quản lý mã vùng trồng sầu riêng theo quy định. 

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, mục tiêu của Kế hoạch là tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả và kịp thời, đồng bộ các quy định của nước nhập khẩu nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; tăng cường năng lực quản lý, kiểm tra, đánh giá, giám sát, kiểm soát chất lượng, quản lý sinh vật gây hại tại những mã số vùng trồng hoặc cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu.

Qua đó nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp, HTX sản xuất nông nghiệp trong việc tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn trong nước và quốc tế về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm.

Để thực hiện tốt các yêu cầu đề ra, trong Kế hoạch đã xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các sở, ngành, đến UBND cấp huyện, xã và nông dân, HTX như thế nào trong xây dựng, phát triển mã vùng trồng. Do đó, trong thời gian tới, các địa phương phải công khai thông tin các mã vùng trồng để người dân hiểu quyền lợi và nghĩa vụ. Doanh nghiệp và người dân phải có cam kết về khâu tiêu thụ sản phẩm để đảm bảo quyền lợi, lợi nhuận của đôi bên…

Theo các doanh nghiệp, việc liên kết trong sản xuất sầu riêng vẫn đang gặp nhiều khó khăn, bất cập. Điều này liên quan đến sự đồng bộ trong quản lý. Trong thời gian tới, Đắk Lắk cần có sự minh bạch trên tinh thần trách nhiệm chung để làm sao việc quản lý mã số vùng trồng sẽ là một trong những lợi thế để cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc