Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực giảm tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ em

10:40, 28/04/2024

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, Đắk Lắk là một trong các tỉnh có tỷ lệ tử vong mẹ khá cao. Trong ba năm 2021 - 2023, toàn tỉnh ghi nhận 21 trường hợp tử vong mẹ; nguyên nhân tử vong chủ yếu là băng huyết sau sinh.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Linh, Phó Trưởng khoa Sức khỏe sinh sản - CDC Đắk Lắk, nguyên nhân là do còn nhiều bà mẹ và trẻ sơ sinh chưa được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em bởi những khó khăn về kinh tế, phong tục, văn hóa và thiếu kiến thức.

Thực tế chứng minh tỷ lệ trẻ tử vong dưới 1 tuổi thường liên quan nhiều đến các yếu tố dinh dưỡng, chăm sóc bà mẹ khi mang thai và sinh nở.

Đồng thời, các tập quán chăm sóc lạc hậu của đồng bào dân tộc thiểu số với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai (tập quán tự sinh con tại nhà, cắt rốn trẻ sơ sinh bằng vật dụng chưa được khử trùng, thiếu kiến thức chăm sóc trẻ sơ sinh...) cũng khiến tỷ lệ tử vong cao ở trẻ sơ sinh.

Mặt khác, nạn tảo hôn vẫn còn diễn ra, việc kết hôn, sinh con sớm khi chưa phát triển hoàn thiện về mặt tâm sinh lý có thể gây ra nhiều hệ lụy như: Đẻ non, thai nhi kém phát triển, suy dinh dưỡng, thể trạng yếu... dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Cán bộ y tế hướng dẫn cho y tế thôn bản các bước chuyển tuyến cấp cứu sơ sinh. Ảnh: Quang Nhật

Bên cạnh đó, các cơ sở y tế thiếu nhân lực chuyên môn sản, nhi, gây mê hồi sức…; thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị và năng lực còn hạn chế về cấp cứu sản khoa, sơ sinh trong sàng lọc, phát hiện dấu hiệu nguy hiểm, chuyển tuyến, chẩn đoán, tiên lượng và xử trí các trường hợp... 

Nhằm tăng cường các hoạt động chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, giảm tỷ lệ tử vong đối với bà mẹ và trẻ em, trong thời gian qua, ngành y tế đã triển khai đến 100% các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh thực hiện thường quy quy trình chăm sóc thiết yếu bà mẹ, trẻ sơ sinh sau đẻ, sau mổ lấy thai; tổ chức tập huấn, cập nhật nâng cao kiến thức, kỹ năng thực hành cho cán bộ y tế các tuyến…

Cùng với đó, triển khai Tuần lễ thế giới nuôi con bằng sữa mẹ và Tuần lễ làm mẹ an toàn nhằm giới thiệu, quảng bá rộng rãi hơn về lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em như khám thai định kỳ, quản lý thai nghén và giới thiệu chi tiết các cơ sở cung cấp các dịch vụ dự phòng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em sẵn có tại địa phương...

Về dinh dưỡng cho trẻ, ngành y tế cũng đã tiến hành khảo sát ban đầu mô hình dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời tại 22 xã thuộc khu vực III trên địa bàn tỉnh; đồng thời giám sát hỗ trợ chuyên môn chăm sóc sức khỏe sinh sản tại 9 bệnh viện trong và ngoài công lập, 15/15 trung tâm y tế huyện và các trạm y tế xã trên địa bàn tỉnh. Nội dung giám sát tập trung vào việc thực hiện hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và các quy định chuyên môn kỹ thuật khác của Bộ Y tế.

Bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Linh cho biết, thời gian tới, CDC tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật cho cán bộ y tế làm công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; tăng cường và nâng cao chất lượng các dịch vụ truyền thông, tư vấn, chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc thiết yếu bà mẹ và trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ thường/mổ đẻ.

Song song đó, sẽ đẩy mạnh việc triển khai các hoạt động chương trình chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời; khám sức khỏe định kỳ cho trẻ dưới 24 tháng tuổi…; chỉ đạo, giám sát hoạt động in cấp sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em cho các đối tượng miễn phí trên địa bàn tỉnh.

Khi mang thai, các thai phụ nên đến cơ sở y tế thăm khám thai định kỳ. Ảnh: Quang Nhật

Đặc biệt, đẩy mạnh hoạt động truyền thông cho người dân biết lợi ích và cách sử dụng sổ theo dõi (bao gồm cả phiên bản sổ giấy và sổ điện tử) để theo dõi sức khỏe cho phụ nữ trong thời gian mang thai và nuôi con nhỏ cũng như duy trì tốt công tác tiêm chủng mở rộng, phòng chống các bệnh truyền nhiễm, quản lý thai nghén.

Quản lý, điều trị những trường hợp trẻ suy dinh dưỡng cấp tính nặng, phòng, chống suy dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em, trong đó đẩy mạnh việc nuôi con bằng sữa mẹ.

Tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy chế chuyển tuyến cấp cứu sản khoa và sơ sinh, kịp thời chấn chỉnh việc thực hiện quy trình dự phòng, phát hiện, và xử trí cấp cứu sản khoa và sơ sinh ở tất cả các cơ sở y tế, đặc biệt quy chế phối hợp giữa các chuyên ngành sản, nhi và hồi sức cấp cứu ở từng cơ sở y tế có đỡ đẻ, bao gồm cả các cơ sở y tế ngành, y tế tư nhân.

Bên cạnh đó, CDC cũng sẽ tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng và thực thi đầy đủ các chính sách đãi ngộ đối với cô đỡ thôn, bản, nhằm hỗ trợ, động viên cho đội ngũ này yên tâm công tác, tiếp tục cống hiến.

Ngọc Lan - Mai Lê


Ý kiến bạn đọc