Multimedia Đọc Báo in

Xử lý “vi rút tin giả” về dịch bệnh COVID-19

08:10, 09/08/2021

Vấn nạn “tin giả” về dịch bệnh COVID-19 trên các trang mạng xã hội đang gây khó khăn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh của chính quyền các cấp.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông đã ban hành 5 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các cá nhân vi phạm, với số tiền 25 triệu đồng.

Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh) đã mời 13 đối tượng đến làm việc vì đăng tải thông tin sai sự thật về COVID-19, xử phạt với số tiền 12,5 triệu đồng.

Cán bộ Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao làm việc với một đối tượng vi phạm đăng tin sai sự thật về dịch COVID-19.

Hiện nay vấn đề xử lý tin giả cũng đang còn nhiều khó khăn. Theo ông Nguyễn Công Bẩy, Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông, đến thời điểm hiện tại, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định để xử lý mọi hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng nói chung và tình hình dịch bệnh COVID-19 nói riêng (xử lý hành chính hoặc hình sự) là đủ để các cơ quan có thẩm quyền áp dụng.

UBND tỉnh vừa ban hành Văn bản số 6833/UBND-KGVX quy định phát ngôn và tăng cường xử lý tin giả, tin sai sự thật về COVID-19. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu thường xuyên theo dõi nắm bắt thông tin, nhất là trên không gian mạng về công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại cơ quan, đơn vị, địa phương để xử lý, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, bức xúc của người dân, doanh nghiệp. Giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường theo dõi, rà quét, phát hiện, xử lý kịp thời tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, để phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, việc bổ sung, sửa đổi, hợp nhất một số văn bản quy phạm pháp luật là điều cần thiết. Ngoài ra, khó khăn cần tháo gỡ là một số đối tượng đã sử dụng sim rác, email rác để đăng ký tài khoản Facebook, Zalo… hoặc trên các mạng xã hội khác, làm mất nhiều thời gian để xác minh, làm rõ và xử lý vi phạm. Một khó khăn nữa là một số chủ tài khoản đã đăng tải, chia sẻ thông tin bị lọt, lộ từ chính các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp (ví dụ như danh sách người bị nhiễm COVID-19 do cấp dưới báo cáo lên cấp trên bao gồm đầy đủ họ và tên, nơi cư trú…).

Những thông tin này là thông tin thật nhưng khi đăng lên mạng xã hội đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, danh dự của tổ chức, cá nhân và cũng chưa có chế tài xử lý cụ thể.

Theo Trung tá Nguyễn Huy Nam, Trưởng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh), đa số vụ việc đều xử lý theo hình thức mời cá nhân lên cơ quan công an giải thích lỗi vi phạm, yêu cầu họ cam kết không tái phạm và chỉ số ít vụ việc bị xử phạt hành chính. Để giải quyết tình trạng này, song song với việc xử lý thật nghiêm, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân trong việc nhận diện, cẩn trọng khi chia sẻ, bình luận thông tin trên mạng xã hội.

Kim Bảo


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.