Multimedia Đọc Báo in

Vận hành thủy điện trên sông Sêrêpốk: Gắn sản xuất điện với bảo đảm an toàn cho hạ du

08:36, 06/12/2022

Quản lý, vận hành các nhà máy thủy điện có tổng công suất 586 MW, bên cạnh tập trung sản xuất điện, Công ty Thủy điện Buôn Kuốp cũng thực hiện vận hành hệ thống liên hồ chứa đảm bảo an toàn, hạn chế thiệt hại cho vùng hạ du.

Công ty Thủy điện Buôn Kuốp (thuộc Tổng Công ty Phát điện 3) hiện quản lý vận hành ba nhà máy thủy điện bậc thang lớn trên sông Sêrêpốk, gồm: Buôn Kuốp (công suất 280 MW), Sêrêpốk 3 (220 MW) và Buôn Tua Srah (86 MW). Từ đầu năm đến nay, công ty đã sản xuất sản lượng điện hơn 3 tỷ kWh, đạt 114% kế hoạch năm 2022 do Tổng công ty giao (2,6 tỷ kWh).

Với kết quả đạt được trong 11 tháng năm 2022 và theo tính toán lưu lượng, mực nước hồ tháng 12/2022, cả năm công ty dự kiến sẽ đạt 3,2 tỷ kWh, hoàn thành 120% kế hoạch sản lượng trong năm. Đây là năm thứ hai trong vòng 13 năm kể từ ngày đưa vào vận hành, các nhà máy sản xuất được sản lượng điện vượt 3 tỷ kWh/năm.

Sản lượng điện sản xuất đạt cao do năm 2022 tình hình thủy văn thuận lợi, công tác quản lý vận hành các nhà máy hiệu quả, các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật đều đạt và vượt. Trong năm, doanh nghiệp đã nộp nghĩa vụ tài chính, các khoản thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế tài nguyên, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước và phí dịch vụ môi trường rừng với số tiền 460 tỷ đồng.

Hệ thống điều hành Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah.

Bên cạnh hoạt động sản xuất, Công ty Thủy điện Buôn Kuốp cũng đảm bảo vận hành hệ thống liên hồ chứa bảo đảm an toàn, hạn chế thiệt hại cho vùng hạ du trong mùa mưa lũ. Đối với một nhà máy thủy điện, công tác dự báo lưu lượng nước về, lưu lượng mưa và mực nước hồ chứa là những yếu tố tiên quyết giúp việc lập kế hoạch, phương thức vận hành tối ưu nhà máy. Do đó, để bảo đảm các nhà máy vận hành tối ưu và an toàn trước các tình huống bất thường, doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ số trong thu thập dữ liệu thủy văn. Giải pháp kỹ thuật này đều do những kỹ sư của công ty tự nghiên cứu, xây dựng.

Cụ thể, tại các hồ chứa của ba nhà máy thủy điện, đơn vị đã lắp đặt 37 trạm quan trắc mực nước, quan trắc lượng mưa tự động. Theo đó, dữ liệu thực từ các trạm quan trắc được kết nối về trung tâm, làm cơ sở dữ liệu để xây dựng mô hình dự báo, theo dõi lưu lượng nước về cho các hồ chứa.

Trước đây, để tính toán lưu lượng nước về hồ, nhân viên vận hành của nhà máy phải trực tiếp thực hiện đo lượng mưa tại các vị trí. Nhưng từ khi có hệ thống quan trắc tự động, dữ liệu do các trạm đo mưa tự động liên tục được cập nhật, kết nối với ứng dụng trên thiết bị di động, giúp việc trích xuất các thông tin cần thiết nhanh, chính xác hơn, phục vụ công tác dự báo và vận hành hợp lý, nhất là khi có mưa lớn xảy ra. Mô hình này cũng giảm thời gian thao tác, nhân công, cung cấp kịp thời số liệu thủy văn cho các cấp, ban, ngành theo yêu cầu.

Trước đó, công ty cũng đã hoàn thành giải pháp truyền số liệu thủy văn đến máy chủ của Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) từ hệ thống Mini SCADA của ba nhà máy để cung cấp dữ liệu giám sát thường xuyên, liên tục phục vụ công tác quản lý, giám sát.

Một tổ máy phát điện của Nhà máy thủy điện Buôn Kuốp.

Bên cạnh hệ thống quan trắc mưa tự động, công ty cũng ứng dụng hệ thống cảnh báo lũ từ xa qua sóng di động, kịp thời thông báo giúp người dân vùng hạ du thủy điện tránh được các mối nguy hiểm, hạn chế thiệt hại khi có bão lũ xảy ra. Hiện có 22 trạm cảnh báo lũ từ xa được bố trí dọc theo bờ sông vùng hạ du các hồ chứa, khu dân cư… để thông báo về tình hình chạy máy, điều tiết nước của nhà máy đến được với chính quyền và nhân dân trong vùng.

Ông Nguyễn Đức, Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp cho biết, bên cạnh hoạt động sản xuất điện, công ty luôn quan tâm đến vận hành, điều tiết nước hợp lý với phương châm mùa cạn thì ưu tiên nước cho sản xuất ở vùng hạ du, mùa lũ thì hạn chế tối đa thiệt hại do điều tiết, xả lũ. Đặc biệt, trước mùa mưa lũ, đơn vị đã cập nhật bản đồ ngập lụt vùng hạ du; ký kết, phổ biến quy chế phối hợp trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn đến cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và người dân ở hạ du nhà máy. Đồng thời, tổ chức diễn tập phương án ứng phó với thiên tai ở các cấp độ, trong đó có giả định một số tình huống xảy ra để xử lý, ứng phó, giúp lực lượng vận hành chủ động phối hợp thực hiện tốt trong thực tế.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.