Multimedia Đọc Báo in

Sức sống mới của thổ cẩm

06:04, 21/01/2023

Trải qua bao thăng trầm, nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng đang tìm lại chỗ đứng của mình, tạo nên những sức sống mới trong cuộc sống hiện đại.

Đưa thổ cẩm vươn xa

Hiện nay, thổ cẩm không còn bị bó buộc vào phạm vi của tộc người hay một cộng đồng dân tộc thiểu số; không chỉ xuất hiện trong buổi lễ, sum họp, mà còn là chất liệu, là nguồn cảm hứng sáng tạo ở lĩnh vực thời trang, nội thất, quà tặng... được đông đảo người dân, khách hàng yêu thích và lựa chọn sử dụng trong cuộc sống.

Từ đó, có rất nhiều nhà thiết kế cả trong và ngoài nước nỗ lực đưa thổ cẩm vào đời sống; trong đó có những người con Tây Nguyên như Trung Beret (Đắk Lắk), Thông Bahnar (Kon Tum)..., họ đã “nối dài những cánh tay” đưa thổ cẩm Tây Nguyên vươn xa khắp mọi miền và vươn tầm thế giới. Đặc biệt, chính những người con của buôn làng, chủ thể của di sản văn hóa độc đáo này cũng đã biết tận dụng lợi thế đó để tạo sự chuyển mình cho thổ cẩm.

Chị H’Luin Adrơng và một sản phẩm thời trang từ thổ cẩm do chị thiết kế. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đầu tiên phải nói đến sự sáng tạo, khá nhiều những nghệ nhân, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) đã biết ứng dụng, đưa thổ cẩm vào các sản phẩm thời trang, phù hợp với nhu cầu của thị trường. Đơn cử như thương hiệu Thổ cẩm Luin TM của chị H’Luin Adrơng (buôn Jù, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột), được nhiều người yêu thích và lựa chọn, nhất là các bạn trẻ bởi sự hiện đại, cách tân nhưng vẫn giữ được nét đẹp truyền thống từ thổ cẩm. Ở tuổi 34, chị H’Luin là một nghệ nhân dệt vải truyền thống đã có hơn 15 năm kinh nghiệm trong nghề. Chị được kế thừa nghề truyền thống từ bà, mẹ, đến nay vẫn duy trì và đưa nó lên một tầm cao mới.

Cũng như nhiều nghệ nhân khác, H’Luin luôn đau đáu về việc tìm cho thổ cẩm một chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng, giúp nó có cơ hội phát triển để không bị mai một. Là một người trẻ, hiểu được nhu cầu, tâm lý người tiêu dùng, chị H’Luin vừa dệt thổ cẩm, vừa sử dụng sản phẩm đó để thiết kế ra những trang phục hợp thời trang như áo, váy, túi, đặc biệt là áo cưới bằng thổ cẩm… Nhờ sự độc đáo lại có tính ứng dụng cao, các sản phẩm này được khách hàng đặt và thường xuyên sử dụng trong cuộc sống từ đi chơi, đi làm hay dự tiệc.

Nhìn thấy khách hàng trân trọng, yêu thích những thiết kế, sản phẩm do mình làm ra, chị H’Luin cảm thấy hạnh phúc và tự nhủ sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc giữ gìn, sáng tạo và đưa thổ cẩm đi xa hơn.

Quảng bá và phát huy giá trị nhân văn 

Để đưa thổ cẩm vươn tầm xa hơn, ngoài sự sáng tạo mang đến những sản phẩm đẹp, chất lượng, còn là sự đồng hành, quảng bá, đưa sản phẩm gần hơn với công chúng.

HTX dệt thổ cẩm Tơng Bông (buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) là một điển hình của thành công trong khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống, tạo cho thổ cẩm có một chỗ đứng trong thị trường thông qua các hoạt động quảng bá, nâng giá trị sản phẩm. Trong đó, việc trình diễn, giới thiệu nghề dệt và các sản phẩm từ dệt thổ cẩm là một nội dung nằm trong chuỗi các hoạt động du lịch cộng đồng của buôn Tơng Jú.

Thông qua đó, du khách có thể tham quan, lắng nghe và tìm hiểu về thổ cẩm, về nét đẹp văn hóa ẩn sâu trong mỗi sản phẩm. Bên cạnh đó, các thành viên trong HTX luôn học hỏi, cải tiến mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm, tích cực giới thiệu tại các hội chợ trong nước và quốc tế...

Nghệ nhân giúp du khách trải nghiệm dệt vải tại HTX dệt thổ cẩm Tơng Bông.
 

“Để có thể phát huy giá trị của dệt thổ cẩm của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, có thể xây dựng các HTX, tổ hợp tác dệt thổ cẩm tại buôn, thôn thành điểm tham quan, phục vụ du khách và xem nghề dệt thổ cẩm là một sản phẩm du lịch; từ đó vừa có thể tạo đầu ra cho sản phẩm, vừa tạo điều kiện để nghệ nhân, người dệt được giao lưu, tìm hiểu thị hiếu khách hàng và khai thác những sáng tạo mới trong nghề…”.

 
NGUYỄN THỤY PHƯƠNG HIẾU,  Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Một điều quan trọng không kém để thổ cẩm có thể vươn xa, có sức sống vững bền là gắn bảo tồn, phát huy với việc tạo sinh kế cho người dân, bởi không phải ai cũng có điều kiện kinh tế để có thể sống và sáng tạo với thổ cẩm và nâng nó lên một tầm cao mới.

Ví như việc xây dựng nhà sàn làm nơi dệt thổ cẩm cho Tổ phụ nữ dệt thổ cẩm buôn Hra Ea Hning (xã Dray Bhăng, huyện Cư Kuin) của Hội Từ tâm Đắk Lắk. Buôn có 405 hộ với hơn 2.000 khẩu là người Êđê, nhưng có đến hơn 200 hộ thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Để vượt qua khó khăn, ngoài làm nông nghiệp, chị em phụ nữ còn khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

Tổ phụ nữ dệt thổ cẩm buôn Hra Ea Hning đã được thành lập, nhưng do không có chỗ để dệt tập trung, chỉ mượn tạm chỗ của một ngôi nhà trong buôn để làm việc, khá bất tiện nên hiệu quả không cao, thu nhập từ nghề dệt thổ cẩm dường như không đáng kể.

Biết được những khó khăn đó, Hội Từ tâm Đắk Lắk cùng với sự hỗ trợ của các mạnh thường quân đã xây tặng Tổ phụ nữ dệt thổ cẩm buôn cũng như nhóm phụ nữ nghèo buôn Hra Ea Hning một ngôi nhà sàn, giúp các chị có điều kiện thuận lợi hơn trong việc giữ gìn, phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống, tăng thu nhập và nâng cao mức sống.

Bằng những cách khác nhau, những người con buôn làng, những người trân trọng vốn văn hóa truyền thống đã chung tay “giữ lửa” nghề dệt thổ cẩm và tiếp nối nó trong một hành trình mới, xa hơn, rộng hơn và có sức sống vững bền.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.