Multimedia Đọc Báo in

Hội nghị thượng đỉnh bất thường EU: “Nóng” vấn đề cấm vận dầu mỏ của Nga

06:56, 05/06/2022

Trong hai ngày 30 và 31/5, Liên minh châu Âu (EU) tổ chức Hội nghị thượng đỉnh bất thường nhằm đánh giá và thảo luận tình hình khủng hoảng ở Ukraine, hợp tác quốc phòng, chi phí năng lượng và an ninh lương thực.

Tại hội nghị này, các nguyên thủ quốc gia và chính phủ của Liên minh châu Âu đã đồng ý về lệnh cấm vận nhập khẩu 2/3 lượng dầu của Nga. Lệnh cấm vận sẽ bao gồm cấm dầu vận chuyển bằng đường biển nhưng miễn trừ một phần vận chuyển dầu bằng đường ống, một động thái quan trọng để có được sự chấp thuận của Hungary - quốc gia không giáp biển.

Người đứng đầu Hội đồng châu Âu Charles Michel đã viết trên Twitter của mình rằng, "đồng ý cấm xuất khẩu dầu của Nga sang EU. Nó bao hàm hơn 2/3 lượng dầu nhập khẩu từ Nga, giảm một nguồn kinh phí khổng lồ cho cỗ máy chiến tranh của nước này. Áp lực tối đa để Nga chấm dứt chiến tranh". Bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu đã hoan nghênh quyết định về lệnh cấm vận dầu mỏ, theo đó sẽ giảm nhập khẩu dầu vào EU từ Nga vào cuối năm nay khoảng 90%. Bà cũng nói rằng, các thành viên của liên minh "đã đồng ý chấm dứt sự phụ thuộc vào khí đốt, dầu và than đá của Nga càng sớm càng tốt".

Công nhân kiểm tra hệ thống cấp nước ở cơ sở lọc dầu Danube của Công ty dầu khí Hungary MOL tại thị trấn Szazhalombatta, cách Budapest khoảng 30 km về phía Nam. Ảnh: AFP/TTXVN

Với lệnh cấm mới thì nguồn cung dầu từ Nga vẫn tiếp tục chảy tới châu Âu thông qua các nhánh của hệ thống đường ống "Druzhba", qua đó Hungary, Czech, Slovenia, Ba Lan và cả Đức vẫn có thể nhận dầu từ Nga. Tuy nhiên, Chính phủ liên bang Đức và Ba Lan tuyên bố cũng muốn từ bỏ nhập khẩu dầu theo cách này. Thủ tướng Đức Scholz cho rằng, các biện pháp trừng phạt mà EU đưa ra với Nga nhằm gây sức ép để chấm dứt xung đột, rút quân đội khỏi Ukraine cũng như hướng tới một nền hòa bình với Ukraine. Ông Scholz nêu rõ Đức sẽ tiếp tục nỗ lực để tới cuối năm 2022 có thể ngừng nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ của Nga, đồng thời cho biết quốc gia láng giềng của Đức là Ba Lan cũng sẽ có nỗ lực tương tự. Bên cạnh đó, Berlin cũng sẽ không ngừng nỗ lực để giảm sự phụ thuộc vào nguồn khí đốt của Nga.

 

Khi cuộc chiến tại Ukraine càng kéo dài, tác động về giá nhiên liệu, về an ninh lương thực càng nghiêm trọng thì các mâu thuẫn trong cách tiếp cận cuộc chiến Ukraine của các nước EU sẽ càng bộc lộ rõ hơn, nguy cơ chia rẽ sẽ càng lớn hơn bởi lẽ sẽ khó có một kịch bản kết thúc cuộc chiến tại Ukraine có thể làm vừa lòng tất cả 27 quốc gia thành viên EU.

Được biết, EU đã bắt đầu soạn thảo gói trừng phạt thứ sáu vào tháng 4 và kể từ đầu tháng 5 đã làm việc để thống nhất về lệnh cấm vận dầu mỏ. Các đề xuất đầu tiên bao gồm lệnh cấm hoàn toàn nhập khẩu dầu từ Nga, nhưng điều này đã bị Hungary - quốc gia phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp hydrocacbon của Nga phản đối. Để gỡ bỏ lá phiếu phủ quyết của Hungary, Ủy ban châu Âu đã sửa đổi các dự thảo, qua đó cho phép các nước vẫn được nhập dầu của Nga qua đường ống dẫn dầu "Druzhba", chỉ cấm nhập khẩu đường biển. Trước đó, Ủy ban châu Âu đã đề xuất chi 2 tỷ euro giúp các nước như Hungary, Cộng hòa Séc, Slovakia xây dựng các cơ sở lọc dầu mới để chuyển đổi nguồn cung từ Nga nhưng Hungary cho rằng số tiền này là không đủ bởi hiện nay công nghệ tại các nhà máy lọc dầu của Hungary chỉ có thể xử lý dầu thô của Nga, muốn chuyển đổi để nhập dầu qua đường ống từ Croatia thì phải xây mới hoàn toàn và có thể tốn kém hàng chục tỷ euro. Ngoài ra, Hungary hiện cũng không thể tiếp cận được với số tiền 2 tỷ euro mà EU đề xuất bởi nước này đang bị Ủy ban châu Âu đưa vào diện điều tra vi phạm vì các cáo buộc liên quan đến việc không tôn trọng các nguyên tắc về nhà nước pháp quyền.

Mặc dù cuối cùng cũng đi đến sự nhất trí về gói trừng phạt thứ 6 nhưng những bất đồng trước đó giữa các nước trong khối đã cho thấy nguy cơ rạn nứt mối đoàn kết trong EU. Trong bối cảnh cuộc xung đột Ukraine chưa có dấu hiệu dừng lại, giá cả năng lượng tại châu Âu tiếp tục leo thang, khác biệt về quan điểm và lợi ích giữa các nước thành viên tiếp tục nới rộng. Qua 3 tháng chiến sự tại Ukraine và 5 vòng trừng phạt kinh tế, châu Âu đang dần cạn kiệt các vũ khí kinh tế và bắt đầu thấm mệt vì tác động kinh tế từ chính các lệnh trừng phạt Nga gây ra. Ngoài ra, mục đích lớn nhất của các trừng phạt kinh tế là răn đe, buộc Nga dừng cuộc chiến tại Ukraine thì vẫn chưa đạt được.

Hiện tại trong nội bộ EU đang có những quan điểm rất khác biệt giữa các nước về cách tiếp cận với cuộc chiến tại Ukraine. Có những nhóm nước như Ba Lan, 3 quốc gia Baltic, Cộng hòa Séc theo đuổi chiến lược cứng rắn, muốn châu Âu cắt đứt toàn bộ quan hệ kinh tế với Nga, muốn châu Âu hỗ trợ Ukraine đến cùng về mặt kinh tế - quân sự để buộc Nga phải thất bại. Một số nước, như Hungary, lại có quan điểm ôn hòa hơn, không ủng hộ các hành động của Nga nhưng cũng chỉ trích công khai các đòi hỏi từ chính quyền Ukraine. Tiếp đến là các nước EU chủ chốt, dẫn đầu là hai cường quốc đầu tàu Pháp, Đức lại đang âm thầm theo đuổi việc đối thoại với Nga nhằm tìm giải pháp ngoại giao chấm dứt cuộc chiến. Do đó, khi cuộc chiến tại Ukraine càng kéo dài, tác động về giá nhiên liệu, về an ninh lương thực càng nghiêm trọng thì các mâu thuẫn trong cách tiếp cận cuộc chiến Ukraine của các nước EU sẽ càng bộc lộ rõ hơn, nguy cơ chia rẽ sẽ càng lớn hơn bởi lẽ sẽ khó có một kịch bản kết thúc cuộc chiến tại Ukraine có thể làm vừa lòng tất cả 27 quốc gia thành viên EU.

Hồng Hà (tổng hợp)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nỗ lực ngăn chặn “tín dụng đen” xâm nhập học đường
Mặc dù các lực lượng chức năng của tỉnh Đắk Lắk liên tục có các biện pháp trấn áp, truy quét, nhưng các ổ nhóm "tín dụng đen" vẫn có dấu hiệu hoạt động trái pháp luật. Hiện nay, học sinh là nạn nhân mà các đối tượng này hướng đến.