Multimedia Đọc Báo in

Bộ đội căng mình giúp nhân dân vùng lũ

08:58, 19/10/2021

Đêm 16 rạng sáng 17-10, mưa lớn kéo dài, hồ Ea Súp thượng, Ea Súp hạ xả lũ khiến nhiều tuyến đường, khu dân cư, khu vực trũng thấp thuộc các thôn Vùng, Án, Của, Trung (xã Ia Lốp) và các thôn 7, 8, 9, 14 (xã Ia R’vê, huyện Ea Súp) bị ngập sâu, gây ách tắc giao thông, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt, tính mạng, tài sản của hàng trăm hộ dân trên địa bàn.

Mặc mưa to, gió lớn, nước lũ dâng cao, gần 30 cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế quốc phòng (KTQP) 737 cùng nhiều phương tiện cứu hộ, cứu nạn đã kịp thời có mặt tại các “điểm nóng”, phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng tích cực vận động, di dời, sơ tán nhân dân đến nơi tránh trú an toàn.

Tại xã Ia R’vê, nhiều nơi nước ngập sâu đến 3 - 4m, các tuyến đường liên thôn, liên xã bị chia cắt hoàn toàn. Giữa mênh mông biển nước, dưới sự chỉ huy của Đại tá Nguyễn Thế Thái, Đoàn trưởng Đoàn KTQP 737, chỉ trong một buổi sáng, bộ đội đã tìm kiếm, di dời được 29 người dân cùng nhiều tài sản, vật nuôi từ các khu vực trũng thấp đến nơi sơ tán. Nhiều trường hợp, do đường cơ động bị cành cây, dây điện căng ngang, ca nô không thể tiếp cận hiện trường, lực lượng cứu hộ phải trực tiếp bơi vào, dùng áo phao, phao bơi, đưa bà con ra.

Lực lượng cứu hộ Đoàn Kinh tế quốc phòng 737 sơ tán người dân vùng lũ đến nơi sơ tán. Ảnh: Hoàng Nguyên

Tại khu vực thôn Của (xã Ia Lốp), sau khoảng 4 giờ tìm kiếm, các chiến sĩ lần lượt đưa được 8 người dân đang bị mắc kẹt trong các lán trại chăn nuôi, sản xuất cạnh bờ sông Ea H’leo đến nơi sơ tán.

Ngồi trên xuồng cứu hộ, bà Nguyễn Thị Thơi (69 tuổi) chia sẻ: “Chiều tối qua, nghe bộ đội thông báo thủy điện chuẩn bị xả lũ, đề nghị mọi người khẩn trương sơ tán đến nơi tránh trú, song vì lấn cấn chuyện heo gà, thóc lúa, vợ chồng tôi chưa thể đi ngay. Nào ngờ nửa đêm, nước đột ngột dâng cao khiến căn lán chìm trong biển nước. May có các chú bộ đội đến cứu kịp thời, nếu không chẳng biết sẽ ra sao”.

 

“Bằng tình cảm, trách nhiệm của mình, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị còn nhường phòng, nhường giường, bố trí chu đáo nơi ăn, chốn nghỉ cho bà con". 

Đại tá Nguyễn Thế Thái

Vì nghĩ chòi canh rẫy nằm ở khu vực cao ráo nên lần này, dù được cấp ủy, chính quyền địa phương thông báo sớm song ông Lê Văn Tới (67 tuổi, trú thôn Của, xã Ia Lốp) vẫn chủ quan trong việc tìm nơi tránh trú. Tờ mờ sáng, thấy nước lũ lên nhanh, ông mới vội vàng thu xếp đồ đạc, tìm cách trở về nhà. Tuy nhiên mới đi được một đoạn, đến chỗ ngập sâu, xe bất ngờ chết máy, ông Tới bị lũ cuốn ra xa. Phát hiện sự việc, lực lượng cứu hộ nhanh chóng tiếp cận hiện trường, cứu được ông Tới trong tình thế “nghìn cân treo sợi tóc”.

Đại tá Nguyễn Thế Thái cho biết: Đoàn KTQP 737 đứng chân trên địa bàn các xã biên giới, có địa hình trũng thấp nên hầu như năm nào cũng xảy ra tình trạng ngập úng, lũ lụt cục bộ. Để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do mưa lũ gây ra, đơn vị luôn chú trọng làm tốt công tác dự báo, dự lường, chuẩn bị chu đáo lực lượng, phương tiện, vật chất dự trữ để sẵn sàng cơ động cứu hộ, sơ tán nhân dân.

Hiện nay, tất cả các đội sản xuất nằm trong khu vực có nguy cơ ngập úng đều được trang bị ca nô, sào, phao cứu sinh, xăng dầu dự trữ và có lực lượng ứng trực 24/24 giờ. Chính vì vậy, khi nhận được tin báo về việc người dân đang mắc kẹt trong những ngôi nhà, chòi canh rẫy bị ngập sâu, bộ đội đã kịp thời có mặt, sơ tán được toàn bộ bà con đến nơi tránh trú an toàn.

Hà Lê


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.