Multimedia Đọc Báo in

Đổi mới công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ

09:39, 24/10/2017

Đào tạo, bồi dưỡng là một khâu rất quan trọng trong công tác cán bộ. Trong những năm qua các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong tỉnh đã có nhiều cố gắng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức.

Công tác quy hoạch cơ bản đã gắn với công tác đào tạo, bồi dưỡng và được thực hiện nhất quán, chặt chẽ theo kế hoạch hằng năm với các loại hình, chất lượng nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngày càng được đổi mới và bám sát sát hơn với thực tiễn của từng địa phương, từng ngành, từng lĩnh vực…

Căn cứ quy hoạch, các cấp ủy đã xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của cấp mình, ưu tiên cử cán bộ đã được quy hoạch đi đào tạo và đào tạo lại về chuyên môn, nghiệp vụ, đào tạo bậc đại học, trên đại học ở trong nước và nước ngoài; đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị. Tỉnh ủy thường xuyên phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh mở các lớp cao cấp lý luận chính trị tại tỉnh; nhiều cán bộ đã tự bỏ kinh phí tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng ngoài giờ hành chính để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của mình.

Bế giảng lớp bồi dưỡng chức danh bí thư đảng ủy xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh năm 2017.
Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị khu vực phía Nam vừa được tổ chức tại Đắk Lắk

Từ năm 2010 đến nay, tỉnh đã cử 514 lượt cán bộ đi đào tạo sau đại học; 328 đồng chí học cao cấp, cử nhân chính trị hệ tập trung; 4 đồng chí học cử nhân chính trị chuyên ngành tổ chức; 2 đồng chí học cử nhân chính trị chuyên ngành kiểm tra. Tỉnh cũng phối hợp mở 2 lớp cử tuyển đại học chuyên ngành Hành chính cho 170 học viên là người dân tộc thiểu số. Trường Chính trị tỉnh đã mở 59 lớp đào tạo trung cấp lý luận chính trị với 4.133 học viên; liên kết với các cơ sở đào tạo trong nước mở 8 lớp cao cấp lý luận chính trị hệ không tập trung với 863 học viên; 8 lớp đào tạo chuyên ngành với 804 học viên. Cùng với đó, hàng nghìn lượt cán bộ được cử đi bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ trong và ngoài tỉnh...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ còn bộc lộ những yếu kém như: Nội dung, chương trình, phương thức đào tạo và phương pháp giảng dạy chậm được đổi mới, chất lượng đào tạo chưa cao, còn nặng về lý thuyết; chưa kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa nâng cao tri thức với rèn luyện đạo đức, giữa tiếp thu kiến thức với việc vận dụng kiến thức vào hoạt động thực tiễn, nhất là đào tạo kỹ năng nghiệp vụ.

Việc mở lớp, cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng chưa bám sát quy hoạch mà chủ yếu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt, chưa có chiến lược lâu dài; chế độ chính sách với người học và người dạy còn nhiều bất cập. Một số cơ quan, đơn vị cử cán bộ đi đào tạo không theo yêu cầu của nhiệm vụ chuyên môn cán bộ đang đảm nhận, tình trạng học chỉ để "có bằng cấp" vẫn còn phổ biến, chủ yếu lựa chọn những ngành dễ liên kết (luật, hành chính, quản lý xã hội...) dẫn đến nhiều ngành kỹ thuật hiện nay không có cán bộ đảm nhận, phải bố trí không đúng chuyên môn trong khi những chuyên ngành khác thì dư thừa cán bộ...

Để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, thiết nghĩ trong thời gian đến các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh cần nâng cao hơn nữa nhận thức về tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị các cấp phải được tiến hành trên cơ sở quy hoạch, phục vụ trực tiếp cho công tác quy hoạch cán bộ. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải được tiến hành trước khi bổ nhiệm, đề bạt; khắc phục tình trạng bầu cử, bổ nhiệm rồi mới đưa đi đào tạo.

Bản thân cán bộ, công chức được cử đi học phải ý thức được trách nhiệm của mình, phấn đấu tiếp thu kiến thức, tránh chạy theo bằng cấp để hướng tới các vị trí lãnh đạo mà quên đi nỗ lực, rèn luyện của bản thân. Cần đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học, tăng cường kiến thức thực tiễn và khả năng xử lý các tình huống phức tạp nảy sinh trong thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội.

Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở thì nội dung đào tạo, bồi dưỡng cần gắn liền với thực tế, theo hướng “cầm tay chỉ việc”, chú trọng những kiến thức căn bản về chuyên môn nghiệp vụ, về lý luận chính trị, nhất là trang bị những kiến thức cơ bản về quản lý Nhà nước, quản lý đất đai, vấn đề dân tộc, tôn giáo… để các cán bộ này có thể vận dụng ngay kiến thức đã học vào công tác đang đảm nhiệm.

Tăng cường chất lượng đội ngũ giảng viên, đầu tư nâng cấp các cơ sở vật chất của Trường Chính trị tỉnh, các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện để phục vụ tốt cho công tác giảng dạy và học tập, cùng những chính sách vật chất ưu đãi đối với giảng viên. Các đơn vị cần quản lý chặt chẽ quá trình đào tạo, theo dõi và đánh giá đúng kết quả học tập và rèn luyện đối với từng học viên, coi đây là một căn cứ để tham khảo, bố trí sử dụng và bổ nhiệm cán bộ sau đào tạo.

Nguyễn Phú Lập


Ý kiến bạn đọc