Multimedia Đọc Báo in

Vượt "bão" Covid-19 - sẽ có những quyết sách mới

06:17, 15/03/2021

Thống nhất quan điểm chỉ đạo, điều hành là kiên định tập trung thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân, phiên họp thường kỳ tháng 2 của Chính phủ diễn ra mới đây đã bàn thảo và chỉ đạo để xây dựng nhiều quyết sách mới, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các nhiệm vụ, mục tiêu của quý I và cả năm 2021.

5K + vắc-xin

Tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp, tiếp tục tác động, ảnh hưởng trên nhiều mặt đến kinh tế thế giới, khu vực và nước ta. Ở trong nước, tại một số địa phương vẫn còn trường hợp lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 trong cộng đồng. Theo đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tuyệt đối không được chủ quan trong phòng, chống dịch; sát sao hơn nữa trong chỉ đạo điều hành; nghiên cứu, phân tích kỹ xu hướng, tác động, ảnh hưởng để đề xuất các giải pháp, đối sách hiệu quả, khả thi cả trong ngắn hạn, trung hạn, ứng phó kịp thời với tình hình, diễn biến của dịch bệnh...

Kinh doanh dịch vụ, bán lẻ là một trong những ngành chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Đỗ Lan
Kinh doanh dịch vụ, bán lẻ là một trong những ngành chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Đỗ Lan

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan và địa phương tiếp tục quyết liệt phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên tinh thần “5K + vắc-xin”, thực hiện nghiêm việc cập nhật, đánh giá mức độ an toàn về dịch bệnh Covid-19 đối với tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở lưu trú; khi xuất hiện ổ dịch, cần truy vết thần tốc, khoanh vùng nhanh ổ dịch, xét nghiệm diện rộng, khẩn trương dập dịch; đề cao cảnh giác, nhất là những chủng vi-rút mới có thể lây nhiễm trong cộng đồng. Khẩn trương triển khai tiêm vắc-xin cho người dân theo đúng ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư tại Thông báo số 50-CV/TW ngày 19-2-2021 của Văn phòng Trung ương về chủ trương mua và sử dụng vắc-xin phòng Covid-19. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng “Đề án về bảo đảm nguồn cung ứng vắc-xin cho tiêm chủng từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong năm 2021.

Xây dựng chính sách hỗ trợ mới trợ giúp doanh nghiệp

Năm 2021, nước ta đặt mục tiêu phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế 6,5%. Để đạt con số này, Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tập trung cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy nhanh phục hồi kinh tế, đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài. Lực lượng doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Theo đó, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần đánh giá tình hình thực hiện và tiếp tục rà soát, kịp thời đề xuất điều chỉnh các chính sách, biện pháp hỗ trợ hiện tại; nghiên cứu, xây dựng các chính sách hỗ trợ mới giúp doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục cân đối nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là những ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19; tiếp tục cơ cấu lại và xử lý hiệu quả nợ xấu trong hệ thống tín dụng, ngân hàng.

Đề xuất giải pháp kích cầu du lịch trong nước

Tính riêng quý IV năm 2020, cả nước có 902,2 nghìn lao động trong độ tuổi thiếu việc làm, cao hơn nhiều so với các quý năm 2019. Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh Covid-19 với 71,6% lao động bị ảnh hưởng, tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng với 64,7% lao động bị ảnh hưởng; tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 26,4%.

Đề xuất giải pháp kích cầu du lịch trong nước gắn với bảo đảm phòng, chống dịch bệnh Covid-19.   								Ảnh: Hoàng Gia
Du khách chụp ảnh lưu niệm tại nhà dài trong Khu du lịch sinh thái Ako Ea (TP. Buôn Ma Thuột).  Ảnh: Hoàng Gia

Những ngành hàng không, dịch vụ, du lịch đang gặp bế tắc, một số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, phải khắc phục được tình trạng một số doanh nghiệp khó khăn, đặc biệt các ngành dịch vụ du lịch, vận tải, bán lẻ. Đồng thời giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ động đề xuất các giải pháp kích cầu du lịch trong nước gắn với bảo đảm phòng, chống dịch bệnh Covid-19; chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch xúc tiến du lịch quốc tế khi tình hình dịch bệnh trên thế giới được kiểm soát.

Đây được xem là những chỉ đạo mang tính chủ động ứng phó, dự báo, nắm bắt trước tình hình và đem lại nhiều kỳ vọng về sự bứt phá phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 của đất nước khi đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.