Multimedia Đọc Báo in

Gian nan canh giữ thủy tùng

08:13, 31/10/2017

Hai quần thể thủy tùng còn sót lại ở xã Ea Ral (huyện Ea H’leo) và Ea Hồ (huyện Krông Năng) được xem là những “báu vật” của tự nhiên.

Nhưng cũng vì sự hiếm hoi, cùng với những lời đồn thổi về công năng và độ quý hiếm khi sở hữu thủy tùng đã khiến việc gìn giữ loài cây này thêm phần khó khăn đối với Ban quản lý (BQL) Khu Bảo tồn loài – sinh cảnh thông nước (thủy tùng).

Một cây thủy tùng ở Trạm quản lý bảo vệ rừng Trấp Ksơ (ở xã Ea Hồ, huyện Krông Năng) thuộc Khu  Bảo tồn loài- sinh cảnh thông nước.
Một cây thủy tùng ở Trạm quản lý bảo vệ rừng Trấp Ksơ (ở xã Ea Hồ, huyện Krông Năng) thuộc Khu Bảo tồn loài- sinh cảnh thông nước.

Trạm Quản lý bảo vệ rừng Ea Ral có diện tích rộng 28 ha với 140 cây thủy tùng được bao quanh bởi những hàng rào thép gai, ở giữa được bố trí 2 chòi canh để nhân viên giữ rừng túc trực canh cây; 10 cái bóng điện được lắp ở những vị trí rừng có nguy cơ bị người dân xâm nhập cùng hệ thống cầu phao chạy quanh co để đến từng gốc thủy tùng còn lại cho thấy chúng được ưu tiên bảo vệ nghiêm ngặt ra sao. Cùng với đó, các cán bộ giữ rừng ở đây phải túc trực ngày đêm để đảm bảo thủy tùng không bị xâm hại.

Nhưng trước mức giá cao của loài gỗ này, lâm tặc chưa bao giờ hết nhăm nhe để khai thác chúng. Mới đây, một cây thủy tùng đã bị 7 đối tượng xâm nhập, cắt hạ hai đoạn thân cây, mỗi đoạn dài 1m đường kính 0,5 m. 7 đối tượng bị bắt, chắc chắn sẽ bị trừng phạt đích đáng theo quy định của pháp luật, vụ việc càng khiến việc bảo vệ loài cây này của BQL Khu Bảo tồn loài - sinh cảnh thông nước càng thêm phần áp lực.

Thủy tùng tên khoa học là Glyptostrobus pensilis, thuộc nhóm IA, loài đặc hữu có tên trong Sách đỏ Việt Nam và được xếp vào diện cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Hiện trên thế giới có ba khu vực còn ghi nhận loài này là Trung Quốc, Lào và Việt Nam. Tại Việt Nam, thủy tùng còn lại ở các địa phương thuộc tỉnh Đắk Lắk gồm: huyện Ea H’leo (140 cây), huyện Krông Năng (21 cây), thị xã Buôn Hồ (1 cây).

Khu vực hai quần thể thủy tùng Ea Ral và Ea Hồ nằm sát nách các khu dân cư, bao quanh là nương rẫy của người dân nên chỉ cần mất cảnh giác là rừng thủy tùng sẽ bị xâm hại. Ngoài việc tuần tra, bảo vệ, nhân viên bảo vệ rừng ở đây thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, ký cam kết với những hộ dân sống xung quanh Khu bảo tồn không xâm nhập, khai thác rừng trái phép. Còn nhân viên bảo vệ rừng thường phải túc trực ngày đêm vất vả di chuyển trên vùng đầm lầy có nơi ngập tới ngực và thường xuyên bị hai loài “đặc sản” ở đây là muỗi và đĩa tấn công. 

Nhân viên Khu  Bảo tồn loài- sinh cảnh thông nước tuần tra bảo vệ  thủy tùng.
Nhân viên Khu Bảo tồn loài- sinh cảnh thông nước tuần tra bảo vệ thủy tùng.

Nói về những công năng của thủy tùng mang lại mà người ta vẫn đồn đại, ông Trần Xuân Phước, Giám đốc BQL Khu Bảo tồn loài – sinh cảnh thông nước không giấu được lo lắng, vì những lời đồn đại đó mà giá gỗ thủy tùng mới cao ngất ngưỡng. Có thời điểm người ta xới tung đồng ruộng, ngụp lặn dưới lòng hồ để tìm gỗ thủy tùng…; còn những người làm công tác bảo vệ những cây thủy tùng còn sót lại thì mất ăn mất ngủ. Nhưng hơn ai hết, những năm tháng gắn bó với loài cây này, ông Phước hiểu thủy tùng không như người ta đồn đại. Nhiều người cứ nghĩ có gỗ thủy tùng trong nhà thì muỗi không vào, nhưng ông khẳng định rằng: “Những nhân viên giữ rừng ở đây một năm mắc võng dưới gốc thủy tùng không biết bao đêm mà kể, nếu võng mà không có màn thì bị muỗi vây lấy, huống gì là vài mẫu gỗ khô để trong nhà mà đuổi được muỗi”.

Cũng theo ông Phước, BQL Khu Bảo tồn loài - sinh cảnh thông nước thành lập và đi vào hoạt động được 5 năm nhưng trụ sở vẫn là những căn nhà cũ của lực lượng kiểm lâm huyện, phòng làm việc chật chội, trang thiết bị thiếu thốn. Theo Quyết định 1283/QĐ-UBND, ngày 16-6-2014 của UBND tỉnh Về việc phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Khu Bảo tồn loài – sinh cảnh thông nước 2014 – 2020 và Quyết định số 383/QĐ-SNN ngày 21-3-2016 của Sở NN-PTNT Về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BQL Khu Bảo tồn loài – sinh cảnh thông nước thì tổng biên chế hoàn chỉnh bộ máy của đơn vị là 38 người nhưng đến nay mới chỉ được 14 biên chế.

Do thiếu nhân lực nên cán bộ, viên chức của đơn vị phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, phải làm việc cả ngày nghỉ, trong khi đó các chế độ đãi ngộ (phụ cấp ưu đãi ngành, chế độ làm thêm giờ, phụ cấp thu hút ... không có nên cuộc sống của cán bộ, viên chức ở đây gặp nhiều khó khăn, thiệt thòi.

Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.