Multimedia Đọc Báo in

Tây Nguyên - Nơi những dòng sông đi qua (kỳ 3)

06:41, 24/04/2022

Kỳ 3: Sông Ba - Dòng chảy nối quá khứ với hiện tại và tương lai

Trong số những dòng sông ở Tây Nguyên mà tôi từng chạm mặt, sông Ba luôn trĩu nặng trong ký ức tôi như hình ảnh một già làng ngồi bên bến nước. Già ngồi đó với mái tóc rũ buồn như sương khói, như vết thời gian trăm năm mơ hồ đọng lại. Không trẻ trung, cuồn cuộn như Sêrêpốk, không vun đầy con nước như Sê San, sông Ba cứ miên thẳm một dòng từ đỉnh Ngọc Linh vời vợi quanh năm mây trắng, qua những vùng đồi núi trập trùng của Kbang, An Khê (Gia Lai)… rồi chầm chậm về miền hạ du của những đồng lúa xanh rờn Tuy An trước khi tan vào biển Đông ở cửa sông Đà Diễn thuộc TP. Tuy Hòa (Phú Yên).

Người ta nói, sông Ba tức là sông Đà Rằng, theo tiếng Chăm cổ nghĩa là dòng sông lau sậy. Chẳng biết đúng không nhưng một đôi lần nào đó, tôi đã nhìn thấy những hư ảo chập chờn trên sông, khi trong muộn màng chiều hôm những tơ trời bứt ra từ bông lau trắng, xoay tít những vòng quay trên sóng nước, như lời từ biệt vô thanh với cuộc chơi trần thế.

Thế núi, dáng sông Ba phía thượng nguồn.

Sông Ba ít người biết nhưng lại là con sông dài nhất ở Tây Nguyên và duyên hải miền Trung, tính chi li gần 400 km. Ít người biết bởi sông Ba có nhiều tên gọi, qua miền đất nào thì mang tên miền đất đó. Từ những nhánh sông nhỏ chưa có dấu chân người ở núi Ngọc Rô, nơi đầu nguồn sơn hệ Ngọc Linh của dãy Trường Sơn hùng vĩ cho đến sông Đà Rằng ở cuối nguồn thuộc địa phận tỉnh Phú Yên, sông Ba đã bươn bả qua hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai. Vời vợi thế nên có thể ví sông Ba như là truyền kỳ về vùng đất bắc Tây Nguyên. Dọc theo đời sông là những địa danh như Kon Plông, Kbang, Đắk Pơ, An Khê, Kông Chro, Ia Pa, Ayun Pa, Krông Pa…, nghe như tên những buôn làng Sê Đăng, Ba Na trìu mến.

Nhiều sách chỉ dẫn địa lý ghi rằng sông Ba hợp thành từ ba phụ lưu quan trọng, đó là: sông Ayun bắt nguồn từ núi Krong Hdung cao hơn 1.200 m, nhập lưu với sông Ba ở thị xã Ayun Pa; sông Krông H’Năng bắt nguồn từ đỉnh núi Chư Tung cũng ở độ cao trên 1.200 m, nhập lưu với sông Ba ở ranh giới giữa hai tỉnh Gia Lai và Phú Yên; cuối cùng là sông Hinh bắt nguồn từ đỉnh Chư H’Mu với độ cao trên 2.000 m, nhập lưu với sông Ba tại huyện miền núi Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên.

Cho đến tận hôm nay, sông Ba vẫn được xem là mạch sống của vùng đất miền duyên hải Phú Yên nối Tây Nguyên đại ngàn từ trong quá khứ với hiện tại và cả tương lai. Dòng chảy lịch sử ấy có khi trầm tích, có khi phát lộ và hiện diện quanh lưu vực dòng sông. Còn nhớ vài năm trước, tôi đã cùng với nữ TS. Nguyễn Thị Kim Vân, người được xem là “bách khoa toàn thư” về vùng đất Gia Lai làm chuyến du khảo trên dòng sông này. Chị Vân tâm sự: Sông Ba là dòng sông đầy ắp những giá trị khảo cổ, lịch sử tiêu biểu. Ở đầu nguồn và vùng trung du có những địa danh nổi tiếng gắn với dòng sông như An Khê và Tây Sơn thượng đạo, nơi lưu dấu tên tuổi của ba anh em nhà Tây Sơn; có làng kháng chiến S’Tơr của Anh hùng Núp; di tích tháp Chăm Bang Keng; đền Yang Mum, Dran Glai và phế tích nơi cư trú Kuai Kinh (thuộc khu vực hai huyện Krông Pa và Ayun Pa ngày nay). Dù không còn nguyên vẹn nhưng vẫn để lại những dấu ấn rõ nét về một thời tồn tại cư dân người Chăm trên vùng đất Tây Nguyên này. Văn hóa Chămpa không chỉ để lại dấu chỉ vật chất mà còn hòa quyện, đan xen vào đời sống tâm linh của cư dân bản địa. Người J’rai ở thung lũng Ayun Pa còn gọi đền Yang Mum là Yă H’mum (Bà H’mum) như vị thần của dân tộc mình.

Về phía cuối nguồn, nơi cửa sông Đà Diễn từ thế kỷ VII đến thế kỷ XV từng là trung tâm thương mại quốc tế sầm uất. Và không phải ngẫu nhiên mà lịch sử đã từng chọn núi Thạch Bi (tên nôm gọi là Đá Bia) ở hạ du sông Ba làm ranh giới của Đại Việt vào đời vua Lê Thánh Tông (1471), một dấu mốc trong hành trình mở mang bờ cõi của cha ông. Bên cạnh đó, việc trao đổi và giao thương dựa theo trục sông Ba theo chiều đông - tây vẫn được khai thác một cách triệt để và đã trở thành một mô hình kinh tế dưới thời các chúa Nguyễn cũng như nhà Nguyễn sau này. Tại đầu nguồn các con sông, nhà Nguyễn đã đặt các trạm giao dịch và thu mua lâm thổ sản; và các trạm đó gọi là “nguồn”. Ở Sông Ba có nguồn Thạch Thành, vị trí đó nay thuộc thôn Liên Thạch (xã Hòa Phú, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên). Sách Đại Nam nhất thống chí viết: “Ở xã Thạch Thành phía tây huyện Tuy Hòa có trường giao dịch và thủ sở ở đây, nước từ sông Ba chảy qua phía Nam huyện lỵ rồi đổ ra trấn Đà Diễn”. Thạch Thành là vùng bán sơn địa tiếp giáp giữa đồng bằng Tuy Hòa và vùng núi Đắk Lắk, hiện nay dấu tích về một thời giao thương sầm uất vẫn còn. Ở đây còn có chợ Liên Thạch (tên gọi khác là chợ Đồn), vẫn còn một số người cao tuổi cho biết đến đầu thế kỷ XX vẫn thấy người Thượng cưỡi voi xuống Thạch Thành để trao đổi hàng hóa…

Sông Ba, hay còn gọi là sông Đà Rằng đổ về đồng bằng Phú Yên.

Đời sông cũng thăng trầm như đời người, nhưng những gì bèo bọt sẽ trôi đi, để lại những kim thạch chìm sâu trong đáy nước. Năm nào đó, tôi đã từng ngồi với anh Văn Đình Thành, nhà sưu tập di chỉ khảo cổ nổi tiếng ở thành phố Kon Tum. Giữa cả vạn rìu đá, rìu đồng mà anh tìm kiếm hàng chục năm qua, đa phần ở những nhánh sông hợp lưu với dòng sông Ba, tôi như nghe tiếng gió thổi từ miền cổ sử. Tôi tự hỏi lòng, mất bao nhiêu lâu, để từ những chiếc rìu đá này được người xưa vỡ vạc nên bộ đàn đá nổi tiếng - đàn đá Tuy An ở cuối nguồn sông Ba?

Đàn đá Tuy An cuối nguồn sông Ba đã trở thành di chỉ khảo nổi tiếng nhưng âm thanh rộn ràng của nó hẳn vẫn còn lẩn khuất đâu đó giữa muôn thác nguồn mà đời sông đi qua. Và tôi nghĩ, sông Ba cũng là “cây đàn muôn điệu” (mượn cách nói của Thế Lữ) ngân mãi khúc tráng ca về người Ba Na can trường nói riêng và đồng bào Tây Nguyên nói chung. Như lời một ca khúc của nhạc sĩ Trần Quý viết về Anh hùng Núp, bài hát “Ca ngợi Anh hùng Núp”: “Đây bất khuất Tây Nguyên cao cao. Núi mây điệp trùng gió ào ào. Đây sóng nước sông Ba dâng trào. Người Ba Na như đàn chim ch’rao…”.

Một sông Ba thao thức hồn lau sậy ám ảnh mãi trong tôi. Một sông Ba điệp trùng, chất ngất trầm tích văn hóa vẫn còn đó. Đời sông như đời người, có những thứ ra đi dù lòng còn muốn níu giữ. Thì hẳn vậy, khi những công trình thủy điện, thủy lợi mọc lên, khi những cánh rừng hoang vắng dần cây lá thì đời sông cũng trở nên khúc khuỷu hơn, gập ghềnh hơn. Rồi ngày nào đó, gần đây, tôi lại trở về bên sông Ba, giữa miền Tây Sơn thượng đạo. Nhìn sông, nhìn hoa lau chập chờn trên sóng nước, có ai như tôi nhìn thấy dáng hình bà Ya Đố, người con Ba Na của đất Kbang sau trở thành nội tướng của thủ lĩnh Nguyễn Nhạc, người chăm lo lương thực cho nghĩa quân Tây Sơn buổi đầu dựng nghiệp. Bước chân bà đi như bay trên sông, như một nhành hoa lau bên sông…

(Còn nữa)

Kỳ 4: Dải lụa mềm Đăk Bla

Phạm Xuân Hùng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.