Multimedia Đọc Báo in

Làng rau Khánh Xuân tất bật vào Tết

10:01, 25/01/2016
Những ngày này, đến với Khánh Xuân (TP. Buôn Ma Thuột) có thể cảm nhận được mùa xuân đang đến gần hơn bởi với người trồng rau, mùa Tết mới là mùa làm ăn bận rộn khi nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh và giá bán luôn nhích cao hơn những ngày thường.

Tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà Nguyễn Thị Nga, tổ dân phố 12, phường Khánh Xuân tất bật thu hoạch ngò để kịp trồng mẻ mới đón Tết. Bà Nga cho biết, mùa rau Tết kéo dài từ 15 tháng chạp đến rằm tháng giêng năm sau. Nhu cầu tăng mạnh nên nhà vườn trồng rau gì cũng dễ bán, đặc biệt là các loại rau ăn lẩu như cải cay, mồng tơi, cải thảo, rau cúc… Cả năm được mùa nên đa số các nhà vườn đều dồn đất, dồn sức trồng rau phục vụ Tết. Theo đó, ngay từ tháng 9 âm lịch, bà con đã lên lịch làm đất, chuẩn bị xuống giống các loại rau có thời gian sinh trưởng dài như su hào, bắp cải, cà rốt... Nếu trồng các loại rau ngắn ngày cũng phải căn ngày để rải vụ suốt mùa Tết bởi thời gian sinh trưởng của giống ngắn ngày như ngò, xà lách, cải cay, cúc tần… tính bằng ngày, nếu để quá lứa vài ngày rau sẽ già, khó bán, còn thu hoạch sớm sẽ thất thu.

Gia đình bà Nguyễn Thị Nga tất bật thu hoạch rau mùi  để kịp gieo lứa mới phục vụ trước và sau Tết Nguyên đán.
Gia đình bà Nguyễn Thị Nga tất bật thu hoạch rau mùi để kịp gieo lứa mới phục vụ trước và sau Tết Nguyên đán.

So với những năm trước, năm 2015 do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, thời tiết nắng nóng kéo dài, hiếm mưa nên rau dễ trồng hơn, ít bị dập nát, sâu bệnh nên nguồn cung tăng mạnh. Bên cạnh đó, rau từ các nơi khác đổ về rất nhiều khiến nguồn cung khá dồi dào, mặt bằng giá thấp hơn từ 2.000-3.000 đồng/kg so với cùng thời điểm năm 2014. Hiện tại, giá cải cay tại vườn là 3.000-4.000 đồng/kg (giảm 2.000 đồng/kg), cải ngọt 2.000 đồng/kg (giảm 3.000 đồng), ngò 5.000 đồng/kg (giảm 3.000 đồng)… Do đó, thay vì trồng một loại rau, đa số các vườn đều được bà con chia thành từng khoảnh, trồng nhiều loại từ rau gia vị đến bắp cải, su hào, đậu… để dễ xoay xở đầu ra. Ông Nguyễn Đăng Lập, cũng trú tổ dân phố 12 cho biết, gia đình có 3 sào rau trồng các loại húng quế, ngò gai, xà lách, bắp sú… Năm nay nắng nhiều, đa số các hộ đều có giếng đào, giếng khoan nên chủ động được nước tưới khiến nguồn cung tăng mạnh nhưng cầu không tăng nên giá giảm là điều tất yếu. Tuy nhiên, nghề trồng rau cũng có cái hay khi nhu cầu sử dụng của người dân thường xuyên, hằng ngày nên rau giảm không có nghĩa là tất cả các loại rau đều giảm giá. Vì vậy, việc rải vụ, trồng nhiều loại rau để đón đầu nhu cầu của người tiêu dùng nhằm lấy loại này bù giá loại kia là mấu chốt góp phần đem lại nguồn thu nhập ổn định. Sau khi thu hoạch xong lứa rau quế và cải cay, gia đình sẽ tập trung trồng rau cúc, ngò và chăm sóc lứa xà lách, mùng tơi mới trồng để kịp phục vụ Tết. Nếu giá rau ổn định như những năm trước gia đình sẽ thu về 20 triệu đồng vụ Tết.

Vùng đất Khánh Xuân trước kia vốn là đất trồng lúa bấp bênh, những năm 1990, từ một vài hộ dân chuyển đổi sang trồng rau và cho thu nhập ổn định hơn đã mở ra hướng đi mới cho người dân nơi đây. Ông Trần Đình Trọng, tổ trưởng tổ sản xuất rau an toàn, HTX nông nghiệp Thuận Hòa (phường Khánh Xuân) cho biết, HTX hiện có 48 hộ sản xuất 5,6 ha rau các loại theo tiêu chuẩn VietGAP, tập trung tại tổ dân phố 10, 12, 13. Khi mới chuyển đổi, đất còn mới, ít tồn dư sâu bệnh từ các mùa trước nên rau dễ trồng, ít bị bệnh và giá cũng được hơn do các nhà vườn mang rau tới tận các đại lý để bán. Nay việc trồng rau được hiện đại hóa bằng hệ thống tưới tự động và nhà lưới nhưng đầu ra rất khó khăn. Hiện tại, đa số rau của các thành viên HTX cũng như các hộ trồng tự phát trên địa bàn chủ yếu bán cho các tiểu thương ngoài chợ, đại lý thu gom hay thương lái mua tận vườn nên giá cả rất bấp bênh. Dù rau của HTX được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nhưng rất khó bán, đây cũng là điều trăn trở của HTX trong việc tiêu thụ rau an toàn cho bà con nông dân.

 Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.