Multimedia Đọc Báo in

Doanh nghiệp vận tải lao đao mùa dịch

08:25, 25/06/2021

2 năm trở lại đây, trước tác động của dịch COVID-19, hầu hết doanh nghiệp (DN) vận tải trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là vận tải hành khách lao đao, đứng trước bờ vực phá sản.

Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải (GTVT), toàn tỉnh hiện có 135 đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa và hành khách. 6 tháng đầu năm năm 2021, sản lượng vận tải hàng hóa và hành khách sụt giảm mạnh. Cụ thể khối lượng hàng hóa vận chuyển chỉ đạt hơn 4 triệu tấn, trong khi kế hoạch năm nay là 32,3 triệu tấn. Tương tự, sản lượng vận tải hành khách chỉ đạt hơn 12,8 triệu lượt người,  trong khi kế hoạch năm là 135,2 triệu lượt người.

Thực tế cho thấy, từ đầu năm 2020 đến nay, hầu hết các DN, HTX vận tải phải cắt giảm tần suất chuyến, thậm chí giảm 50 - 60% so với tần suất đăng ký hoạt động do lượng khách ế ẩm. Đơn cử như Công ty Cổ phần Vận tải ô tô Đắk Lắk kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, tại thời điểm hiện tại chỉ có khoảng 30% xe buýt/ tổng số 100 phương tiện của đơn vị đưa ra hoạt động. Nguyên nhân chính do tác động bởi dịch COVID-19, cộng với thời điểm hiện nay học sinh, sinh viên, giáo viên nghỉ hè nên nhu cầu đi lại rất thấp. Điều đáng nói, đối với các phương tiện hoạt động, mỗi chuyến xe chỉ được 3 - 10 khách, buộc DN phải bù lỗ rất nhiều.

Khu vực cổng Bến xe liên tỉnh Đắk Lắk vắng vẻ trong mùa dịch.
Khu vực cổng Bến xe liên tỉnh Đắk Lắk vắng vẻ trong mùa dịch.
6 tháng đầu năm năm 2021, khối lượng hàng hóa vận chuyển trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 12,46% kế hoạch, sản lượng vận tải hành khách chỉ đạt 9,5% kế hoạch năm.

Không chỉ xe buýt, đối với xe khách tuyến cố định cũng lỗ hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đồng/tháng để trả các chi phí duy trì hoạt động của DN. Một DN vận tải (xin giấu tên) khai thác tuyến Buôn Ma Thuột – Hà Nội chia sẻ, mỗi tháng đơn vị phải trả 70 - 80 triệu đồng bao gồm lương nhân viên, phí cầu đường, phí thuê bến bãi, lãi suất ngân hàng, bảo hiểm xã hội... trong điều kiện đơn vị chỉ hoạt động cầm chừng, thậm chí tạm dừng hoạt động theo quy định của bộ, ngành và địa phương để thực hiện phòng, chống dịch COVID-19. Đây là lần thứ hai trong năm 2021, xe khách tuyến này phải tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch, song mọi chi phí trên doanh nghiệp cũng phải bỏ ra. Do đó, nếu tình hình cứ kéo dài, thậm chí dù có nới lỏng và cho hoạt động trở lại trong khi nhu cầu đi lại của người dân thấp thì nguồn thu cũng không đủ các khoản chi, DN đứng trước nguy cơ phá sản nếu không có giải pháp hỗ trợ kịp thời.

Ông Phạm Văn Mạnh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Đắk Lắk cho biết, Hiệp hội có 40 thành viên, với hơn 7.000 phương tiện (gồm xe khách và xe chở hàng hóa). Từ năm 2020 đến nay, hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt, tuyến cố định, taxi đều phải giảm tần suất, bình quân cắt giảm khoảng 60% (tức là khoảng 60% số phương tiện không hoạt động). Số phương tiện hoạt động số lượng giảm mạnh, doanh thu giảm từ 60 - 70%. Đáng nói, có khoảng 80% DN phải vay vốn ngân hàng để đầu tư phương tiện nên số tiền lãi hằng tháng DN phải trả là rất lớn.

Với hoạt động vận tải hàng hóa, tình hình dịch COVID-19 cũng tác động mạnh kéo theo nhu cầu tiêu thụ hàng hóa thấp, hàng xuất nhập khẩu chậm nên các DN có hợp đồng vận tải giảm khoảng 30 - 40%. Đặc biệt, đối với các phương tiện chở hàng của cá nhân, gia đình hoặc DN nhỏ và vừa gần như không có hàng hóa để vận chuyển.

Nhiều phương tiện tại Bến xe liên tỉnh Đắk Lắk thực hiện quy định tạm dừng hoạt động.
Nhiều phương tiện tại Bến xe liên tỉnh Đắk Lắk thực hiện quy định tạm dừng hoạt động.

Thực tế, dù khó khăn nhưng các DN vận tải đều phải trả các chi phí bắt buộc như: trả lương hằng tháng và hỗ trợ lương thất nghiệp tạm thời cho cán bộ, công nhân viên và người lao động tại đơn vị; tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tự nguyện cho người lao động phải tạm nghỉ việc; phí cầu đường, phí đường bộ; tiền thuế hằng tháng, tiền thuê đất… nên chấp nhận bù lỗ.

Trước khó khăn chung đó, mới đây, Hiệp hội Vận tải ô tô Đắk Lắk đã có văn bản gửi UBND tỉnh, Sở GTVT, Sở Tài chính và Cục Thuế tỉnh kiến nghị miễn giảm phí khẩn cấp cho các DN, HTX vận tải trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, Hiệp hội kiến nghị giảm 50% thuế VAT cho xe vận tải hàng hóa, miễn 100% thuế VAT cho xe vận tải hành khách trong thời gian 12 tháng; miễn thuế ấn định cho các xe phải tạm dừng hoạt động; đồng thời giảm 50% tiền thuê đất làm trụ sở, bến bãi cho DN vận tải. Cùng với đó đề nghị miễn hoặc giãn thời gian nộp thuế và bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tự nguyện đến khi ổn định được thị trường. Kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh có chính sách giảm lãi suất từ 3 - 5% và khoanh nợ, giãn nợ cho các DN, HTX vận tải gặp khó khăn về tài chính do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Ông Lê Đình Minh, Phó Giám đốc Sở GTVT cho hay, Sở đã nhận được văn bản của Hiệp hội Vận tải ô tô Đắk Lắk kiến nghị các vấn đề nêu trên. Sở đang tập hợp các nội dung kiến nghị để đề xuất lên UBND tỉnh và các ngành liên quan thực hiện việc miễn giảm chi phí khẩn cấp cho các DN, HTX kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Sở phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu, xem xét các giải pháp, hình thức hỗ trợ DN trong thời điểm tạm ngừng hoạt động để phòng, chống dịch COVID-19.

Hoàng Tuyết

 

 


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.