Multimedia Đọc Báo in

Chuyện người dân buôn Par nỗ lực vươn lên

06:41, 05/10/2022

Sống trên mảnh đất tương đối trù phú, nhưng suốt một thời gian dài, người dân buôn Par (xã Cư Prao, huyện M'Drắk) vẫn đối mặt với cái đói, cái nghèo. Song chừng ba năm trở lại đây, đời sống của người dân trong buôn đã có nhiều khởi sắc, dấu hiệu của cuộc sống khá giả đã bắt đầu nhen nhóm.

Gắn bó với buôn làng từ khi sinh ra, anh Ydhun Mlô (hiện là Trưởng buôn Par) đã chứng kiến bao đổi thay trong đời sống của bà con nơi đây. Anh Ydhun cho hay, suốt quãng thời gian dài, dù chỉ cách trung tâm huyện M'Drắk tầm 20 km nhưng người dân buôn Par vẫn "tự cung, tự cấp" là chính. Con gà, con heo nuôi lên, hạt bắp, hạt lúa làm ra... bà con cũng chỉ dùng trong nhà, trao đổi với hàng xóm hay cùng lắm thì trao đổi hàng hóa cho những người buôn hàng rong. Sở dĩ như thế là vì phong tục tập quán làm ăn của bà con đã hằn sâu. Và quan trọng hơn nữa là tâm lý "ỷ lại" vào sự hỗ trợ của Nhà nước, của các tổ chức đoàn thể xã hội đã "đè nặng" nên bà con không muốn thay đổi. Điều này thể hiện rõ ở sự "an nhàn" trong mỗi nếp nhà nơi đây. Dù sống trong những căn nhà tranh xập xệ lúc nào cũng chực đổ mỗi khi có cơn gió mạnh, nhưng người dân vẫn "bình chân như vại", không lo nghĩ nhiều đến cuộc sống trước mắt cũng như lâu dài.

Ấy vậy mà chỉ trong khoảng hơn ba năm trở lại đây, tất cả đã thay đổi. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước trong xây dựng hạ tầng điện, đường, trường, trạm; sự hỗ trợ vốn làm ăn của các tổ chức tín dụng và nhất là công tác tuyên truyền của các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể đã được bà con tiếp thu.

Như ông Nguyễn Tăng Liêm, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Prao chia sẻ thì suy nghĩ của bà con buôn Par đã “thay đổi 180 độ”, tư duy làm kinh tế của người dân ở đây gần như đã thay đổi hoàn toàn. Họ biết tận dụng lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng để có phương án chăn nuôi, trồng trọt phù hợp hơn. Và điều đáng mừng là bà con đã biết làm ăn theo kiểu "làm kinh tế" chứ không đơn thuần là “làm ra cái để ăn”.

Chẳng hạn như trồng trọt, bà con không chỉ trồng ngô, lúa mà đã phát triển trồng keo lấy gỗ được vài năm nay. Hay chăn nuôi, giờ họ  không chỉ nuôi vài con gà, con heo quanh quẩn bên sàn nhà mà còn phát triển chăn nuôi bò. Riêng chuyện nuôi bò cũng đã khác trước rất nhiều, người dân không còn chăn nuôi theo kiểu thả rông, con bò lớn được sao thì lớn mà đã biết trồng cỏ, chăn nuôi tập trung, và giống bò cũng đã được lai hóa dần để vừa tăng năng suất, nâng cao giá trị kinh tế, vừa giúp bò tăng khả năng chống chịu bệnh tật. Hay như chuyện trồng trọt, sau khi khai thác cây keo, bà con không cho đất “nghỉ” mà trồng sắn ngay trong thời gian kiến thiết keo, nhờ vậy đã tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.

Chăn nuôi bò đang là hướng phát triển kinh tế được nhiều hộ dân ở buôn Par (xã Cư Prao, huyện M'Drắk) thực hiện hiệu quả. 

Từ sự thay đổi tư duy cùng những kết quả bước đầu có được, bà con trong buôn đã cùng nhau mạnh dạn phát triển sản xuất. Điều này thấy rõ nhất trong chuyện vay ngân hàng khi người dân “dám vay” và ngân hàng “dám cho vay”. Có được như thế là nhờ bà con buôn Par đã biết thay đổi tư duy sử dụng đồng vốn. Trước đây, mỗi nhà chỉ dám vay ngân hàng 5 - 10 triệu đồng, chủ yếu để giải quyết khó khăn trước mắt; thì giờ đây họ mạnh dạn vay đến cả trăm triệu đồng để đầu tư sản xuất - kinh doanh. Từ nguồn vốn ngân hàng, họ đã mua bò giống để phát triển chăn nuôi; cải tạo đất, mua cây giống để phát triển rừng keo của gia đình. Nhờ đó, trong buôn hầu như nhà nào cũng nuôi bò, nhà ít thì 1 - 2 con làm “lưng vốn”; nhà nhiều bò nhất buôn như hộ ông Y Dhok Niê có đến 17 con bò.

Trưởng buôn Par Ydhun Mlô tự hào khoe, nhờ biết làm kinh tế, đời sống của bà con trong buôn đã được nâng lên đáng kể; diện mạo buôn Par cũng thay đổi nhiều, nhà xây, mái ngói đang xuất hiện ngày càng nhiều, thay thế cho những nếp nhà tranh vách nứa. Điều đáng mừng nữa là khi cuộc sống dần được nâng lên thì bà con cũng biết lo cho thế hệ tương lai. Các cháu nhỏ giờ không chỉ được cha mẹ cho đi học ở điểm trường đầu buôn mà nhiều cháu còn được đi học tận ngoài thị trấn M’Drắk.

Có thể thấy, cùng sự hỗ trợ của Nhà nước, sự thay đổi tư duy làm ăn, mạnh dạn “khởi nghiệp” trên mảnh đất buôn làng mình, người dân buôn Par nay chưa giàu nhưng không còn nghèo khổ như trước nữa. Như Phó Chủ tịch UBND xã Cư Prao Nguyễn Tăng Liêm tin tưởng, với “đà” này, không lâu nữa bà con nơi đây sẽ thoát được cái nghèo và chắc chắn sẽ vươn lên có của ăn của để trong tương lai gần..

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.