Multimedia Đọc Báo in

Hy vọng từ vụ mía bội thu ở Krông Bông

08:36, 12/03/2021

Vụ thu hoạch mía năm nay người dân huyện Krông Bông rất phấn khởi bởi năng suất cao và bán được giá.

Là địa bàn trọng điểm về trồng mía của huyện, bà con nông dân xã Cư Kty đang thu hoạch mía với tâm trạng vui mừng. Ông Đinh Văn Nam (ở thôn 2) chia sẻ, gia đình ông trồng 2,5 ha mía, năm nay thu được hơn 200 tấn. Với giá bán khoảng 950 nghìn đồng/tấn, sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư, gia đình ông Nam lãi khoảng 50 - 60 triệu đồng/ha. Mía được giá, lại được Công ty Cổ phần Mía đường 333 bao tiêu sản phẩm nên gia đình ông nhanh chóng hoàn tất việc thu hoạch, tiến hành làm đất để chuẩn bị cho vụ mới.

Không chỉ gia đình ông Nam, hầu hết các hộ trồng mía nguyên liệu trên địa bàn huyện đều phấn khởi vì mía “được mùa, được giá”. Ông Trần Văn Trung, ở thôn 9 (xã Khuê Ngọc Điền) cho hay, vụ mía năm nay gia đình ông xuống giống 1 ha. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng máy móc từ khâu cày ải, xuống giống đến chăm sóc nên năng suất đạt khoảng 80 tấn/ha. Giá mía tăng cao, sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư, gia đình ông lãi 50 triệu đồng. Số tiền này được ông Trung tiếp tục dùng đầu tư trồng mía trong vụ tới.

Người dân thôn 2 (xã Cư Kty) thu hoạch mía.
Người dân thôn 2 (xã Cư Kty) thu hoạch mía.

Niên vụ 2020 - 2021, huyện Krông Bông có 404 ha mía, tập trung chủ yếu ở các xã Cư Kty (250 ha), Khuê Ngọc Điền (58 ha), Ea Trul (45 ha)... Theo Phòng NN-PTNT huyện, sản lượng mía vụ này ước đạt hơn 30 nghìn tấn. Mía được các nhà máy đường ở tỉnh Đắk Lắk và một phần được các nhà máy mía đường ở thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa) thu mua. Hiện các nhà máy đang duy trì mức giá thu mua từ 950.000 - 1.050.000 đồng/tấn tại ruộng (tùy theo trữ lượng đường), người trồng mía trên địa bàn huyện có lãi khá cao sau nhiều năm thua lỗ.

Trồng mía đang có lãi, nên niên vụ 2021 - 2022, không chỉ những hộ trồng mía sẵn sàng xuống giống và mở rộng diện tích mà nhiều người dân trên địa bàn huyện cũng đang cày xới đất để trồng mía mới với nhiều hy vọng. Ông Đinh Văn Tiến, Trưởng Phòng NN - PTNT huyện cho biết, do giá cả bấp bênh và ảnh hưởng của thời tiết nên những năm trước  cây mía chưa đem lại hiệu quả kinh tế như mong đợi. Chính vì vậy, niên vụ 2020 - 2021, huyện đề ra kế hoạch trồng 510 ha mía, tuy nhiên chỉ thực hiện được 404 ha, bằng 79,2 % kế hoạch. Để người dân yên tâm sản xuất, huyện đã làm việc với Công ty Cổ phần Mía đường 333. Đơn vị này cam kết với người dân sẽ bảo hiểm giá mía, tức là thu mua với giá tối thiểu 850 nghìn đồng/tấn (đạt trữ lượng đường 10 CCS) đến năm 2024.

Theo kế hoạch, niên vụ 2021 - 2022 huyện Krông Bông trồng 550 ha mía. Cây mía được xuống giống vào 2 đợt, trong đó: đợt 1 là vào tháng 1, đợt 2 là từ tháng 3 hằng năm.

Theo ông Võ Văn Sơn, Giám đốc Hợp tác xã Thăng Bình (xã Cư Kty), trước kia giá mía không được ổn định một phần do điều kiện thời tiết, phần nữa là do nhiều tuyến đường trên địa bàn hư hỏng nên phương tiện vận chuyển mía gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, các năm trước nhiều hộ nông dân không ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm dẫn đến tình trạng tồn đọng mía trên đồng. Năm nay, hệ thống giao thông trên địa bàn đang từng bước được sửa chữa, hoàn thiện, giá đường trên thị trường đạt mức 14.500 đồng/kg, cao hơn cùng thời điểm năm ngoái khoảng 20%. Do vậy các nhà máy sản xuất mía đường thu mua mía nguyên liệu với giá cao.

Công ty TNHH Mía đường 333 Đắk Lắk thu mua mía trên địa bàn xã Cư Kty (huyện Krông Bông).
Công ty TNHH Mía đường 333 Đắk Lắk thu mua mía trên địa bàn xã Cư Kty (huyện Krông Bông).

Đại diện Công ty Cổ phần Mía đường 333 cho biết, bên cạnh duy trì giá thu mua như hiện nay, công ty cũng triển khai nhiều chương trình hỗ trợ nông dân để ổn định vùng nguyên liệu mía. Cụ thể, suất đầu tư trồng mía mới sẽ nằm ở mức 22 triệu đồng/ha, bao gồm phân bón, tiền mặt và thuốc bảo vệ thực vật. Công ty còn hỗ trợ chi phí thu mua, thu nợ, vận chuyển... cho người trồng mía. Ngoài ra, Công ty cũng tiếp tục hỗ trợ 25 tấn phân bùn cho mỗi héc-ta mía để cải tạo đất cho người trồng... Đây là chính sách để khuyến khích người dân tiếp tục gắn bó với cây mía.

Thực tế sản xuất cho thấy, cây mía hợp với thổ nhưỡng ở huyện Krông Bông. Không những thế chi phí đầu tư và công chăm sóc mía ít hơn các loại cây trồng khác nên lợi nhuận mang lại cao hơn. Hy vọng rằng, cùng với việc được bao tiêu sản phẩm và những chính sách hỗ trợ sát thực từ phía các nhà máy đường, cây mía sẽ mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Krông Bông.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.