Multimedia Đọc Báo in

Nhiều nước thành viên “thay tướng”, Liên minh châu Âu đứng trước ngưỡng cửa mới

14:32, 09/12/2021

Sự thay đổi ở vị trí lãnh đạo cấp cao nhất tại một số nước thành viên quan trọng có thể để lại không ít thách thức với Liên minh châu Âu (EU).

Ngày 8/12, bà Angela Merkel chính thức từ giã vị trí Thủ tướng Đức sau 16 năm cầm quyền, nhường lại vị trí này cho ông Olaf Scholz. Sự ra đi của nhân vật được coi là nhà lãnh đạo quyền lực nhất Liên minh châu Âu (EU) sẽ tạo ra khoảng trống đáng kể đối với lục địa này nói chung và nước Đức nói riêng.

Ngày 8/12, sau 16 năm cầm quyền liên tục, bà Angela Merkel đã chính thức nhường lại vị trí Thủ tướng Đức cho ông Olaf Scholz. (Nguồn: AP)
Ngày 8/12, sau 16 năm cầm quyền liên tục, bà Angela Merkel đã chính thức nhường lại vị trí Thủ tướng Đức cho ông Olaf Scholz. Ảnh: AP/Baoquocte.vn

Khi chính phủ mới tại Berlin còn đang thành hình, nhiều người đã dành sự chú ý tới Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, nhân vật được kỳ vọng thay thế bà Merkel đảm đương trọng trách dẫn dắt EU. Tuy nhiên, để đáp ứng mong mỏi đó, nhà lãnh đạo này cần nỗ lực vượt qua cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 4/2022. Tại đây, ông sẽ phải đương đầu với những ứng cử viên nặng ký như đối thủ quen thuộc Marine Le Pen và cựu Bộ trưởng Ngân sách Valérie Pécresse.

Hiện ông Macron, với tỷ lệ ủng hộ gần 40%, cao nhất trong các đời Tổng thống Pháp 20 năm trở lại đây, dự kiến dễ dàng chiến thắng vòng đầu tiên với cách biệt hơn 20%. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng đây vẫn chỉ là dự báo và một khi ông Macron chính thức tuyên bố tranh cử, tỷ lệ ủng hộ của ông sẽ hạ xuống thấp hơn.

Tại Áo, ông Sebastian Kurz và ông Alexander Schallenberg lần lượt từ chức, nhường vị trí Thủ tướng cho ông Karl Nehammer. Ở Czech, chiến thắng bất ngờ của liên minh bầu cử SPOLU trước đảng ANO của ông Andrej Babis đã mang lại chiếc ghế Thủ tướng cho ông Petr Fiala.

Vậy thay đổi hàng loạt ở vị trí lãnh đạo thành viên sẽ mang lại ý nghĩa gì với EU?

Thứ nhất, đó là độ trễ của chính quyền mới. Ưu tiên hàng đầu của hầu hết các chính phủ mới là kiện toàn bộ máy, củng cố quyền lực, ổn định nội bộ trước khi giải quyết các thách thức mới. Với đa số các chính phủ, quá trình này thường mất một hay vài tháng nhưng với số khác, nó có thể kéo dài tới cả năm đầu trong nhiệm kỳ.

Điều này sẽ tác động phần nào tới định hình chính sách đối ngoại nói riêng và hoạt động đối ngoại giai đoạn này nói chung. Quốc gia có vai trò dẫn dắt như Đức thay đổi vị trí lãnh đạo đồng nghĩa rằng EU có khả năng thiếu vắng tiếng nói đủ trọng lượng trong quyết định các vấn đề đối ngoại đầu nhiệm kỳ của ông Olaf Scholz.

Thứ hai, đó là quan điểm của các nhà lãnh đạo mới về EU. Trong năm qua, chứng kiến sự thay đổi trong lập trường của Mỹ dưới thời ông Donald Trump về châu Âu, khối đã công bố hàng loạt định hướng chính sách lớn về quan hệ với châu Á-Thái Bình Dương, chiến lược với Trung Quốc hay tầm nhìn về tự chủ chiến lược.

Song thay đổi ở vị trí lãnh đạo của nhiều nước thành viên quan trọng trong EU có thể tác động tới quá trình triển khai các chiến lược nêu trên, vốn được kỳ vọng sẽ góp phần định hình lại vị thế của khối thời gian tới.

Thứ ba, EU cũng phải đối mặt với nhiều thách thức từ đoàn kết nội khối suy yếu, đại dịch COVID-19, khủng hoảng năng lượng, người di cư tới quan hệ nước lớn, biên giới Belarus-Ba Lan và căng thẳng Ukraine-Nga.

Đây đều là những vấn đề nan giải, đòi hỏi sự đồng lòng của khối và rõ ràng, sự thay đổi vị trí lãnh đạo ở quốc gia dẫn dắt EU là Đức, cùng một số nước thành viên quan trọng sẽ khiến câu chuyện trở nên phức tạp hơn.

Theo Baoquocte.vn
 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.