Multimedia Đọc Báo in

Thúc đẩy bán hàng qua Amazon

08:16, 29/01/2021

Khi xuất khẩu truyền thống gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 thì việc đẩy mạnh xuất khẩu thông qua sàn thương mại điện tử quy mô toàn cầu mở ra nhiều cơ hội lớn hơn cho doanh nghiệp (DN) trong tỉnh.

Cơ hội với Amazon

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN bị ảnh hưởng sâu sắc, thị trường xuất khẩu cũng như nguồn cung hàng hóa trên thế giới có những xáo trộn và đứt gãy. Việc tăng cường xuất khẩu thông qua các sàn thương mại điện tử như: Amazon, Alibaba… là giải pháp hữu hiệu, có thể giúp các sản phẩm của tỉnh từng bước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu.

Anh Phạm Quang Khải, chủ nhãn hàng thiết kế thời trang Hong Anh Le (thị xã Buôn Hồ) chia sẻ, năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh, có những thời điểm Đắk Lắk thực hiện giãn cách xã hội nên nhãn hàng tập trung bán hàng online thông qua các chợ thương mại điện tử. Nhờ đó sản phẩm được giới thiệu nhanh, bán chạy hơn và có thị trường tiêu thụ rộng, doanh thu năm 2020 tăng hơn 20% so năm 2019. Theo anh Khải, nếu kết hợp tốt hình thức bán hàng truyền thống và bán hàng qua các kênh thương mại điện tử sẽ rất hiệu quả, thị trường tiêu thụ hàng hóa không bị giới hạn. Bán hàng trên sàn thương mại điện tử Amazon là xu hướng tất yếu, đơn vị đang tìm hiểu, "chuyển mình" để đáp ứng nhu cầu và có thể bán hàng trên kênh thương mại điện tử này.

Nhà thiết kế của Nhãn hàng thiết kế thời trang Hong Anh Le đang tìm kiếm khách hàng thông qua  kênh thương mại điện tử.
Nhà thiết kế của Nhãn hàng thiết kế thời trang Hong Anh Le đang tìm kiếm khách hàng thông qua kênh thương mại điện tử.
Sàn thương mại điện tử Amazon là đơn vị hàng đầu thế giới về lĩnh vực bán lẻ trực tuyến. Sản phẩm tiếp cận được với thị trường này sẽ tạo cơ hội để DN tiếp cận thị trường thế giới, phát triển thương hiệu và hàng hóa.

Từ năm 2019 đến nay, Việt Nam có hơn 100 DN tham gia sàn thương mại điện tử Amazon. Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Huỳnh Ngọc Dương, Đắk Lắk có nhiều tiềm năng xuất khẩu các mặt hàng nông sản, như: cà phê, hồ tiêu, cao su, điều, mật ong, thủ công mỹ nghệ…, nếu làm tốt công tác xúc tiến thương mại, tham gia thương mại điện tử toàn cầu sẽ giúp tăng cơ hội tiêu thụ hàng hóa cho DN và nâng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Những năm gần đây, DN trên địa bàn tỉnh đã chú trọng phát triển và bước đầu phân phối bán hàng qua các kênh thương mại điện tử nhưng số lượng chưa nhiều, chủ yếu vẫn bán hàng theo phương thức truyền thống.

Hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa qua thương mại điện tử

Nhằm hỗ trợ DN trên địa bàn tỉnh có cơ hội tìm hiểu các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm, hàng hóa, từ đầu năm 2020, Sở Công thương đã tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho DN, giới thiệu về thương mại điện tử; đồng thời tiến hành làm việc với Alibaba, Amazon Việt Nam để có những hướng dẫn cụ thể, đào tạo cho DN tham gia hệ thống bán lẻ trực tuyến. Đây là xu hướng tất yếu mà ngành công thương của tỉnh hướng đến trong thời gian tới. Ngoài ra, Sở Công thương cũng tổ chức nhiều hội nghị, mời các chuyên gia chia sẻ, tư vấn cho DN của tỉnh về những giải pháp để xúc tiến xuất khẩu thông qua thương mại điện tử, xây dựng và phát triển thương hiệu trong thời đại số, giới thiệu về dịch vụ hỗ trợ DN bán hàng trên Amazon, Alibaba...

Cà phê phục vụ xuất khẩu tại Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển An Thái.
Cà phê phục vụ xuất khẩu tại Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển An Thái.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần AKIE Việt Nam (đơn vị chuyên tư vấn, quản trị, chiến lược kinh doanh và đào tạo bán hàng trên Amazon) thông tin, hiện đã có 200 quốc gia trên thế giới bán hàng trên Amazon và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Việc bán hàng qua kênh thương mại điện tử này giúp gia tăng khách hàng, lợi nhuận, giá trị sản phẩm. Ở Việt Nam, hiện đang chuyển hướng từ người bán sang DN đăng ký bán trên Amazon. Để bán hàng thành công trên Amazon, điều quan trọng đầu tiên là tư tưởng của người đứng đầu DN. Lãnh đạo DN phải hiểu và "nhìn thấy" được vai trò cũng như lợi ích mang lại từ thương mại điện tử thì mới xúc tiến đầu tư nghiên cứu, tìm hiểu, chuẩn bị về nhân sự, tài chính để tham gia bán hàng trên Amazon.

Ông Phan Thanh Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn MCC Group cho biết, Tập đoàn MCC cùng Amazon Việt Nam đang xúc tiến ở 63 tỉnh, thành phố, giúp các DN kết nối và bán hàng hiệu quả trên Amazon với thông điệp “Muốn thế giới dùng hàng Việt”. Hiện nay, tỷ trọng bán hàng trên Amazon của Việt Nam có 25 – 30% là hàng thủ công mỹ nghệ và nông sản, được người nước ngoài ưa dùng, đây là cơ hội của Việt Nam và cũng là lợi thế của tỉnh Đắk Lắk. Tập đoàn MCC Group cam kết đồng hành cùng DN Đắk Lắk trong các bước xây dựng nhãn hàng sản phẩm, lựa chọn sản phẩm và mở các gian hàng của DN cho đến khi các gian hàng tự hoạt động được trên Amazon.

Đỗ Lan

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nỗ lực ngăn chặn “tín dụng đen” xâm nhập học đường
Mặc dù các lực lượng chức năng của tỉnh Đắk Lắk liên tục có các biện pháp trấn áp, truy quét, nhưng các ổ nhóm "tín dụng đen" vẫn có dấu hiệu hoạt động trái pháp luật. Hiện nay, học sinh là nạn nhân mà các đối tượng này hướng đến.