Multimedia Đọc Báo in

Phát triển hệ thống cảng cạn: Xu thế tất yếu trong vận chuyển hàng hóa

09:21, 15/03/2016

Phát triển hệ thống cảng cạn là xu thế tất yếu nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, giảm ùn tắc giao thông. Với những tiềm năng sẵn có, Đắk Lắk là một trong những địa điểm thuận lợi để xây dựng hệ thống cảng cạn tại khu vực Tây Nguyên trong tương lai.

Cảng cạn là một bộ phận kết cấu hạ tầng giao thông, cung cấp dịch vụ xếp dỡ, lưu kho và làm thủ tục hải quan cho hàng hóa, chủ yếu đối với container. Cảng cạn được hình thành trên cơ sở nhu cầu phát triển kinh tế của vùng có khối lượng lớn hàng hóa xuất, nhập khẩu bằng container hoặc khu vực cửa khẩu quốc tế; là mắt xích quan trọng trong vận tải đa phương thức, là điểm tập kết hàng container để chuyển ra cảng biển và ngược lại. Theo quy hoạch đã được phê duyệt tại Quyết định số 2223/QĐ-TTg ngày 13-12-2011 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, cả nước sẽ có 13 cảng cạn, riêng khu vực miền Trung – Tây Nguyên có 5 cảng cạn gồm: Khu kinh tế Nghi Sơn chủ yếu thông qua cảng Nghi Sơn (Thanh Hóa) và cảng Cửa Lò (Nghệ An); hành lang kinh tế đường 8, đường 12A, chủ yếu thông qua các cảng Vũng Áng – Sơn Dương (Hà Tĩnh), Cửa Lò, Hòn La (Quảng Bình); hành lang kinh tế đường 9, chủ yếu qua cảng Hòn La và Chân Mây (Thừa Thiên Huế; khu vực kinh tế Đà Nẵng - Huế, hành lang đường 14B, chủ yếu qua cảng Đà Nẵng và cảng Kỳ Hà, Chân Mây; hành lang kinh tế đường 19, chủ yếu qua cảng Quy Nhơn (Bình Định), Dung Quất (Quảng Ngãi) và Ba Ngòi (Khánh Hòa).
Đại diện các sở, ngành khảo sát vị trí xây dựng cảng cạn tại huyện Krông Pắc.
Đại diện các sở, ngành khảo sát vị trí xây dựng cảng cạn tại huyện Krông Pắc.

Mới đây, theo dự thảo quy hoạch bổ sung, khu vực Tây Nguyên sẽ xây dựng 3 cảng cạn tại 3 tỉnh: Đắk Lắk, Gia Lai và Lâm Đồng, dọc theo các tuyến quốc lộ trọng điểm qua các địa phương. Theo đó, tại Đắk Lắk, tổng diện tích quy hoạch đến năm 2020 là 10 ha, tương đương công suất 100.000 TEU/năm, năm 2030 là 20 ha, công suất 150.000 TUE/năm. Để việc xác định vị trí xây dựng cảng cạn tại tỉnh phù hợp với tình hình phát triển của địa phương, mới đây Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ GTVT) đã có buổi làm việc với UBND tỉnh về vấn đề này. Qua đó, đại diện các sở, ngành trong tỉnh đã nêu rõ những thuận lợi của địa phương khi triển khai xây dựng hệ thống cảng cạn, nổi bật là mạng lưới giao thông đã và đang từng bước được hoàn thiện với hệ thống quốc lộ trọng điểm như 14, 14C, 26, 27, 29 và Đông Trường Sơn, giúp kết nối giữa các tỉnh Tây Nguyên, duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ. Ngoài ra, tỉnh còn có 73 km đường biên giới với Campuchia – là điều kiện thuận lợi để mở rộng thị trường, tăng cường khả năng hợp tác và hội nhập với khu vực Tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia. Về đường sắt, hiện tại Đắk Lắk chưa có, nhưng theo Quyết định số 1436/QĐ-TTg ngày 10-9-2009 của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2020, tầm nhìn 2030 Buôn Ma Thuột sẽ là trung tâm của hệ thống đường sắt Tây Nguyên bao gồm các trục chính: Đà Nẵng – Kon Tum – Đắk Lắk – Bình Phước; Buôn Ma Thuột – Tuy Hòa.

Bên cạnh lợi thế về hạ tầng giao thông, Đắk Lắk cũng có lợi thế về sản xuất hàng hóa thuộc các lĩnh vực nông lâm sản, với khối lượng hàng xuất khẩu lớn như cà phê từ 250.000 – 300.000 tấn; cao su 7.500 – 9.000 tấn; mật ong từ 9.000 – 10.000 tấn; tiêu 5.000 – 6.000 tấn/năm, cũng là yếu tố cần thiết để hình thành hệ thống cảng cạn. Ngoài ra, địa phương còn sản xuất một số mặt hàng từ ngành công nghiệp chế biến, giá trị sản xuất hằng năm đạt khoảng 10.000 – 12.000 tỷ đồng. Tỉnh đang từng bước chuyển đổi cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo hướng tăng tỷ trọng hàng chế biến sâu, giảm tỷ lệ sơ chế và xuất thô, phấn đấu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đến năm 2020 đạt 850 triệu USD và đạt khoảng 3.500 triệu USD vào năm 2030. Theo nhận định của Sở Kế hoạch – Đầu tư, với khối lượng hàng hóa xuất khẩu của tỉnh ngày càng tăng thì việc hình thành cảng cạn trên địa bàn tỉnh là hết sức cần thiết.

Đại diện các sở, ngành khảo sát vị trí xây dựng cảng cạn tại huyện Krông Búk.
Đại diện các sở, ngành khảo sát vị trí xây dựng cảng cạn tại huyện Krông Búk.

Ông Y Puăt Tơr, Giám đốc Sở GTVT (đơn vị được UBND tỉnh giao chủ trì nghiên cứu các vị trí xây dựng cảng cạn) cho biết, việc đầu tư cảng cạn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho tỉnh về phát triển kinh tế, khi cảng cạn đi vào hoạt động, các mặt hàng xuất nhập khẩu sẽ tập trung về một mối và được gom vào container, từ đó vận chuyển về các cảng biển, góp phần giảm lưu lượng phương tiện lưu thông do vận chuyển nhỏ lẻ từ các doanh nghiệp… Việc xác định vị trí đặt cảng cạn có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc phát huy hiệu quả hoạt động của cảng trong tương lai. Do đó, Sở GTVT đã phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm tra thực tế, xác định vị trí phù hợp để lựa chọn xây dựng cảng cạn. Theo đó, 2 vị trí được khảo sát là dọc đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Krông Búk và Quốc lộ 26 đoạn qua xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc. Qua khảo sát, đại diện các sở, ngành cho rằng, chọn vị trí xây dựng cảng cạn tại địa điểm Cụm công nghiệp Krông Búk (huyện Krông Búk) là khả thi nhất vì thuận lợi về giao thông, container sẽ lưu thông qua Quốc lộ 29, nối cửa khẩu Đắk Ruê (khoảng 100 km); về cảng Vũng Rô (Phú Yên) chiều dài khoảng 167 km; theo đường Hồ Chí Minh về cảng Quy Nhơn khoảng 320 km, về cảng phía Nam khoảng 400 km; theo Quốc lộ 26 về cảng Nha Trang tầm 200 km. Trong tương lai, sẽ có đường sắt Tây Nguyên, đường cao tốc Hồ Chí Minh chạy qua vị trí này. Hiện Sở GTVT đang làm văn bản trình UBND tỉnh về việc lựa chọn vị trí này để tỉnh gửi Cục Hàng hải Việt Nam trình Bộ GTVT đưa vào Quy hoạch chi tiết.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.