Multimedia Đọc Báo in

Tạo lập sinh kế trong khu đô thị: Tại sao không?

08:37, 13/03/2021

Nói đến các khu đô thị, người ta thường nghĩ đến những căn hộ sang trọng, đầy đủ tiện ích sinh hoạt, mà thường bỏ qua một câu hỏi thiết thực: Cư dân liệu có thể tìm được cơ hội tạo lập sinh kế, tăng thu nhập ngay trong những căn hộ đó không?

Đây thực sự không phải câu hỏi dễ trả lời, nhất là khi các chủ đầu tư chỉ tập trung vào mục tiêu lợi nhuận, khai thác bất động sản mà bỏ qua các vấn đề giá trị dân sinh.

Đối với các đô thị mới ở các địa phương đang phát triển kinh tế đô thị, vấn đề sinh kế của cư dân lại càng là câu chuyện gai góc cần giải quyết. Phải chăng vì lý do này mà một số mô hình đầu tư khu đô thị gắn với bài toán tạo lập sinh kế cho người dân bỗng nhiên được quan tâm?

Khi mỗi căn hộ là… một cửa hàng

Gần 30 năm trước, trong một chương trình hỗ trợ phát triển mô hình doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ do Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ các tỉnh thành miền Trung, các cơ quan quản lý kinh tế lần đầu tiên tiếp cận mô hình làm kinh tế “tại nhà” mà Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức triển khai. Đó là tại các khu tập thể, chung cư (mà vào thời điểm đó còn xa lạ hoàn toàn với người dân Việt Nam), các tổ chức thương mại Đức đã triển khai mở các “cửa hàng tại gia”, vận động chính người dân tại các căn hộ tham gia làm kinh tế gia đình. Đó sẽ là một cửa hàng bán gia dụng, một tủ bánh mì… do người trong gia đình thực hiện, qua vay vốn tổ chức thương mại và ngân hàng và bán cho những người dân khác sống cùng khu vực.

Một bạn trẻ ở TP. Buôn Ma Thuột sử dụng chính ngôi nhà của mình để kinh doanh, mở quán cà phê.    Ảnh: Vân Anh
Một bạn trẻ ở TP. Buôn Ma Thuột sử dụng chính ngôi nhà của mình để kinh doanh, mở quán cà phê. Ảnh: Vân Anh

Các gia đình sẽ tận dụng được lao động nhàn rỗi có kỹ năng, nhất là các bà nội trợ để có các sản phẩm tiêu dùng sinh hoạt, thực phẩm chế biến, trao đổi buôn bán với nhau, nhà này bán bánh mì cho nhà kia, còn nhà kia lại hỗ trợ bán gas, đồ điện… cho nhà khác. Cứ như thế, một chuỗi liên kết các cơ sở kinh doanh hộ gia đình sẽ hình thành trong các khu dân cư, khu chung cư và tạo nên sinh kế cho cư dân bản địa.

Bài toán này hơn 10 năm trước ngay tại Hà Nội đã được đặt ra ở các block căn hộ chung cư do Tập đoàn Nam Cường (tỉnh Nam Định) đầu tư. Bằng hình thức vận động cư dân đăng ký “mở cửa hàng dịch vụ tại gia”, ban quản lý các tòa nhà đã xây dựng hệ thống các cửa hàng “tự cấp tự túc” ở mỗi căn hộ, nhà này cung cấp dịch vụ cho nhà kia và ngược lại. Rất nhiều người dân tại các khu chung cư này đã tìm được sinh kế sau khi mua nhà, không phải vất vả mưu sinh trên đường phố nữa. Chỉ sau khi có chủ trương không được kinh doanh cửa hàng tại các chung cư, căn hộ, cách xây dựng quan hệ kinh doanh, tạo sinh kế như vậy mới giảm bớt. Tuy nhiên, đa số người dân tại các khu chung cư, khu dân cư vẫn rất quan tâm đến cơ hội “mỗi căn hộ là một cửa hàng” để ở tại nhà vẫn làm ra tiền!

Khu đô thị mới: Cánh cửa sinh kế tại chỗ?

Mạng xã hội bùng nổ trong thời gian gần đây đang đặt lại câu hỏi: liệu những người dân ở các khu đô thị mới có được quyền và cơ hội tạo lập sinh kế ngay trong căn nhà đã mua của mình?

Một cách tự phát, nhiều bạn trẻ tại các khu đô thị hiện nay đã tiến hành đầu tư bán hàng online, mở cửa hàng trực tuyến qua website, mạng xã hội và các kênh đầu tư trực tuyến khác để tham gia kinh doanh ngay tại nhà mình. Không ít chủ cửa hàng, sạp hàng hóa ở chợ cũng bắt đầu đi theo xu hướng này nhằm gia tăng cơ hội bán hàng, tiếp cận các khách hàng, có khi là các khách hàng ở rất xa. Những cơ hội kinh doanh, tìm sinh kế theo dòng chảy công nghệ số đã thực sự trải mở trước mắt mọi người. Vậy tại sao bài toán tạo lập sinh kế ngay trong những căn hộ đô thị lại không thể bàn tới?

Đơn cử một nhóm bạn trẻ tại TP. Buôn Ma Thuột, trong 2 năm gần đây đã mở kênh bán đặc sản cà phê, sầu riêng… trên mạng xã hội và thu được không ít khách hàng. Lợi thế mà các bạn nhắc đến, chính là chọn một căn hộ nằm trong khu đô thị thương mại dịch vụ làm “đại bản doanh”. So với việc lấy một địa chỉ “thôn X, xã Y, huyện Z” xa xôi nào đó, các bạn rất dễ thuyết phục người mua hàng với địa chỉ mới đặt tại “nhà C12 khu đô thị XYZ”. “Một địa chỉ ở trong khu đô thị, rõ ràng hiện đại hơn và chứng tỏ người bán hàng có gia sản đàng hoàng, nên nhiều người mua hàng ban đầu dễ chấp nhận đặt đơn hàng hơn, dù họ đang ở Hà Nội, Sài Gòn, cách Buôn Ma Thuột rất xa. Sau đó, chính cách giao dịch hàng hóa, giữ chữ tín sẽ làm họ tin tưởng hơn và lan truyền đánh giá tốt shop online”, một thành viên trong nhóm bán hàng trực tuyến này nhận định.

Rõ ràng, với những người dân địa phương, sự lựa chọn đầu tư vào một căn hộ ở khu đô thị là khó khăn, đặc biệt khi so sánh với giá nhà đất “bên ngoài”. Có điều, khi đã nhận thấy được những tiện ích mà các khu đô thị đem lại, nhất là các tiện ích sinh hoạt, công cộng được đầu tư chu đáo, thủ tục pháp lý rõ ràng đầy đủ, việc quy hoạch nhà cửa minh bạch, vững bền, chắc chắn đông đảo người dân sẽ không thể bỏ lỡ cơ hội có được. Nếu tích hợp vào đó là tư duy các chủ đầu tư, vận dụng đưa ra những cơ hội, kết nối tạo lập sinh kế cho cư dân khu đô thị, khai thác tốt cơ hội kiếm tiền của một bà mẹ già có thể làm bánh trái truyền thống, hay một cô gái có kỹ năng làm vật dụng thủ công sắc sảo, để mỗi cư dân tìm thấy được sinh kế của mình, chắc chắn cơ hội định vị cư dân vào các khu đô thị mới phát triển sẽ rất lớn.

Mua một căn nhà an cư ở khu đô thị, đi kèm việc sử dụng được những tiện ích sinh hoạt văn minh, hiện đại hơn, và có thêm cơ hội tạo sinh kế dài lâu, phải chăng sẽ là lựa chọn nên có cho mỗi gia đình người dân địa phương?

Nguyên Đức


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.