Multimedia Đọc Báo in

Lệnh cấm xuất khẩu không thể giải quyết tình trạng thiếu lượng thực toàn cầu

18:31, 08/06/2022

Giới chuyên gia nhận định các lệnh cấm xuất khẩu không thể giải quyết tình trạng thiếu lượng thực toàn cầu hiện nay.

Nguồn dự trữ nhiên liệu, phân bón và lương thực của thế giới đang ở mức rất thấp, trong khi đó sản xuất bị cắt giảm và chuỗi cung ứng liên tục bị gián đoạn. Song giới chuyên gia nhận định các lệnh cấm xuất khẩu không thể giải quyết tình trạng thiếu lượng thực toàn cầu hiện nay.

Theo kênh CNA, chỉ trong vòng 2 tháng, tình hình lương thực trên thế giới đã đi từ trạng thái xấu đến tồi tệ hơn. Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia đã tỏ ra hoảng loạn khi đối mặt với tình trạng thiếu hụt toàn cầu. Trung Quốc đã tuyên bố áp lệnh cấm xuất khẩu phân bón, Indonesia cấm xuất khẩu dầu cọ còn Ấn Độ đã ngừng xuất khẩu lúa mì.

Trong khi đó, Mỹ đã mở rộng cam kết sản xuất ethanol từ ngô, nâng cao nguồn cung xăng để giảm chi phí đi lại cho người dân. Nước này cũng kêu gọi sử dụng ngô thay cho nguồn cung lúa mì còn thiếu hụt. Bất chấp giá dầu cọ tăng cao, Malaysia dường như đã sẵn sàng dỡ bỏ yêu cầu pha trộn dầu cọ vào nguồn cung nhiên liệu diesel. Nguồn cung dầu cọ này hiện có thể tham gia phục vụ chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu.

Giáo sư Peter Timmer, chuyên gia hàng đầu về kinh tế nông nghiệp tại Đại học Harvard cho rằng, mặc dù cuộc khủng hoảng này do nhiều vấn đề dài hạn gây ra, nhưng yêu cầu cấp thiết lúc này là phải tập trung cải thiện tình hình trong ngắn hạn. Ông giải thích giống như cuộc khủng hoảng gạo năm 2008, một số can thiệp từ bên ngoài sẽ rất cần thiết để phá vỡ tình trạng hoảng loạn và các chính sách thương mại “gây tổn hại láng giềng” hiện nay. Chẳng hạn, năm 2008, Thủ tướng Nhật Bản đã đồng ý tái xuất khẩu gạo hạt dài của nước này sang Philippines, quốc gia nhập khẩu gạo nhiều nhất trong cuộc khủng hoảng.

Kệ hàng nông sản trống rỗng trong một siêu thị ở Hong Kong, Trung Quốc. Ảnh: AFP
Kệ hàng nông sản trống rỗng trong một siêu thị ở Hong Kong, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Song so với cuộc khủng hoảng năm 2008, cuộc khủng hoảng hiện nay lan rộng hơn - liên quan đến mọi lĩnh vực từ năng lượng, phân bón và lương thực, đặc biệt là lúa mì và dầu thực vật. Đồng thời, cuộc khủng hoảng này cũng đang trở nên gay gắt hơn. Tất cả những mặt hàng chủ lực hiện có lượng tồn kho thấp, trong khi sản xuất bị cắt giảm và chuỗi cung ứng bị gián đoạn.

Giáo sư Timmer nhận định sẽ không dễ dàng để ngăn chặn cuộc khủng hoảng này và thị trường có rất ít cơ hội trở lại các mô hình thương mại bình thường hơn sau xung đột Nga-Ukraine. Do đó, các nền kinh tế hàng đầu thế giới cần phối hợp để đạt được kết quả.

Hội nghị thượng đỉnh G20 - Cơ hội hợp tác giải quyết khủng hoảng

Chuyên gia kinh tế Timmer nhận định cơ hội cho sự hợp tác này đang ở phía trước trong Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại Bali vào tháng 11 tới. Giáo sư cho rằng hội nghị này sẽ mở ra cơ hội giúp Indonesia – quốc gia đảm nhiệm vị trí chủ tịch G20 và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - với tư cách là một tổ chức thương mại khu vực lớn, nhận được cam kết chính thức từ các thành viên về việc đảm bảo an ninh lương thực và dỡ bỏ các hạn chế thương mại.

Việc Nga có thể tham gia G20 cũng vừa là thách thức, vừa mở ra cơ hội ngoại giao tích cực cho nhiều quốc gia này. Nếu điều đó có thể thực hiện được, các yếu tố “cam kết của G20 về bình thường hóa thương mại” là khá đơn giản.

Ông Timmer cũng dự đoán hội nghị này sẽ đưa ra cam kết chắc chắn giúp ngăn chặn các quốc gia tiếp tục áp đặt hạn chế xuất khẩu đối với các mặt hàng quan trọng, đặc biệt là lúa mì, dầu thực vật và phân bón. Các nhà lãnh đạo cũng sẽ đồng ý cắt giảm và cuối cùng là loại bỏ các hạn chế xuất khẩu đối với những mặt hàng quan trọng này.

Kệ hàng đông lạnh trống trơn trong siêu thị Sainsburys ở Walthamstow, phía đông London. Ảnh: AFP
Kệ hàng đông lạnh trống trơn trong siêu thị Sainsbury's ở Walthamstow, phía đông London. Ảnh: AFP/TTXVN

Song theo ông, để đảm bảo cam kết, điều quan trọng là phải thành lập một ban thư ký, do Indonesia làm chủ tịch, để giám sát và công bố chi tiết việc thực hiện. Trong đó, minh bạch là cơ chế thực thi tốt nhất.

Bước đệm “thiện chí” tạo tiền đề cho thỏa thuận giữa Mỹ và EU

Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cũng có thể thực hiện một số hành động thiện chí để tạo tiền đề cho một thỏa thuận rộng rãi hơn tại hội nghị G20. EU đã có khởi đầu thuận lợi nhờ việc vận động điều phối xuất khẩu lúa mì sang các nước có nhu cầu lớn nhất.

Ông Timmer cho rằng Mỹ nên làm theo bằng cách đảo ngược quyết định thúc đẩy sản xuất ethanol và công bố hướng dẫn về cách chuyển hướng sản xuất ngô cho tiêu dùng. Bên cạnh đó, quốc gia này cũng cần thúc đẩy các nỗ lực bảo tồn lượng tiêu thụ lúa mì thay vì các loại carbohydrate khác, đặc biệt là ngô và khoai tây.

Vị chuyên gia này bình luận dù Mỹ và Australia khó có thể đóng vai trò mang tính xây dựng trong chính sách ngoại giao này, nhưng EU có thể có ảnh hưởng khá lớn.

“Bây giờ không phải là lúc cho những hành động rụt rè. Hàng triệu sinh mạng đang bị đe dọa nếu chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu tiếp tục đình trệ và các nhà hoạch định chính sách phản ứng bằng cách hạn chế xuất khẩu lương thực trong bối cảnh thiếu hụt nghiêm trọng. Có thể hiểu rằng, mỗi quốc gia đều có cách bảo vệ người dân bằng nguồn lương thực sản xuất trong nước, nhưng điều này đang làm trầm trọng thêm tình trạng tăng giá lương thực quốc tế”, ông Timmer nói.

Chuyên gia này cũng nêu quan điểm rằng sự thịnh vượng trong tương lai phụ thuộc cốt yếu vào thương mại quốc tế đáng tin cậy. Tất cả các quốc gia cần nhìn nhận lại vai trò của mình trong việc hỗ trợ điều đó. Và cấm xuất khẩu sẽ là một thảm họa đối với an ninh lương thực thế giới.

Theo TTXVN/Tintuc
 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.