Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao kiến thức và thực hành chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em

06:17, 08/01/2023

Chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ sơ sinh ngay từ giai đoạn chuẩn bị mang thai đến khi sinh con, chăm con là một quá trình cần có kiến thức và sự quan tâm đúng mức để trẻ sinh ra được khỏe mạnh, phát triển bình thường.

Tuy nhiên, tại những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn, kiến thức và thực hành về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em còn hạn chế khiến tỷ lệ tử vong mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ suy dinh dưỡng vẫn còn cao.

Khi mang thai đứa con đầu lòng, chị Lục Thị L. (28 tuổi, ở thôn 6, xã Cư Kbang, huyện Ea Súp) có rất ít kiến thức về chăm sóc sức khỏe cho thai phụ. Trong suốt thai kỳ, chị và gia đình sinh sống trên căn chòi trong rẫy, cách nhà hơn 10 km; ăn uống không đủ chất dinh dưỡng và làm việc nặng nhọc cho đến tận ngày sinh. Do không đi khám thai định kỳ nên chị L. không biết ngày dự sinh của mình để chuẩn bị. Thời điểm chuyển dạ, chị L. không kịp đến cơ sở y tế và phải sinh con tại chòi rẫy.

Chị L. nhớ lại: “Lúc đau bụng chuyển dạ thì em đang ở trong rẫy, chồng đi làm xa, có mỗi mẹ chồng ở nhà nhưng bà lại không biết đi xe máy nên mẹ quyết định cho em sinh ở nhà và nhờ mụ trong làng đến đỡ. Sau sinh mấy ngày thì bé nhà em bị sốt, rốn chảy nước, nổi mụn nên em đưa cháu đến trạm y tế khám”.

Bé con của chị hay khóc đêm, biếng ăn, sức khỏe yếu và chậm phát triển hơn các trẻ cùng trang lứa. Rút kinh nghiệm từ lần sinh nở đầu tiên, lại được cộng tác viên y tế thôn tuyên truyền, giải thích về việc chăm sóc sinh dưỡng, vận động khi mang thai và đặc biệt là sự nguy hiểm của việc sinh con tại nhà nên ở lần mang thai thứ hai này, chị L. không lên rẫy nữa mà chỉ làm việc nhẹ nhàng ở nhà và chú ý đi khám thai định kỳ. Đến nay, sau 6 tháng thai kỳ, chị đã tăng được 6 kg, cả hai mẹ con đều khỏe mạnh.

Tuyên truyền, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em tại xã Cư Kbang, huyện Ea Súp. Ảnh: Quang Nhật

Trường hợp khác là chị Hoàng Thị T. (32 tuổi, cùng ở thôn 6, xã Cư Kbang, huyện Ea Súp) đang mang thai con đầu lòng được hơn 3 tháng nhưng người rất gầy, yếu. Sau khi đi siêu âm biết mình có thai ở tuần thứ sáu. Chị bị nghén nên không ăn uống được nhiều. Ngoài ra, mẹ chồng còn bắt chị phải kiêng khem nhiều thứ nên chị càng khó ăn hơn. Chị T. còn phải duy trì theo phong tục xưa là bà bầu không ăn rau xanh, không ăn canh và phải làm việc nhiều để dễ sinh. Ăn uống không đủ chất dinh dưỡng lại phải lao động vất vả nên chị T. không tăng cân sau 3 tháng mang thai.

Cư Kbang là một trong những xã nghèo của huyện Ea Súp, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 80% dân số. Đời sống kinh tế khó khăn nên người dân, nhất là phụ nữ và trẻ em không có nhiều điều kiện chăm sóc sức khỏe. Chị Lục Thị Hoa làm cộng tác viên y tế thôn 6, xã Cư Kbang đã hơn 10 năm. Chị cho biết việc tuyên truyền, vận động nhân dân về chăm sóc sức khỏe phụ nữ mang thai rất khó khăn vì các gia đình thường đi làm ăn xa, hết mùa vụ mới trở về nhà. “Đa số phụ nữ mang thai ở địa phương chưa chú trọng về chế độ dinh dưỡng. Họ vẫn phải lao động nặng nhọc trên nương rẫy cho đến ngày sinh. Không được khám thai định kỳ, không biết ngày dự sinh nên nhiều trường hợp phải sinh con tại nhà, tại rẫy, rất nguy hiểm. Gần đây, nhờ được tăng cường tuyên truyền, vận động và sự phổ biến của các phương tiện truyền thông nên nhận thức của bà con cũng đang dần thay đổi”, chị Hoa cho biết.

Cộng tác viên y tế xã Cư Kbang, huyện Ea Súp hướng dẫn người dân cách chăm sóc sức khoẻ. Ảnh: Quang Nhật

Bác sĩ Hoàng Ngọc Anh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) nhấn mạnh, vai trò của cán bộ y tế trong việc tiếp cận, tuyên truyền nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em cho người dân ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất quan trọng. Ngoài hướng dẫn chế độ ăn uống đủ chất dinh dưỡng, lao động, nghỉ ngơi hợp lý, cần vận động các bà mẹ đi khám thai định kỳ, nhất là vào những tháng cuối thai kỳ để chủ động cho việc sinh nở. Nhiều trường hợp không biết ngày dự sinh hoặc không nhận biết sớm các dấu hiệu chuyển dạ, trong khi nhà ở xa cơ sở y tế nên buộc phải sinh con tại nhà và tình trạng này vô cùng nguy hiểm cho cả mẹ và con. Tai biến sản khoa thường gặp nhất đối với bà mẹ là băng huyết và nhiễm trùng hậu sản; trẻ có nguy cơ cao bị uốn ván sơ sinh. Cả hai trường hợp này nếu không được cấp cứu, điều trị kịp thời đều sẽ dẫn đến tử vong.

Theo thống kê trong 9 tháng năm 2022, toàn tỉnh có 22.967 phụ nữ sinh con, trong đó có 310 trường hợp sinh tại nhà, 107 trường hợp gặp tai biến sản khoa và 9 trường hợp tử vong mẹ.

Thu Huế - Mỹ Hạnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.