Multimedia Đọc Báo in

Trợ giúp cho hộ nghèo vươn lên

08:42, 20/12/2017

Xã Phú Lộc (huyện Krông Năng) có 12 dân tộc anh em sinh sống với 2.616 hộ, 11.749 khẩu. Trong triển khai xây dựng nông thôn mới, xã đặc biệt chú trọng đến công tác giảm nghèo với nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp điều kiện thực tế, đạt hiệu quả rõ rệt.

Được xã tạo điều kiện vay vốn, nhiều hộ đã nỗ lực vươn lên từng bước thoát nghèo. Đơn cử như gia đình ông Cao Ơn (SN 1950, thôn Lộc Tân). Bản thân ông bị tàn tật, hai vợ chồng lại không có nghề nghiệp ổn định nên quanh năm lam lũ cũng chỉ đủ ăn. Năm 2014, được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 30 triệu đồng, cộng thêm sự giúp đỡ của họ hàng, bạn bè, ông mua 2 con bò sinh sản và ký kết hợp đồng với Công ty TNHH MTV Cao su Krông Búk trồng mới 3 ha cà phê. Do có nguồn phân chuồng từ chăn nuôi để bón cho cây trồng và được cán bộ xã trực tiếp “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt nên đến nay vườn cà phê bắt đầu cho thu hoạch, vụ này thu được 3 tấn cà phê nhân. Ông Ơn cho biết: “Sự hỗ trợ thiết thực đã giúp gia đình vượt qua nghèo khó. Chúng tôi sẽ cố gắng lao động để không tái nghèo và có cuộc sống tốt hơn”.

Ông Trương Văn Mừng chăm sóc con bò lai giống vừa mua.
Ông Trương Văn Mừng chăm sóc con bò lai giống vừa mua.

Với hộ ông Trương Văn Mừng (SN 1965, thôn Lộc Tân) khó khăn lớn nhất là không có đất sản xuất. Cả gia đình có 6 khẩu, mọi chi tiêu hằng ngày đều phụ thuộc vào số tiền làm thuê của hai vợ chồng nên dù xoay xở mọi cách cũng chỉ đủ đắp đổi qua ngày. Cách đây 3 năm, gia đình ông được xã tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi 30 triệu đồng để phát triển chăn nuôi. Ngoài số tiền đó, ông mượn thêm người thân, bạn bè mua 4 con bò lai sind (2 con bò mẹ, 2 con bê) để khởi nghiệp. Đàn bò được chăm sóc kỹ nên sinh trưởng tốt, thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt, ông tiếp tục vay vốn để nhân đàn theo mô hình này và đến nay có 20 con. Theo ông Mừng thì nuôi bò lai không khó và hiệu quả kinh tế đem lại cao hơn giống bò cỏ địa phương. Bò lai là động vật ăn tạp, lớn nhanh, dễ nuôi và nhân đàn khá nhanh. Mới đây ông đã mua thêm một con bò đực giống vừa để nhân đàn vừa đưa đi phối giống nhằm tăng thêm thu nhập.

Gia đình bà Nguyễn Phúc (SN 1958, thôn Lộc Tài) trước đây có hoàn cảnh rất khó khăn khi người con trai út bị tai nạn giao thông mất cả 2 chân, mọi tiền của đều lo chạy chữa cho con. Từ khi được Nhà nước tạo điều kiện cho vay vốn hỗ trợ sản xuất, các tổ chức đoàn thể cơ sở hướng dẫn cách làm ăn,  gia đình bà đầu tư nuôi lợn, bò và canh tác 3 sào đất nông nghiệp. Nhờ đó, đến nay cơ bản thoát khỏi cảnh chạy ăn từng bữa, cuộc sống đang dần ổn định…

Trên địa bàn xã Phú Lộc còn nhiều trường hợp hộ nghèo được trợ giúp một cách thiết thực như vậy nên đã vươn lên ổn định cuộc sống. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hồ Lý Thành, để giúp người dân thoát nghèo bền vững, xã chú trọng việc tư vấn, hướng dẫn nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; tín chấp vay vốn; phối hợp mở các lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật nhằm giúp người dân thay đổi tập quán canh tác. Đến nay, số hộ nghèo xã Phú Xuân chỉ còn 6%, đã đạt và cơ bản đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và đang phấn đấu để được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2018.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.