Multimedia Đọc Báo in

Nỗi lo thủy điện Đrang Phôk

09:30, 06/04/2016

Công trình thủy điện (TĐ) Đrang Phôk, công suất 26 MW được chủ đầu tư là Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và ứng dụng công nghệ mới – TECCO (TP. Hồ Chí Minh) dự kiến xây dựng vào cuối năm nay tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn đang khiến nhiều chuyên gia, nhà quản lý lo ngại về hệ lụy đối với Vườn Quốc gia (VQG) Yok Đôn và đời sống người dân xung quanh vùng dự án.

Công trình TĐ Đrang Phôk là bậc thang sau công trình Sêrêpôk 4 và Sêrêpôk 4A, có tổng nguồn vốn gần 850 tỷ đồng, sản lượng điện hằng năm dự kiến hơn 114 triệu kWh. Hiện DA đang hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường, trong đó, đưa ra các giải pháp hạn chế tác động của công trình đối với môi trường trong quá trình khảo sát, thi công, vận hành và các rủi ro của nhà máy. Tuy nhiên, do vị trí nhà máy nằm trong vùng lõi VQG Yok Đôn nên nhiều chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ quản lý tỏ ra lo ngại về tác động của công trình này đối với đa dạng sinh học, cảnh quan, môi trường, gây khó khăn cho công tác quản lý bảo vệ rừng vườn quốc gia, làm thay đổi dòng chảy sông Sêrêpôk, ảnh hưởng đến nguồn nước và sinh kế của người dân vùng dự án. VQG Yok Đôn có tổng diện tích hơn 115.000 ha, trong đó, 93% diện tích là rừng khộp đặc trưng của rừng nhiệt đới Đông Nam Á, được xếp vào loại A trong các khu bảo vệ có tầm quan trọng quốc tế về đa dạng sinh học. Vườn hiện có gần 500 loài động vật (67 loài thú, 196 loài chim, 46 loài bò sát, 15 loài lưỡng cư và khoảng 100 loài côn trùng), đặc biệt, có 17 loài được ghi trong sách đỏ thế giới như voi, trâu rừng, bò sừng xoắn, hươu sao, sơn dương, gà lôi, công, sáo, phượng hoàng… Hệ thực vật trong Vườn cũng rất phong phú và đa dạng với gần 860 loài, trong đó có tới 116 loài cho gỗ giá trị kinh tế cao như: trắc, cà te, cẩm lai, giáng hương, chiu liu đen... Do đó, hệ lụy đáng ngại nhất của DA này là ảnh hưởng đến hệ sinh thái, làm suy giảm đa dạng sinh học của Vườn. Chưa kể, khi triển khai công trình, sẽ tác động đến môi trường sống, đường di chuyển của các loại thú, đặc biệt là voi rừng, tăng xung đột voi – người. Theo quan điểm của lãnh đạo VQG Yok Đôn, làm TĐ mang lại hiệu quả kinh tế nhưng phải bảo đảm tính bền vững, bảo vệ hệ sinh thái, động, thực vật và nguồn nước. Điều lo ngại là các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tác động mà chủ dự án đưa ra sẽ không thể trả lại hiện trạng hệ sinh thái của Vườn như ban đầu. Ở góc độ quản lý, bảo vệ rừng, ông Trần Tuấn Linh, Hạt Phó Hạt kiểm lâm VQG Yok Đôn cho biết: Vị trí DA nằm tại các tiểu khu 430, 431, 451 do Trạm kiểm lâm số 9 phụ trách, là khu vực bảo vệ nghiêm ngặt, nếu xây dựng nhà máy sẽ gây ra tác động lâu dài. Việc trồng rừng thay thế sẽ cực kỳ khó khăn, nếu không nói là bất khả thi do đặc trưng của hệ thống rừng khộp và khí hậu ở khu vực này. Bởi vậy, một diện tích rừng lớn sẽ vĩnh viễn mất đi mà không thể khôi phục lại, ảnh hưởng đến “cơ thể vườn”. Còn trước mắt, việc đưa lao động vào Vườn để thi công nhà máy sẽ gây rất nhiều khó khăn cho việc quản lý con người, ảnh hưởng đến an ninh rừng do không thể tránh trường hợp nhiều người trà trộn, lợi dụng công trình để phá rừng. Bên cạnh đó, việc xây dựng đường dây dài 30 km từ nhà máy đến điểm đấu nối vào hệ thống điện quốc gia sẽ kéo theo rất nhiều diện tích rừng dưới đường dây phải chặt bỏ.

Cán bộ kiểm lâm Vườn quốc gia Yok Đôn trong một dịp dẫn  các phóng viên thị sát khu vực dự kiến xây dựng thủy điện Đrang Phôk.
Cán bộ kiểm lâm Vườn quốc gia Yok Đôn trong một dịp dẫn các phóng viên thị sát khu vực dự kiến xây dựng thủy điện Đrang Phôk.

Tại Hội thảo Tham vấn ý kiến về các tác động môi trường và các giải pháp khắc phục tác động của DA này tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột, ngày 23-3 vừa qua, đại diện Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam (thành viên của Ủy hội sông Mê Kông, gồm Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanma và Trung Quốc) cho rằng, công trình này sẽ tác động đến tài nguyên nước và sinh kế cộng đồng lưu vực sông Mê Kông. Đặc biệt, vị trí DA nằm trên sông Sêrêpôk đoạn gần biên giới trước khi chảy qua Campuchia về Đồng bằng sông Cửu Long, nên cần có giải pháp hạn chế ảnh hưởng đến môi trường và đời sống người dân vùng hạ lưu. Trong khi đó, có ý kiến lo lắng DA này cũng sẽ gây ra hệ lụy như TĐ Sêrêpôk 4A (đi vào hoạt động từ tháng 2 – 2014). Cụ thể, công trình này biến đoạn sông Sêrêpôk chảy qua các xã Ea Wer, Ea Huar và Krông Na cạn kiệt nước vào mùa khô, ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất của người dân và hoạt động du lịch. Ban đầu, công trình này được phê duyệt phương án xả về hạ du lưu lượng nước 10 m3/s, sau đó, theo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Sêrêpôk, được điều chỉnh lên 27 m3/s. Tuy nhiên, lưu lượng này không đủ phục vụ cho vùng hạ du, gây ra nhiều khó khăn cho chính quyền và người dân huyện Buôn Đôn; đến nỗi, tại Lễ hội Văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Buôn Đôn năm 2016 tổ chức đầu tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh phải ra văn bản yêu cầu nhà máy TĐ phối hợp xả nước với lưu lượng đạt tối thiểu 100 m3/s để phục vụ Hội thi voi bơi vượt sông. Mới đây, địa phương cũng yêu cầu đơn vị quản lý vận hành nhà máy phải bỏ kinh phí xây đập chắn ngang sông Sêrêpôk để giữ nước.

Về phía địa phương, ông Lê Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Krông Na cho biết, ngoài TĐ Sêrêpôk 4A, nếu xây dựng thêm một nhà máy nữa trên địa bàn thì tác động đến môi trường, dân sinh sẽ càng lớn hơn. Ông lo ngại rằng, với 75% hộ dân địa phương sinh sống bằng nghề thủy sản trên sông Sêrêpôk, khi triển khai DA, nguồn lợi thủy sản sẽ bị suy giảm. Bên cạnh đó, nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp không đủ sẽ khiến đời sống người dân gặp khó khăn. Chưa kể, lâu nay hoạt động văn hóa, tinh thần của người dân gắn với dòng sông qua lễ cúng bến nước, khi TĐ mọc lên, nước cạn thì nghi lễ này có nguy cơ không còn.

Phải khẳng định một điều rằng, “bản thân TĐ không có lỗi”, tuy nhiên bất kỳ công trình nào cũng kéo theo những hệ lụy. Cần phải rút bài học kinh nghiệm từ những DA đã “lỡ” đầu tư trước đó để quyết định các dự án mới khi còn chưa muộn.

 Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.