Multimedia Đọc Báo in

Không chủ quan với bệnh lao xương khớp

06:44, 05/06/2022

Lao xương khớp là bệnh của hệ thống xương khớp do vi khuẩn lao gây ra, bệnh có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào và là một trong những dạng bệnh lao nguy hại nhất, nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời sẽ gây tàn phế các xương khớp, để lại di chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh.

Lao xương khớp là tình trạng nhiễm khuẩn của hệ thống xương khớp do trực khuẩn lao có tên là Mycobacterium tuberculosis gây ra, được coi là bệnh lao thứ phát do vi khuẩn lao từ phổi hoặc hệ tiêu hóa đi theo đường máu hoặc bạch huyết đến khu trú tại một bộ phận nào đó trong hệ xương khớp. Vi khuẩn lao tấn công và thường gây bệnh ở các xương khớp chịu trọng lực lớn như khớp háng, khớp gối và cột sống.

Ông Nguyễn Thanh Tùng (trú huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) là bệnh nhân mắc lao xương khớp đang điều trị tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh. Ông Tùng bị đau lưng từ nhiều năm nay song ông chỉ nghĩ là do lao động nặng nhọc. Trong một lần đi khám sức khỏe, ông được các bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh lao xương khớp mà cụ thể là lao cột sống, cần điều trị lâu dài.

Theo bác sĩ R’Ma Lương, Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh, thông thường vi khuẩn lao sẽ xâm nhập vào đường hô hấp đến phổi, nếu cơ thể không đủ đề kháng để chống lại, vi khuẩn lao có thể theo đường máu hay đường bạch huyết đến xương. Tại đây chúng sinh sản và phát triển hình thành một vùng hoại tử (bên ngoài có các tế bào to, tế bào đơn nhân, biểu mô). Bệnh lao xương thường không có triệu chứng hoặc triệu chứng không rõ ràng ở giai đoạn sớm của bệnh mà chỉ xuất hiện khi đã tiến triển nặng với các triệu chứng như: đau lưng, đau nhức xương khớp, mệt mỏi, sốt về chiều, da xanh xao, ăn uống kém… Các giai đoạn phát triển bệnh như vậy thường gây khó khăn cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh.

Bệnh nhân đến khám và điều trị tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Đình Thi

Đối với bệnh nhân lao xương khớp, nếu chậm trễ trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm như: biến chứng thần kinh (liệt tứ chi hoặc 2 chi dưới), biến dạng xương (xẹp đốt sống, gù nhọn, chèn ép tủy sống, rễ thần kinh), lao lan rộng (vi khuẩn lao lan đến các cơ quan trong cơ thể như phổi, màng não…), cắt cụt chi (lao xương không được điều trị dẫn đến những tổn thương không thể khắc phục được, buộc phải cắt cụt chi), hạn chế vận động (lao cột sống gặp khó khăn trong việc cúi, ngửa), teo cơ vận động khớp, liệt cơ tròn (áp xe lạnh chèn ép tủy sống)…

Cũng theo bác sĩ R’Ma Lương, đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh lao xương là người từ 20 - 40 tuổi, người có tiếp xúc với bệnh nhân lao phổi hay các nguồn lây lao khác, nguy cơ tăng lên khi tiếp xúc thường xuyên, liên tục; có tiền sử lao trước đó; trẻ nhỏ chưa tiêm phòng vắc xin BCG và người có các bệnh lý như đái tháo đường, loét dạ dày – tá tràng, suy giảm miễn dịch, HIV/AIDS, suy dinh dưỡng…

Để phòng ngừa bệnh lao xương khớp hiệu quả, mọi người cần có lối sống khoa học, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng, hạn chế đến những nơi đông người, không hút thuốc lá, hạn chế rượu, bia, cà phê… Người tiếp xúc với bệnh nhân lao cần được tầm soát lao phổi bằng các xét nghiệm đờm và chụp X-quang phổi, đặc biệt khi bị bệnh cần tuân thủ điều trị để tránh kháng thuốc và tái phát bệnh.

Phượng Vũ


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.