Multimedia Đọc Báo in

Một thế giới hư ảo ở nhà làng Cơ Tu

08:55, 20/11/2021

Trên lĩnh vực nghệ thuật tạo hình, đồng bào Cơ Tu có những thành tựu nổi bật so với các dân tộc cận cư. Ngôi nhà làng (gươl) có thể xem như một “bảo tàng nghệ thuật”, nơi trưng bày nhiều tác phẩm điêu khắc có giá trị cả về hình thức lẫn nội dung.

Nhà làng là nơi thực hành các nghi lễ, tín ngưỡng dân gian, ẩn chứa những câu chuyện huyền bí mang đậm màu sắc tâm linh của người Cơ Tu. Đây là nơi ghi lại quá trình phát triển lâu dài của văn hóa tộc người với những dấu ấn riêng có giá trị như một cuốn sử “bất thành văn” quý giá. Nơi ấy, các già làng, nghệ nhân thông qua những bức tượng, phù điêu khắc họa những nhân vật huyền thoại, những bóng hình hư ảo theo thế giới quan hồn nhiên, sơ khai của dân tộc mình.

Trong tác phẩm điêu khắc ở nhà làng các thôn Vinh, Bha Xua, Chà Vành (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam), ta thấy xuất hiện nhiều bức tượng tròn miêu tả một số con quái vật mà người Cơ Tu gọi là “Đh’moọc” và “Ajêh”. Theo truyện cổ tích, “Đh’moọc” là con vật hình người, đầu chim, có răng rất sắc, chuyên ăn thịt người; chúng thường sống thành đàn trong rừng và đón đường bắt người ăn thịt... Khác với “Đh’moọc”, “Ajêh” là quái vật khổng lồ hình người, đầu to và dẹt như cái trống. Nó có thể ăn tất cả mọi thứ với khối lượng lớn, kể cả con người. Sống lang thang thành từng cặp trong rừng. Cả hai con vật này đều hung ác nhưng cuối cùng cũng bị con người tiêu diệt.

Bức phù điêu nữ phúc thần thủy quái chuyên sống ở sông suối.

Aul là một hình tượng nằm trong thế giới hư ảo được đồng bào Cơ Tu khắc họa rất sinh động trong các tác phẩm điêu khắc. Họ cho rằng từ lâu lắm, trong buổi bình minh của con người có một loài nửa vật nửa người, sống dưới nước, gọi là thủy thần Aul. Đó là cô gái rất xinh đẹp, đầu người mình cá, xuất hiện ven các sông suối, bơi lội tung tăng khắp nơi và dùng tôm, cá làm thức ăn cho mình. Cô gái đẹp mặt người đuôi cá, là một thủy thần hiền lành, tốt bụng, sẵn sàng giúp đỡ kịp thời những người bị nạn khi qua ghềnh thác, suối sông. Mối quan hệ thân thiện, gần gũi cũng như lòng tốt của cô đã được người Cơ Tu ghi ơn bằng cách tạc vào lòng mình những ấn tượng tốt đẹp và thổ lộ ra bằng các đường nét chạm trổ khéo léo về hình tượng đặc biệt này. Thủy thần Aul toát lên nét đoan trang của người phụ nữ mà thân hình, chân tay được khắc họa bằng những đường cong, nhất là bộ ngực nở nang đầy sức sống và cái eo thon nhỏ đầy nữ tính.

Theo quan niệm của người Cơ Tu, Acaxo là phúc thần, lo việc canh giữ ngôi nhà và làng bản. Trước đây, người ta thường tạc bức tượng vị thần này ở cổng làng để trấn giữ ngôi làng, không cho ma xấu, kẻ xấu xâm nhập. Ngày nay, loại tượng này không còn thấy ở cổng làng nữa mà được tạc ở nhà gươl. Ở cổng làng, Acaxo thường ở dạng tượng tròn, trên cổ đeo một chuỗi hạt bằng vỏ ốc suối. Ở nhà gươl, Acaxo thường được thể hiện dưới dạng phù điêu, nằm ở chân cây cột cái, hay trên tấm ván thưng chính diện trong ngôi nhà. Thần Acaxo có cái đầu tròn, gương mặt giống người, phía dưới cái đầu tròn có ba sợi dài giống như đọt rau dớn, đối xứng với nhau.

Bức tượng Rắn thần của nghệ nhân Bhriu Bố trưng bày tại Vườn tượng Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk.

Theo người Cơ Tu, rắn thần (bhi’dưa) là một quái vật có cái đầu và bộ chân tuyệt đẹp của con gà trống, cái mình mềm mại của con rắn và cái đuôi thướt tha uốn lượn của con cá. Truyền thuyết kể rằng con vật này có trách nhiệm gìn giữ cái hũ của thần nước nên rắn thần chỉ sống ở vùng đầm lầy, ao hồ, sông, suối...

Trong làng, nếu người nào có ý nghĩ, lời nói hoặc việc làm xấu xa thì qua những vùng sông nước sẽ bị rắn thần trừng phạt, hút máu cho đến chết. Người Cơ Tu rất tin ở sự hiển linh của rắn thần. Hình tượng này có ý nghĩa răn đe, giáo dục những người sống trong buôn làng, cộng đồng phải ăn ở hòa thuận, suy nghĩ trong sáng, không nói bậy, nói xằng, không làm điều xấu, điều ác để cuộc sống tốt đẹp hơn. Tượng có bố cục dẹp, phần dưới đế là chiếc ché có hình vẽ kỳ đà, tắc kè, thân rắn quấn trên các trụ, vươn lên đỉnh trụ là đầu gà trống.

Tượng rắn thần được bố trí ở nơi tiếp giáp của cây xà ngang, vừa tạo nét thẩm mỹ vừa có chức năng liên kết, chịu lực giữ vững chắc cho ngôi nhà. Hầu hết các gươl của người Cơ Tu ở xã Lăng (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng  Nam) đều hiện diện bức tượng đầu gà trống, thân rắn. Tác phẩm điêu khắc này đã được nghệ nhân Bhriu Bố tái tạo, thể hiện trong các cuộc thi điêu khắc dân gian ở các tỉnh Tây Nguyên.

Tượng quái vật Ajêh mình người mỏ chim.

Người Cơ Tu còn bảo lưu, gìn giữ nghệ thuật tạo hình trên các công trình kiến trúc như nhà làng truyền thống, nhà mồ. Những bức tượng, phù điêu, tranh vẽ miêu tả bức tranh muôn màu, ngợi ca nét đẹp của thiên nhiên, rừng núi và cuộc sống bản làng. Bên cạnh những hình ảnh gần gũi với đời sống xung quanh làng, đồng bào còn thả hồn bay bổng, miêu tả một thế giới siêu nhiên, xa lạ, khác thường gắn liền với thế giới quan, thẩm mỹ quan của tộc người. Đó chính là những câu chuyện, những huyền thoại bằng hình ảnh trực quan, làm cho ngôi nhà làng thêm đẹp, linh thiêng, giáo dục và hun đúc điều thiện lành trong mỗi cá nhân và cả cộng đồng tộc người.

Tấn Vịnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.