Multimedia Đọc Báo in

Nữ doanh nhân đam mê nông nghiệp công nghệ cao

08:00, 29/01/2019

Từng là một nữ “thủ lĩnh” trong nghề cơ khí chế tạo, bà Nguyễn Thị Huệ, Giám đốc Công ty TNHH cơ khí Viết Hiền giờ còn được biết đến là một trong những người đi đầu trong việc làm nông nghiệp công nghệ cao một cách bài bản và quy mô.

Là người đã hơn 12 năm gắn bó với cơ khí chế tạo máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, bà Nguyễn Thị Huệ nhận thấy tuy tiềm năng sản xuất rất lớn nhưng quy trình sản xuất nông nghiệp để tạo ra những sản phẩm an toàn, đạt chất lượng đang gặp những trở ngại do tập quán canh tác lạc hậu, thói quen sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật dẫn đến sự tồn dư hóa chất có hại trong nông sản, mất cân bằng dinh dưỡng trong đất. Với trăn trở làm thế nào để ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất vì một nền nông nghiệp bền vững, an toàn, bà đã có những chuyến đi thực tế tại nhiều địa phương trong nước cũng như nước ngoài để tìm hiểu sâu về công nghệ sản xuất, chế biến nông sản an toàn, chất lượng cao.

Bà Nguyễn Thị Huệ kiểm tra vườn dưa lưới giống Saito (Nhật Bản).
Bà Nguyễn Thị Huệ kiểm tra vườn dưa lưới giống Saito (Nhật Bản).
 

Làm nông nghiệp công nghệ cao rất cần sự hỗ trợ của các ngành chức năng cũng như chính quyền địa phương để doanh nghiệp cũng như người dân làm nông nghiệp công nghệ cao có thể tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi, quỹ đất… Đồng thời có giải pháp tăng cường tính minh bạch của thị trường về chất lượng sản phẩm góp phần gia tăng sức cạnh tranh cho những sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao… ”.

 

 
Bà Nguyễn Thị Huệ

Năm 2016, trên diện tích gần 2 ha tại số 777A Phạm Văn Đồng, phường Tân Hòa (TP. Buôn Ma Thuột), bà đã xây dựng trang trại với hệ thống sản xuất nông nghiệp hiện đại gồm: nhà kính, hệ thống tưới tự động theo công nghệ 4.0... Tại đây, doanh nghiệp của bà đã hợp tác với Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh để thí điểm sản xuất rau, hoa an toàn theo hướng công nghệ cao tại Đắk Lắk.

Cũng thời gian này, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ bà đã thực hiện dự án Ứng dụng công nghệ tự động, bán tự động trong sản xuất rau, hoa, quả cao cấp quy mô hàng hóa tại Tây Nguyên. Bên cạnh đó, bà còn hợp tác với nhóm chuyên gia nông nghiệp hữu cơ Nhật Bản để sản xuất rau quả hữu cơ. Sự đầu tư, chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản với tổng kinh phí đầu tư ban đầu khoảng 10 tỷ đồng, năm 2017 doanh nghiệp của bà đã cho ra đời Tinh Hoa farm với phương châm “Hoàn nguyên giá trị nông sản”, góp phần giải quyết các vấn đề về an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng hiện nay.

Chia sẻ về quá trình làm nông nghiệp công nghệ cao, bà Nguyễn Thị Huệ cho biết: “Tinh Hoa farm ra đời là thành quả bước đầu đẫm mồ hôi. Để có kết quả ngày hôm nay là cả một quá trình bản thân phải tự đi nghiên cứu, học hỏi ở rất nhiều farm trong nước và cả nước ngoài. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư ban đầu cũng như để duy trì hệ thống là không hề nhỏ, đòi hỏi người làm nông nghiệp công nghệ cao ngoài kiến thức, sự đam mê còn phải trường vốn”. Sở dĩ đầu tư rất tốn kém và lâu thu hồi vốn, nhưng bà vẫn quyết dấn thân theo đuổi làm nông nghiệp công nghệ cao vì thấy đó là xu thế tất yếu, có nhiều tiềm năng, hiệu quả thiết thực cho tương lai. Quan trọng hơn là bà muốn góp sức gây dựng niềm tin và quyết tâm sản xuất sản phẩm sạch, chất lượng tốt cho chính nhu cầu, sức khỏe của người tiêu dùng.

Ngoài việc sản xuất, doanh nghiệp của bà còn mở rộng dần việc chuyển giao kỹ thuật canh tác, mô hình cho người nông dân với mong muốn giúp người nông dân địa phương có thể làm giàu trên mảnh đất của mình.

Lê Hương

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.