Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ mô hình hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

07:52, 14/10/2022

Thời gian qua, triển khai thực hiện Đề án “Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, phát triển kinh tế nhằm nâng cao đời sống, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc (giai đoạn 2022 – 2026”, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã triển khai một số mô hình hỗ trợ phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh và bước đầu mang lại những hiệu quả tích cực.

Ở buôn Yang Reh, xã Yang Reh (huyện Krông Bông), mọi người trong buôn đều biết về hoàn cảnh khó khăn của bà H’Brơi M’lô (SN 1965). Gia đình bà H’Brơi có 5 sào đất nhưng toàn đất sỏi, cát pha đá, mùa khô thường xuyên thiếu nước khiến cây trồng không thể sinh trưởng và phát triển.

Cả gia đình chỉ trông chờ vào một sào lúa, chăn nuôi nhỏ lẻ. Cách đây 2 năm, chồng bà H’Brơi bị bệnh nặng, bao nhiều tài sản đều bán lấy tiền chữa trị cho chồng nên khó khăn càng chồng chất.

Mô hình trồng dứa do Đội công tác số 2 Ban Dân vận Tỉnh ủy hỗ trợ bà H’Brơi.

Thấu hiểu hoàn cảnh cùng với đề xuất của Đội công tác số 2, Ban Dân vận Tỉnh ủy thực hiện mô hình hỗ trợ vật nuôi, cây trồng trong phát triển kinh tế nhằm giúp hộ bà H’Brơi vượt qua khó khăn.

Theo đó, thành viên đội công tác Ban Dân vận đã quyên góp vốn và tặng gia đình bà H’Brơi một cặp heo sinh sản; giống mít Thái, dứa và thăng long ruột đỏ. Đến nay, đội đã hỗ trợ gia đình bà H'Brơi trồng được 20 cây mít Thái, hơn 300 cây dứa và 40 giống thăng long ruột đỏ.

Anh Y Winh Knul, thành viên đội công tác Ban Dân vận chia sẻ, không chỉ hỗ trợ về vật nuôi, cây trồng, mọi thành viên trong đội cũng thường xuyên xuống hướng dẫn và trực tiếp hỗ trợ bà H’Brơi chăm sóc đúng khoa học, kỹ thuật nên cây trồng hiện nay đều sinh trưởng, phát triển tốt. Riêng cặp heo sinh sản sinh trưởng tốt, đến nay đẻ 5 cặp heo con, bà H’Brơi đã bán thu về gần 20 triệu đồng.

Mô hình hỗ trợ vật nuôi, cây trồng ở xã Yang Reh là một trong ba mô hình mà Ban Dân vận Tỉnh ủy đang triển khai thí điểm trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Các mô hình này là một phần của Đề án 07-ĐA/TU, ngày 25/3/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, phát triển kinh tế nhằm nâng cao đời sống, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc giai đoạn 2022 – 2026”.

Cặp heo sinh sản tốt mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho bà H'Brơi.

Đồng chí H’Kim Hoa Byă, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết, các mô hình phát triển kinh tế nhằm hỗ trợ đồng bào DTTS lựa chọn cây giống, con giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thức ăn chăn nuôi trong quá trình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; nhất là linh hoạt trên một diện tích nhỏ từ 1 đến 3 sào, góp phần cho thu nhập bền vững.

Các mô hình thực hiện đều được đội công tác của Ban Dân vận tùy vào tình hình, điều kiện thực tế tại địa phương để có phương pháp làm hiệu quả nhất gắn với việc điều kiện phát triển kinh tế cụ thể của từng hộ gia đình.

Trong thời gian tới, Ban Dân vận Tỉnh ủy sẽ đánh giá kết quả thực hiện, những mô hình đạt hiệu quả sẽ được nhân rộng ở những địa bàn khó khăn để tiếp tục hỗ trợ bà con xóa đói, giảm nghèo.

Ban Dân vận Tỉnh ủy đang tập trung triển khai hiệu quả Đề án 07 nhằm từng bước xóa bỏ dần tập quá sản xuất lạc hậu, thay đổi phương thức sản xuất; hỗ trợ đồng bào DTTS tiếp cận và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao đời sống, phát triển kinh tế, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc, thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII…

Gia Bảo


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.