Multimedia Đọc Báo in

Liên hoan Văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk: Niềm vui và nỗi trăn trở...

06:14, 04/12/2022

Liên hoan Văn hoá cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk lần thứ 2 - 2022 vừa khép lại với nhiều giải thưởng đã được trao. Nhìn lại kỳ liên hoan năm nay, đọng lại cả niềm vui và những điều trăn trở…

Nhiều tín hiệu vui

Điều đáng ghi nhận đầu tiên là sự tham gia đông đảo của các đoàn nghệ nhân (có đoàn tới 40 diễn viên) khiến phần phục dựng lễ hội trở nên rất sinh động, chân thật. Có thể thấy dù chỉ là trích đoạn, nhưng các lễ thức, lễ nghi, sinh hoạt buôn làng… đã được phục dựng gần như hoàn hảo. Không gian nhà dài, sân nhà rông, với những chiếc chiếu chia đôi chỗ ngồi cho hai bên nam nữ trong Lễ kết nghĩa anh em của đoàn huyện Krông Bông chân thật từ nghi thức đến lời dặn dò bằng văn vần (klei duê) của già làng; tiết mục phục dựng đám cưới của đoàn TP. Buôn Ma Thuột có cả sự trao đổi qua lại để đi tới nhất trí phần sính lễ của nhà gái; Lễ mừng lúa mới rộn ràng vòng xoang của đoàn huyện Cư M’gar… khiến người thưởng lãm có thể hình dung một cách rõ ràng thế nào là “môi trường diễn xướng” của lễ hội.

Ấn tượng tiếp theo là sự trình tấu đặc sắc của các dàn ching. Không hổ danh là các nghệ nhân ưu tú của buôn làng: tiếng ching knah (của Krông Bông), buôn Wieo (Krông Năng); ching Doi của Kon Hring (Cư M’gar); ching Arap buôn Tren (Ea H’leo); ching Jhô của những người mẹ Bih (Krông Ana) ; bài ching Hri Đai (của Krông Búk); đón khách (của M’Drắk); nghi lễ dạo đầu đón khách ăn lúa mới (Ea Súp), tiếng ching Bru Vân Kiều (Krông Pắc)… đĩnh đạc, trang trọng, không kém phần reo vui cất lên như khẳng định giá trị trường tồn của kiệt tác di sản đại diện cho nhân loại đã được UNESCO ghi danh vẫn đang được bảo lưu trong cộng đồng. 

Mừng nữa là tại liên hoan năm nay, những thành tố khác của không gian văn hóa như nhạc cụ tre nứa, dân ca, dân vũ có những tiết mục hồi cố làm xúc động tâm hồn, như điệu đing tut của các chị Krông Bông; arei đối đáp của M’Drắk; ching Kok của Krông Năng; Đing Drao của Ea H’leo; hát k’ứt theo lối mới của Krông Bông, TP. Buôn Ma Thuột; đàn t’rưng cổ, đàn ting ning, tấu klong và bài hát giao duyên Sê Đăng; các bài dân ca Ơ Yong Suach, A dơi kach kong của Jrai; hát ru, hát arei Êđê… đều được làm mới, với cả sự tham gia rộn ràng, náo nức của cộng đồng trên không gian mô phỏng nhà dài… trong không khí lễ hội dân gian đậm đặc. 

Không thể không nói đến đại diện duy nhất của cộng đồng các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc xuất hiện một cách độc đáo, đáng trân trọng trong liên hoan, đó là bài then cổ của dân tộc Tày “Thấu nạn thấu quang” được phục dựng một cách hoàn hảo, từ phần hát chính, hát múa phụ họa dọn đường lên trời, khẳng định cho danh xưng Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại của then cổ và đàn tính. 

Tiết mục biểu diễn của huyện Ea H'leo tại liên hoan. Ảnh: Hữu Hùng

Còn đó những băn khoăn

Đầu tiên là thể loại múa. Xoang là thành tố không thể thiếu trong các lễ hội của nhóm ngôn ngữ Môn – Khơmer vùng Bắc Tây Nguyên như J’rai, Bâhnar, Sê Đăng… Xuất phát từ lễ nghi dâng hiến hình thể cho các vị thần linh trong các lễ thức cầu cúng, xoang dần trở thành sinh hoạt đời thường của cộng đồng và không có nhiều động tác cố định, mà luôn là sự sáng tạo từ lao động sản xuất của những người phụ nữ. Người Êđê khác với một vài tộc người khi không có múa sinh hoạt, mà lại có múa định hình trong một vài lễ lớn, và cánh tay sẽ không bao giờ vượt quá đầu, vì trên đó là thần linh. Nếu các biên đạo sử dụng chất liệu Tây Nguyên trong múa dân gian hay đương đại của nghệ thuật quần chúng hoặc chuyên nghiệp thì không bàn tới, song nếu dùng trong các lễ nghi truyền thống thì nên tôn trọng tính trung thực của thể loại múa, kể cả múa hất chân cũng không có trong cúng tế dân gian Tây Nguyên.

Băn khoăn nữa là về tên gọi các bài ching, không biết do phiên âm từ tiếng dân tộc sang tiếng phổ thông bị sai lệch, hay tên gọi đã mất trong dân gian, nhưng các đoàn “làm khó” ban thẩm định khi phải xác định lại cho chính xác các bài ching Angin war (lẽ ra là tiếng gió thay vì làn sóng), hay Drei ea (tiếng thác nước - thay vì thác khói), chim Gurtuk (chim Kar Tung), Đing Klứt (Đinh Klướt), chim Jli lăm hum (thay vì đuổi chim ăn lúa)… Lễ chúc sức khỏe cho anh cả (thay vì cầu an)… và các thầy cúng hãy cứ dùng klei duê Êđê – Lời nói vần mà trình bày, sẽ có người dịch cho công chúng, hay hơn là dùng tiếng phổ thông không có duê – vần… Như vậy gốc của mình vẫn giữ được, cuộc sống mới vẫn tiếp thu.

Điều cũng cần phải nói, Đắk Lắk hiện nay có tới 49/54 dân tộc anh em khắp cả nước đang cùng chung sống và phát triển, sự tiếp biến văn hóa là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, làm thế nào để văn hóa các dân tộc anh em không "nhòe" vào nhau, vẫn gìn giữ được cốt lõi của chính mình? Điều này đòi hỏi sự thấu hiểu của lãnh đạo các địa phương, của cán bộ ngành văn hóa, quan trọng nhất là ý thức của cộng đồng. Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên không chỉ có chưng ching, mà còn là cả môi trường diễn xướng với nhà dài, nhà rông, trang phục, thậm chí là ẩm thực… Nên đừng để nghệ nhân phải thuê trang phục lòe loẹt tham gia biểu diễn, khi nghề dệt, nhạc cụ tre nứa, dân ca – dân vũ cũng nằm trong kho tàng di sản đại diện cho nhân loại.

Linh Nga Niê kdăm


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.