Multimedia Đọc Báo in

Nét đẹp Lễ hội Bunpimay của người Lào

06:40, 24/04/2022

Kể từ năm 2013, được sự quan tâm của chính quyền các cấp cùng phối hợp với Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào tỉnh Đắk Lắk, người Lào ở Buôn Đôn duy trì tổ chức Lễ hội Bunpimay mừng năm mới truyền thống vào ngày 13, 14, 15 tháng tư dương lịch hằng năm. Bunpimay là tết năm mới theo Phật lịch nên từ giai thoại về nguồn gốc cho đến nghi lễ đều liên quan đến Phật giáo Nam Tông.

Sự tích Bunpimay của người Lào kể rằng: “Vào một tiền kiếp xa xôi, Phật đầu thai là một vị Thái tử thông thái tên là Thammabane. Nhiều triết gia đã thua trí của vị Thái tử này. Trên thiên giới lúc đó có một vị Phạm Thiên nổi tiếng thông tuệ tên là Kabinlaphom đến ép Thái tử phải trả lời ba câu hỏi, nếu không trả lời được thì sẽ bị cắt đầu. Còn nếu Thái tử trả lời được thì vị Phạm Thiên sẽ tự cắt đầu mình để tỏ lòng khâm phục. Ba câu hỏi lần lượt là: Buổi sáng, duyên của con người ở đâu? Buổi trưa, duyên con người ở đâu? Buổi tối, duyên con người ở đâu?

Hai ngày trôi qua nhưng Thái tử không tìm được câu trả lời. Ngài đã đi vào rừng sâu ngồi dưới gốc cây suy nghĩ. Và tại đây Ngài đã nghe loài chim nói rằng: Buổi sáng, duyên con người ở trên mặt, vì ai dậy sớm cũng rửa mặt; Buổi trưa, duyên con người ở ngực, vì ai cũng phải tắm rửa; Buổi tối, duyên con người ở chân vì ai cũng rửa chân trước khi đi ngủ.

Buộc chỉ tay cầu may mắn trong Tết Bunpimay tại Buôn Đôn. Ảnh: Đăng Triều

Nhờ nghe được câu chuyện của vợ chồng nhà chim mà đến ngày thứ ba, cũng là hạn cuối, Thái tử đã trả lời được câu hỏi của Phạm Thiên Kabinlaphom. Sau đó Phạm Thiên cắt đầu mình. Trước khi cắt, ngài lệnh cho bảy cô con gái phải giữ đầu trong mâm vàng và dặn họ tránh để đầu rơi xuống đất. Nếu không, Trái đất sẽ bị thiêu trụi, đại dương sẽ cạn nước, sinh linh lâm vào cảnh khốn cùng. Bảy cô gái lần lượt thay nhau bưng đầu cha đúng 7 hôm thì lửa trên đầu Phạm Thiên mới nguội, rồi họ đặt đầu vào trong núi Tu Di. Xong xuôi, họ rủ nhau xuống nước tắm rửa. Dân gian thấy các nàng tắm gội sạch sẽ, mát mẻ thì cho rằng đây là việc tốt lành nên đã làm theo, lâu dần trở thành phong tục...”.

Lễ Bunpimay ở Buôn Đôn được tổ chức trang trọng với đầy đủ nghi thức như: “Xày bạt – Tắc bạt” (Cúng dường – Nhận lễ). Cũng giống các dân tộc theo Phật giáo Nam tông như Thái Lan, Myanmar, Khmer…, người Lào ở đây rất cung kính chư tăng, xem chư tăng là ruộng phúc (Na Bun – tiếng Lào) cho chúng sinh, nơi họ quay về nương tựa và học hỏi. Chỉ cần được chiêm bái màu y vàng giải thoát của chư tăng, họ thấy tâm mình được an lạc tuyệt đối. Họ quan niệm làm phước để được phước, đặc biệt là cúng dường tam bảo. Do đó mỗi lần có lễ hội, người dân dâng xôi, quà, bánh kẹo cho các sư, cầu mong sự bình an hạnh phúc, sẽ đem lại cho họ 5 điều cát tường: sống lâu, sắc tốt, an vui, sức mạnh và trí tuệ. Nhà sư đọc kinh hành Lễ cầu chúc năm mới.

Nghi lễ tắm Phật diễn ra với quan niệm mọi thứ trong năm mới cần được tẩy trần, bao gồm tượng Phật, lễ buộc chỉ cổ tay để cầu chúc sức khỏe và hạnh phúc. Buổi lễ được bắt đầu bằng những lời kinh “Xụt loi ka thông pi mày” (Tụng kinh thả hoa đăng năm mới). Họ đem hoa đăng với những ước nguyện thả xuống dòng sông Sêrêpốk. Một sợi chỉ trắng được buộc từ bàn tay của bức tượng Phật nối dài qua tay của các sư thầy đang đọc kinh như một lời phát nguyện cầu chúc bình an đến mọi người.

Kế đó, từng đoàn người xếp hàng trước sau, thành tâm bước từng bước lên và thực hiện nghi thức tắm Phật (Xổng Phră). Nghi lễ không thể thiếu được chính là cầu vía mà tiếng Lào gọi là Xù Khoẳn. Mâm lễ cầu vía là một mô hình tháp nhọn làm bằng lá chuối, trang trí hoa Chămpa, hoa cúc vạn thọ và hoa đọc khun… có cắm những que gắn chỉ để buộc vào cổ tay với những lời chú nguyện, chúc phúc, cát tường.

Toàn thân ướt sũng vì nhận được lời chúc phúc khi té nước, ai nấy hoan hỉ cùng nhau đắp tháp cát. Tháp cát được trang trí bằng cờ, hoa, dây vải trắng và vẩy nước thơm. Các tháp cát này tượng trưng cho núi Tu Di, nơi bảy con gái của Kabinlaphom thờ đầu cha mình trong truyền thuyết. Ngoài ra, còn lễ phóng sinh, các loài động vật như rùa, cá, cua, chim, lươn và các con vật nhỏ khác được phóng sinh. Người Lào ở đây tin rằng trong dịp Tết, ngay cả động vật cũng cần được tự do.

Trong ngày Tết, người Lào rất chú trọng tới việc ăn món lạp, đặc biệt là các doanh nhân. Trong tiếng Lào, “lạp” có nghĩa lộc. Lạp thường được làm bằng thịt gà, thịt vịt  hay thịt bò tươi sau đó đem trộn với gia vị. Trong mỗi gia đình, đặc biệt là những người làm nghề kinh doanh, món lạp thường được các đầu bếp làm rất công phu, vì nếu món này trong ngày Tết mà không ngon thì họ thường ví năm mới làm ăn có nhiều điềm xui.

Lễ hội Bunpimay của người Lào tại xã Krông Ana (huyện Buôn Đôn) là sự giao thoa văn hóa tạo nên nét đặc sắc cho bức tranh văn hóa đa sắc tộc trên mảnh đất cao nguyên Đắk Lắk. Mỗi dịp lễ Bunpimay diễn ra là nhận được sự hưởng ứng của các dân tộc khác trong vùng như Êđê, M’nông, Khmer, J’rai…, đặc biệt là người Thái vì là dân tộc có chung nguồn gốc, ngôn ngữ và nét văn hóa tương đồng với người Lào. Sự hưởng ứng đó thể hiện tình đoàn kết đặc biệt của các dân tộc cùng chung sống hòa hợp, gắn bó bên nhau.

Khăm Kẹo Tha Na Sủn Thon


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Búk chú trọng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Nhiều chương trình, dự án đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Krông Búk đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng ổn định kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.