Multimedia Đọc Báo in

Một năm "nhảy vọt" của ngành Ngân hàng

12:34, 31/01/2017

Trong bối cảnh chung của nền kinh tế cả nước còn nhiều khó khăn; trong tỉnh, thiên tai kéo dài trên diện rộng, ảnh hưởng xấu đến sản xuất - kinh doanh của cả người dân và doanh nghiệp (DN), nhưng với những nỗ lực của mình, ngành Ngân hàng đã có những bước phát triển vượt bậc, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Những "mốc son" mới

Có thể khẳng định ngay, năm 2016 là một năm thành công nhất của ngành Ngân hàng trong những năm gần đây, khi tạo ra hàng loạt “cột mốc” mới. Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng trên địa bàn, tổng huy động vốn năm 2016 đạt 34.700 tỷ đồng, tăng 24,7% so với đầu năm, vượt 9,7% so với kế hoạch của ngành Ngân hàng Đắk Lắk đề ra. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong những năm gần đây (năm 2013 tăng 10,8%; năm 2014 tăng 22,3%; năm 2015 tăng 10,8%). Đáng chú ý là tổng vốn huy động không chỉ lần đầu tiên vượt mốc 30 nghìn tỷ đồng, mà 99,9% trong số đó được huy động từ tiền gửi trên địa bàn, tăng 24,8% so với đầu năm. Trong đó, huy động vốn có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên tiếp tục duy trì được sự tăng trưởng cao (tăng 52,7% so với đầu năm), tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn trung, dài hạn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng. 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hải Ninh chứng kiến lễ ký kết hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh Đắk Lắk với các doanh nghiệp
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hải Ninh chứng kiến lễ ký kết hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh Đắk Lắk với các doanh nghiệp.

Bên cạnh kết quả huy động, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng trên địa bàn cũng lần đầu tiên vượt mốc 60 nghìn tỷ đồng với tổng dư nợ cho vay nền kinh tế ước đạt 67 nghìn tỷ đồng, tăng 17,03% (tăng 9.750 tỷ đồng) so với đầu năm. Trong đó, khối Ngân hàng thương mại Nhà nước tăng 14,5%; khối Ngân hàng thương mại cổ phần tăng 25,4%, Ngân hàng Chính sách xã hội tăng 12,7%, Quỹ tín dụng nhân dân tăng 6,3%.

Bám sát tiềm năng của địa phương

Theo Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Đắk Lắk Tăng Hải Châu, bên cạnh mục tiêu tăng trưởng, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã tập trung nguồn vốn để cho vay hoạt độn g sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ. Điều này dễ nhận thấy trong cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo chiều hướng tích cực và gắn với tiềm năng phát triển kinh tế của tỉnh. Các tổ chức tín dụng tiếp tục tập trung nguồn vốn để đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên và thành phần kinh tế tư nhân, cá thể. Tính đến nay, tổng dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn ước đạt 27.276 tỷ đồng, với trên 160.945 khách hàng vay vốn, chiếm 40,7% tổng dư nợ cho vay, tăng 18% so với đầu năm; cho vay DN trên địa bàn tỉnh ước đạt 19.992 tỷ đồng, với hơn 2.900 lượt doanh nghiệp vay vốn, chiếm 29,8% tổng dư nợ toàn địa bàn, tăng 16,7% so với đầu năm; cho vay xuất khẩu cũng có mức tăng trưởng khá khi đạt 1.577 tỷ đồng, chiếm 2,35% tổng dư nợ toàn địa bàn; tăng 20,2% so với đầu năm.  

Cán bộ Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Krông Bông hướng dẫn khách hàng làm thủ tục vay vốn
Cán bộ Ngân hàng NN - PTNT Chi nhánh Krông Bông hướng dẫn khách hàng làm thủ tục vay vốn.

Trong năm 2016, các tổ chức tín dụng cũng đã tích cực thực hiện các giải pháp tiền tệ - tín dụng hỗ trợ người dân, DN tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Có 236.104 khách hàng được cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ với dư nợ 1.403 tỷ đồng (trong đó, 26 DN với dư nợ 107 tỷ đồng; 236.078 cá nhân, hộ gia đình với dư nợ 1.296 tỷ đồng); có 5.830 khách hàng được miễn, giảm lãi vay với số tiền 16,2 tỷ đồng (trong đó có 14 DN với số tiền 3,8 tỷ đồng; 5.816 cá nhân, hộ gia đình với số tiền 12,4  tỷ đồng). Song song đó, các ngân hàng thương mại trên địa bàn cũng đã thực hiện các giải pháp khắc phục hậu quả do hạn hán kéo dài với dư nợ đạt 141,031 tỷ đồng với 592 khách hàng.

Bên cạnh kết quả kinh doanh, công tác an sinh xã hội luôn được ngành Ngân hàng quan tâm thực hiện, đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo… Trong năm 2016, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã dành hàng chục tỷ đồng để thực hiện các hoạt động xã hội như chương trình “Đền ơn, đáp nghĩa”, hỗ trợ các công trình dân sinh, công trình nước sạch, đường giao thông nông thôn, xây dựng trường học, xây nhà Tình nghĩa cho các đối tượng chính sách, các hộ nghèo... góp phần vào sự phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của địa phương.

Hiện nay, mạng lưới hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn có 44 đơn vị (tăng 2 chi nhánh so với năm 2015) bao gồm: 8 chi nhánh ngân hàng thương mại Nhà nước; 21 chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần; 1 chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội; 1 chi nhánh Ngân hàng Phát triển khu vực Đắk Lắk - Đắk Nông; 1 chi nhánh Ngân hàng hợp tác xã và 12 Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở. Nếu tính cả số lượng chi nhánh loại 3 và các phòng giao dịch, đến nay trên địa bàn có 193 điểm giao dịch ngân hàng.

Quốc Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.