Multimedia Đọc Báo in

Bước chuyển mình ở vùng căn cứ cách mạng

06:18, 02/01/2023

Là xã căn cứ H9 (huyện Krông Bông), Yang Mao hiện có 1 thôn người Kinh và 6 buôn đồng bào Êđê, M’nông với 1.199 hộ, 5.613 khẩu. Để giúp người dân thoát nghèo vươn lên phát triển kinh tế, Đảng bộ, chính quyền xã Yang Mao đã triển khai nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả.

Chuyển đổi cây trồng phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế cao là mục tiêu được xã Yang Mao ưu tiên đặt lên hàng đầu. Vì vậy, diện tích đất canh tác gần 3.000 ha trước đây chủ yếu trồng ngô lai, sắn hoặc bị bỏ hoang nay đang được nhiều hộ dân dần chuyển sang trồng các loại cây mới phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng và có hiệu quả kinh tế cao hơn. Trong đó, bà con trên địa bàn xã đã san ủi hơn 200 ha đất ở vùng trũng thấp, gần nguồn nước cải tạo thành ruộng hai vụ lúa, lợi nhuận gấp từ 1,5 - 2 lần trồng sắn. Chị H'Drăc Mdrang ở buôn Mnăng Tar phấn khởi chia sẻ: “Gia đình mình có 4 sào đất thấp, trước đây trồng ngô lai mỗi năm chỉ thu được hơn 5 triệu đồng. Từ khi cải tạo thành ruộng lúa, mỗi năm làm được hai vụ cho thu nhập gần 20 triệu đồng. Thời gian tới gia đình mình tiếp tục cải tạo 2 sào đất trồng sắn để chuyển sang làm lúa”.

Với diện tích hơn 40 ha lúa nước 2 vụ, đồng bào Mnông ở buôn Tul đã không còn lo thiếu lương thực.

Nhiều loại cây ăn trái như sầu riêng, mít Thái, chôm chôm Thái, mãng cầu... được bà con đưa vào trồng xen trong vườn cà phê đem lại lợi nhuận kinh tế cao. Một số hộ ở các buôn Kiều, buôn Hằng Năm vụ vừa qua mạnh dạn trồng 14,5 ha ngô giống, cho lợi nhuận gấp 2 - 3 lần so với trồng ngô lai thường. Bên cạnh đó, các loại cây trồng như: dứa đồi, keo lá tràm, mắc ca đã được bà con xã Yang Mao đưa vào trồng trên đất đồi dốc, bước đầu cho thấy hiệu quả kinh tế khả quan. Như gia đình ông Y Nguyên Byă (ở buôn Kiều) có gần 2 ha cà phê; từ năm 2016, mỗi năm ông đưa vào trồng xen mấy chục cây mắc ca, đến nay đã có tổng số hơn 200 cây. Năm vừa qua, có 20 cây cho thu bói mang lại thu nhập thêm số tiền 20 triệu đồng. Thấy trồng mắc ca đem lại hiệu quả kinh tế nên người dân các buôn Kiều và buôn Hằng Năm trồng mới hơn 4.000 cây.

Lớp truyền dạy đánh chiêng Kram tại xã Yang Mao. 

Việc lai giống đàn bò cũng đang được nhiều hộ dân ở Yang Mao nhân rộng. Toàn xã hiện có 2.562 con bò, phần lớn là bò vàng. Vừa qua cấp trên đã hỗ trợ 5 con bò đực giống lai chuyên thịt (BBB) giao cho 5 hộ dân quản lý, một số hộ cũng đã tự bỏ vốn mua thêm bò đực lai về nuôi nhốt và thả giống lai tạo.

Từ nguồn vốn tài trợ của các nhóm thiện nguyện, 50 hộ đồng bào M'nông ở buôn Tar đã có nước sạch để dùng từ công trình nước giếng khoan với bể lọc kết nối đến từng hộ, trị giá gần 200 triệu đồng; nhóm thiện nguyện ở TP. Hồ Chí Minh đầu tư dự án “Ngôi làng hạnh phúc” cho cụm dân cư 30 hộ ở buôn Kiều gồm công trình nước sạch tự chảy, đường điện chiếu sáng, nhà vệ sinh công cộng, thư viện cộng đồng, hỗ trợ 2 vạn cây ca cao, mít giống, mở lớp dạy sử dụng nhạc cụ truyền thống cho trẻ em, trồng cây hoa dọc đường buôn tổng trị giá hàng tỷ đồng để xây dựng nơi đây thành cụm dân cư du lịch.

Là vùng căn cứ cách mạng với nhiều lợi thế về thiên nhiên, Yang Mao xác định xây dựng địa phương trở thành điểm du lịch sinh thái, du lịch về nguồn nên những năm gần đây, văn hóa truyền thống rất được quan tâm. Nhiều lễ hội của người M'nông, Êđê được tổ chức và phục dựng; mở nhiều lớp dạy cồng chiêng; nhà sàn, nghề dệt thổ cẩm, nghề đan gùi được bảo tồn; nhiều thác nước, cầu treo, đồi đá tự nhiên được gìn giữ nguyên sơ.

Nhiều gia đình người Êđê, M'nông ở xã Yang Mao còn giữ được những nếp nhà sàn truyền thống.

Hai năm qua, mỗi năm xã Yang Mao giảm được 4% hộ nghèo, tăng 1 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đồng chí Trần Thế Thành, Bí thư Đảng ủy xã Yang Mao cho biết: “Địa phương tổ chức cho người dân đi tham quan, học hỏi những mô hình trồng trọt, chăn nuôi về áp dụng, bước đầu đã đem lại hiệu quả và đang được nhân rộng. Thời gian tới, xã tiếp tục tăng cường đội ngũ cán bộ, đảng viên xuống các buôn giúp bà con thay đổi dần cách nghĩ, cách làm; động viên bà con tận dụng tối đa sức lao động, phát triển kinh tế để thoát nghèo. Đồng thời, quan tâm bảo tồn các hoạt động văn hóa truyền thống, xây dựng nông thôn mới trên quê hương căn cứ cách mạng”.

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.