Multimedia Đọc Báo in

Quản lý nước tưới tổng hợp cho cây cà phê: Hướng tới sự phát triển bền vững

08:50, 05/04/2016

Trong vòng hơn 10 năm trở lại đây, hầu như năm nào cây cà phê ở Đắk Lắk cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu nước tưới và diện tích bị hạn năm sau luôn cao hơn năm trước. Mặc dù tỉnh đã đầu tư xây dựng nhiều công trình thủy lợi nhưng vẫn chưa giải quyết thấu đáo được vấn đề này; trong đó đáng lưu ý là các kỹ thuật tưới tiên tiến chưa được quan tâm ứng dụng.

Thiếu nước tưới cho cà phê

Hiện Đắk Lắk có trên 203 nghìn ha cà phê, diện tích cho sản phẩm 192.471 ha, năng suất bình quân đạt trên 23 tạ/ha. Cà phê đang là cây trồng chủ lực của tỉnh và là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân, tuy nhiên, việc phát triển không theo quy hoạch khiến cây cà phê đối mặt với nhiều bất cập, trong đó có vấn đề thiếu nước tưới. Hiện diện tích cà phê được tưới từ các công trình thủy lợi chỉ trên 46.000 ha, diện tích còn lại tưới bằng nguồn nước suối, sông, giếng… trong khi phần lớn công trình thủy lợi phục vụ cho cây cà phê thường trong tình trạng cạn kiệt nước vào mùa khô, còn mực nước ngầm thì năm sau luôn giảm hơn năm trước. Đơn cử như huyện Ea H’leo có trên 30.000 ha cà phê (diện tích quy hoạch đến năm 2020 là 20.000 ha) và 39 công trình thủy lợi, chủ yếu là hồ chứa nhỏ, chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu tưới của cây cà phê, diện tích còn lại phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước suối, nước ngầm. Hầu như năm nào diện tích cà phê của huyện cũng bị hạn, năm nay mới giữa mùa khô, toàn huyện đã có 4.534 ha bị hạn và 21 hồ chứa đã cạn nước, người dân đang quay quắt tìm nguồn nước chống hạn. Hay ở huyện Krông Búk, một trong những huyện trọng điểm về cây cà phê đã có 6.000/21.132 ha cà phê bị hạn, trong khi, toàn huyện có 42 công trình thủy lợi thì hiện 14 hồ đã cạn nước, hầu hết các suối và nhiều giếng khoan cũng đã cạn khô…

Nhiều diện tích  cà phê ở xã Ea Sol, huyện  Ea H’leo bị  héo khô do  không có nước tưới.
Nhiều diện tích cà phê ở xã Ea Sol, huyện Ea H’leo bị héo khô do không có nước tưới.

Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Đắk Lắk có tổng số 770 công trình thủy lợi, gồm: 599 hồ chứa (tổng dung tích khoảng 630 triệu m3), 56 trạm bơm, 115 đập dâng. Do ảnh hưởng của hiện tượng El-Nino, mùa khô ở Đắk Lắk đang trở nên khốc liệt, hiện các đập dâng không bảo đảm năng lực thiết kế do dòng chảy bị thiếu hụt, suối cạn kiệt; tổng dung tích nước hồ chứa chỉ còn khoảng 145 triệu m3, tập trung chủ yếu ở 3 hồ chứa lớn Ea Súp Thượng, Krông Búk Hạ (69 triệu) và Buôn Yong (5,5 triệu). Phổ biến các hồ chứa nhỏ đã cạn, trong đó 109 hồ khô hoàn toàn, (tăng hơn so với cùng kỳ năm 2015 là 39 hồ). Mực nước sông xuống thấp, ảnh hưởng đến công suất phục vụ tưới của các trạm bơm. Theo báo cáo sơ bộ của các địa phương, đến nay toàn tỉnh có 25.690 ha cây trồng bị hạn (tăng hơn so với cùng kỳ năm 2015 là 1.391 ha), trong đó cà phê 19.932 ha, mất trắng 131 ha.

Cần quan tâm đến các kỹ thuật tưới tiên tiến

Để giải quyết căn cơ vấn đề thiếu nước tưới trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt như hiện nay ở các vùng trồng cà phê, thì việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp trong quản lý nước tưới, đặc biệt là các công nghệ tưới tiên tiến đang được xem là giải pháp hữu hiệu nhất. Theo TS. Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), đối với cây cà phê, ngoài các biện pháp được sử dụng trong các quy trình kỹ thuật trước đây như tăng cường hệ cây che bóng chắn gió, tủ gốc trong điều kiện khô hạn… thì tưới nước đúng thời điểm và đúng lượng là các biện pháp bổ sung để tăng cường hơn nữa hiệu lực sử dụng nước tưới. Đặc biệt trong tưới nước cho cà phê, việc xác định lần tưới đầu tiên rất quan trọng bởi điều này sẽ ảnh hưởng đến số lần tưới trong mùa khô và năng suất; ngoài ra, công nghệ, phương pháp tưới cũng ảnh hưởng đến lượng nước sử dụng và chi phí sản xuất. Theo các kết quả điều tra của WASI cho thấy, có trên 73% số hộ nông dân tưới thừa nước cho cà phê, điều này đã gây nên tình trạng lãng phí nguồn nước và làm tăng chi phí tưới rất lớn. Điều đáng nói hơn là hiện nay nông dân chưa xác định được thời điểm tưới lần đầu một cách tốt nhất, bằng chứng là có tới 30% hộ nông dân sau khi tưới cho cà phê thì từ thời gian tưới lần đầu đến lúc nở hoa dài hơn bình thường (trên 10 ngày) và tỷ lệ hoa nở lần đầu không cao (khoảng  dưới 70%). Từ thực tế đó, WASI đã triển khai nhiều mô hình áp dụng quản lý tưới tổng hợp (IIM) tại các vùng trồng cà phê của Tây Nguyên, bao gồm các biện pháp: sử dụng chế phẩm chịu hạn sau khi thu hoạch để tăng khả năng chịu hạn cho cây cà phê vào đầu mùa khô; xác định thời điểm tưới nước cho cà phê bằng dụng cụ đo độ ẩm đất nhanh và tưới lần đầu khi độ ẩm đất giảm xuống còn 27%, chu kỳ tưới 30 ngày; sử dụng các biện pháp tưới nước tiết kiệm; bón phân cân đối, hợp lý. Mục tiêu của IIM là sử dụng các biện pháp tổng hợp nhằm sử dụng nước tưới cho cây cà phê một cách hiệu quả và tiết kiệm nhất, giúp giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường. Kết quả cho thấy, các vườn được chọn để áp dụng phương áp IIM đều có hiệu quả kinh tế cao hơn các vườn đối chứng, đặc biệt là đã làm giảm được 1 lần tưới, chi phí tưới nước giảm 50%; tỷ lệ nở hoa cao, đồng đều và lợi nhuận tăng 3,6 % so với tưới như hiện nay của nông dân… Biện pháp tưới này đang được WASI tiếp tục theo dõi tại các mô hình IIM để có những kết luận thuyết phục hơn, đồng thời làm cơ sở khuyến cáo người dân ứng dụng vào sản xuất.

Mô hình tưới nước tiết kiệm của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên.
Mô hình tưới nước tiết kiệm của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên.

Trên thực tế, các kỹ thuật tưới tiên tiến được nhiều nhà khoa học nghiên cứu và chứng minh hiệu quả trong sản xuất, nhưng việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong tưới nước vẫn chưa được các cấp, ngành và người dân quan tâm nhiều. Có nhiều nguyên nhân lý giải cho vấn đề này nhưng trong bối cảnh cây cà phê liên tục phải đối mặt với hạn hán như hiện nay thì người nông dân rất cần cái bắt tay chặt chẽ của 4 nhà để giúp họ tưới nước cho cà phê hợp lý hơn, góp phần sử dụng nước hiệu quả, bảo vệ môi trường sinh thái và giảm chi phí giá thành.

 Thuận Nguyễn


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.